Chế độ dinh dưỡng ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần

18/01/2021 - 16:32

PNO - Tâm thần học dinh dưỡng là lĩnh vực nghiên cứu mới nổi, xem xét vai trò của dinh dưỡng trong sự phát triển và điều trị các vấn đề sức khỏe tâm thần.

 

Một đánh giá ở Trung Quốc năm 2017 về 21 nghiên cứu từ 10 quốc gia cho thấy, chế độ ăn uống lành mạnh - nhiều trái cây, rau, ngũ cốc nguyên hạt, dầu ô-liu, cá, sữa ít béo và chất chống ô-xy hóa, cũng như ít sản phẩm động vật - có liên quan đến giảm nguy cơ trầm cảm.

Ngược lại, chế độ ăn uống kiểu phương Tây - nhiều thịt đỏ, thịt đã qua chế biến, ngũ cốc tinh chế, đồ ngọt, các sản phẩm từ sữa giàu chất béo, bơ và khoai tây, cũng như ăn ít trái cây và rau quả - làm tăng đáng kể nguy cơ trầm cảm.

Một đánh giá cũ hơn ở Hy Lạp vào năm 2013 cho thấy kết quả tương tự, với việc tuân thủ cao chế độ ăn Địa Trung Hải có thể giảm 32% nguy cơ trầm cảm. Gần đây, nghiên cứu từ Tây Ban Nha và Hy Lạp năm 2019 xem xét hơn 3.000 người trên 50 tuổi, tìm thấy mối liên hệ giữa mức độ lo lắng cao và chế độ ăn giàu chất béo bão hòa, đường, bột. 

Nhiều công trình tìm thấy mối liên hệ giữa mức độ folate, magie, sắt, kẽm và vitamin B6, B12, D thấp với tâm trạng xấu, cảm giác lo lắng và nguy cơ trầm cảm. Tương tự, a-xít béo omega-3 là chất béo đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển não bộ và tín hiệu tế bào. Năm 2018 và 2019, các đánh giá về thử nghiệm ngẫu nhiên có đối chứng cho thấy bổ sung omega-3 có hiệu quả trong điều trị chứng lo âu và trầm cảm.

Theo Mentalhealth.gov, các khía cạnh có thể tác động sức khỏe tâm thần bao gồm: di truyền, kinh nghiệm sống và tiền sử gia đình. Tình trạng kinh tế - xã hội cũng có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần. Nhìn chung, trong khi chế độ ăn uống có thể là một yếu tố quan trọng đối với sức khỏe tinh thần, điều quan trọng cần nhớ là nhiều khía cạnh khác của cuộc sống cũng có thể ảnh hưởng tâm trạng.

Ngọc Hạ (theo Medical News Today)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI