Chế độ dinh dưỡng cho bệnh nhân ung thư vú

24/05/2022 - 22:42

PNO - Với bệnh nhân ung thư vú, một chế độ ăn cân bằng dinh dưỡng là rất quan trọng. Dinh dưỡng sẽ hỗ trợ nhiều cho sự phục hồi của cơ thể trong và sau khi điều trị ung thư.

Tùy vào dạng bệnh và giai đoạn của bệnh, bệnh nhân ung thư vú có thể trải qua hóa trị, liệu pháp hormone, thuốc, hoặc có thể cần phải xạ trị.

Ăn uống đầy đủ dinh dưỡng khi bị ung thư vú mang lại nhiều lợi ích cho người bệnh
Bệnh nhân ung thư vú cần uống đầy đủ dinh dưỡng

Thông thường, bệnh nhân sẽ bắt đầu các liệu pháp điều trị này sau khi đã trải qua một cuộc phẫu thuật cắt bỏ khối u, hoặc có thể cắt bỏ một phần vú hay cắt bỏ toàn bộ vú.

Phải chống chọi với quá trình điều trị và những thay đổi cơ thể là điều rất khó khăn với các chị em. Nhiều nghiên cứu cho thấy có đến 50% bệnh nhân ung thư vú rơi vào trầm cảm và lo âu. Vì căn bệnh và quá trình điều trị ảnh hưởng đến cả thể chất và sức khỏe tinh thần nên nó có thể ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động của hệ tiêu hóa và khiến bệnh nhân ăn không ngon.

Vì thế, nếu chủ động lựa chọn những loại thực phẩm tốt cho cơ thể và tâm trí, người bệnh sẽ có sức chiến đấu với căn bệnh này.

Các loại thực phẩm sau đây đem lại nhiều lợi ích cho bệnh nhân ung thư vú:

Thực phẩm toàn phần (càng ít tinh chế càng tốt), thực phẩm giàu chất dinh dưỡng như trái cây và rau, ngũ cốc nguyên hạt, các loại đậu, protein như thịt gà, cá béo.

Thực phẩm giàu chất béo lành mạnh và protein. Nếu cần duy trì cân nặng hoặc tăng cân, hãy kết hợp các nguồn chất béo lành mạnh như các loại hạt, quả bơ và dầu ô liu, protein như trứng, thịt gà, cá, đậu lăng. Thực phẩm giàu protein đặc biệt quan trọng để duy trì khối lượng cơ.

Chất lỏng pha trộn như sữa lắc, cháo dinh dưỡng, sinh tố, nước trái cây hoặc xúp phù hợp vào những lúc người bệnh không muốn ăn thức ăn đặc.

Thực phẩm giàu chất xơ như ngũ cốc nguyên hạt, hạt lanh, các loại đậu, rau và trái cây để điều trị táo bón.

Các triệu chứng và tác dụng phụ của việc điều trị có thể khiến người bệnh cảm thấy không khỏe để nấu, lập kế hoạch bữa ăn hoặc ăn uống như bình thường, lúc này, có thể chia nhỏ bữa ăn. Nếu các triệu chứng như buồn nôn, đầy bụng và táo bón dẫn đến việc khó có thể ăn ba bữa lớn mỗi ngày, nên chia bữa ăn thành từng bữa nhỏ và ăn thêm đồ ăn nhẹ như trứng luộc, sữa chua với trái cây (chuối, đu đủ, cam…) hoặc bánh quy.

Nên lưu ý bổ sung thêm chất lỏng. Nếu gặp khó khăn khi ăn thức ăn rắn, có thể uống sinh tố hoặc thức uống dinh dưỡng. Ngoài ra, uống ít nhất 8-12 cốc nước mỗi ngày vì các tác dụng phụ của điều trị như nôn mửa và tiêu chảy có thể gây mất nước. Uống thêm nước trái cây và sữa, hạn chế caffein và cố gắng ăn thức ăn giàu nước như trái cây.

Nói chung, nghiên cứu cho thấy, chế độ dinh dưỡng cân bằng với nhiều trái cây, rau, ngũ cốc nguyên hạt, thịt gia cầm và các sản phẩm từ sữa ít béo có thể có tác động tích cực đến quá trình điều trị ung thư. Ngược lại, thực phẩm chế biến sẵn, thực phẩm nhiều đường hoặc thực phẩm chiên rán có thể gây những ảnh hưởng tiêu cực.

Ăn uống đầy đủ dinh dưỡng không chỉ khiến bệnh nhân ung thư vú cảm thấy hồi phục nhanh hơn mà còn giúp tăng cường hệ thống miễn dịch và giúp cho người bệnh trở nên mạnh mẽ.

Mai Quỳnh (theo Healthline)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI