Chế độ cử tuyển không dành cho con em nông dân?

24/10/2014 - 16:47

PNO - PNO - Loại bỏ học sinh giỏi, con nông dân; ưu tiên học lực khá và trung bình, con cán bộ công chức… Nghịch lý trong việc xét chế độ cử tuyển đi học đại học này ở huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng đã và đang gây bất bình trong dư...

 Ưu tiên… con cán bộ

Ngày 14/10, UBND tỉnh Sóc Trăng đã ban hành Quyết định số 420/QĐ-CTUBND về việc cử học sinh đi học theo chế độ cử tuyển năm 2014 tại Trường Đại học Y Dược (ĐHYD) Cần Thơ. Theo quyết định này, có 25 học sinh được tỉnh cử đi học và được hưởng hỗ trợ hàng tháng của tỉnh. Trong đó, huyện Châu Thành có 4 em. Đồng thời, theo chế độ hiện hành, khi các sinh viên này tốt nghiệp ra trường, sẽ được ưu tiên bố trí làm đúng theo chuyên môn nghiệp vụ và hưởng nhiều chế độ ưu tiên khác nếu có.

Biết được thông tin tỉnh có chế độ cử tuyển đi học, nhiều học sinh và phụ huynh thuộc diện có hoàn cảnh khó khăn người dân tộc thiếu số đã tranh thủ làm hồ sơ nộp với hy vọng được đi học theo chế độ nhằm giảm bớt khó khăn, gánh nặng cho gia đình. Tuy nhiên, người dân đã hết sức thất vọng vì huyện này đã thực hiện chế độ theo cách “ưu tiên con cán bộ” và “loại bỏ học sinh giỏi”.

Che do cu tuyen khong danh cho con em nong dan?

Nhà em Cao Ngọc Diệu Ái là nhà tường kiên cố với đầy đủ tiện nghi nhưng lãnh đạo huyện cho là… khó khăn

Trình bày bức xúc của mình, em Lý Thị Chanh Đa, người dân tộc Kh’mer ngụ tại ấp Châu Thành, xã An Ninh, huyện Châu Thành, Sóc Trăng cho biết, nghe tin có chế độ cử tuyển em đã nhanh chóng đăng ký xét tuyển vì học lực của em vốn xếp hạng loại giỏi suốt nhiều năm liền. “Tự tin là mình sẽ được chọn đi học, em đã tranh thủ đi làm thêm mọi việc để có tiền mua sắm đồ đạc, dụng cụ học tập chuẩn bị đến trường. Nhưng sau khi có thông báo, em rất thất vọng”, Chanh Đa nói.

Hồ sơ của Chanh Đa thể hiện em liên tục là học sinh giỏi suốt nhiều năm liền; kết quả thi tốt nghiệp THPT cũng đạt loại giỏi… Chanh Đa cho biết: “Tại kỳ thi tuyển sinh vào Trường ĐHYD Cần Thơ năm 2014, em đạt 14 điểm cho 3 môn thi (môn toán là 4,25 điểm; môn sinh học là 5,25 điểm; môn hoá học là 4,5 điểm), cộng với bản thân là người dân tộc Kh’mer. Khi đối chiếu các quy định, em thấy mình có đủ điều kiện, nhưng khi xem danh sách, em bất ngờ khi không thấy tên em mà chỉ có tên những bạn mà em thừa biết học lực của các bạn kém hơn mình”.

Cụ thể, theo danh sách trúng tuyển của Phòng GD-ĐT huyện Châu Thành cho thấy, em Lê Hoàng Thái (ngụ tại ấp Hoà Quới, xã An Ninh) có học lực loại khá, thi vào ĐHYD Cần Thơ chỉ đạt 12,5 điểm; em Dương Xên Hon (ngụ tại ấp Phước An, xã Phú Tân) học lực trung bình, thi vào ĐHYD Cần Thơ đạt 14 điểm; Thạch Kim Tho (ngụ tại ấp Đắc Lực, xã Hồ Đắc Kiện) học lực khá, thi ĐHYD Cần Thơ 12 điểm; Cao Ngọc Diệu Ái (ngụ tại ấp Kinh Mới, xã An Ninh), tốt nghiệp lớp 12 năm 2013, học lực khá, thi ĐHYD Cần Thơ được 11,5 điểm.

Điều đáng nói là trường hợp Cao Ngọc Diệu Ái tốt nghiệp lớp 12 năm 2013, đã đậu vào Trường Đại học Ngân hàng nhưng vẫn được xét cử tuyển đi học đợt này. “Có lẽ cha của Ái là bác sĩ, mẹ của em đang công tác tại trạm y tế xã nên mới được ưu tiên”, một giáo viên ở huyện Châu Thành bức xúc.

Trao đổi với phóng viên xung quanh vụ việc trên, ông Kim Sơn, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Sóc Trăng cho biết, căn cứ vào chỉ tiêu xét tuyển, tỉnh đã giao các địa phương xét xong rồi mới chuyển hồ sơ về cho Hội đồng tuyển sinh của tỉnh xét và đề nghị UBND tỉnh ban hành quyết định cử đi học. Theo đó, trường hợp em Lý Thị Chanh Đa thuộc trách nhiệm của huyện Châu Thành.

Khó khăn “kiểu mới”

Theo bà Trương Ngọc Luận, Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Thành, do chỉ tiêu của huyện chỉ có 4 nên phải xét theo nhiều tiêu chí khác nhau: gia đình chính sách, hộ nghèo, hoàn cảnh gia đình khó khăn và em Chanh Đa không thuộc diện này…

Khi phóng viên đặt nghi vấn tại sao chỉ xét học sinh có học lực khá, trung bình mà không xét học lực giỏi, bà Luận giải thích: “Dựa vào nhiều tiêu chí chứ không phải học lực. Riêng trường hợp em Cao Ngọc Diệu Ái có hoàn cảnh khó khăn nên huyện xét cho em là đúng”.

Qua tìm hiểu của phóng viên được biết, gia đình em Cao Ngọc Diệu Ái là một gia đình khá giả ở địa phương, nhà tường kiên cố, trong nhà có đầy đủ tiện nghi. Cha em ái là bác sĩ, đang công tác tại Trung tâm Y tế huyện Châu Thành, còn mẹ cũng đang công tác tại trạm y tế xã...

Trái lại, cha mẹ Chanh Đa là nông dân, hàng ngày phải “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” để chăm lo cuộc sống gia đình.

Dư luận thắc mắc, việc Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Thành cho rằng gia đình em Ái khó khăn hơn Chanh Đa phải chăng do huyện này đã định ra một kiểu "khó khăn" mới.

Chế độ cử tuyển là một chính sách tốt của Đảng và Nhà nước. Tuy nhiên, việc thực hiện chính sách này ở huyện Châu Thành quả là đã làm mất lòng tin của dân và đã đánh mất cơ hội của những học sinh có hoàn cảnh thực sự khó khăn.

MỸ LINH

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI