Chế độ ăn ‘nghèo nàn’ có thể là nguyên nhân của nhiều ca ung thư

23/05/2019 - 08:24

PNO - Một nghiên cứu mới công bố trên tạp chí y học JNCI hôm 22/5 cho biết chế độ ăn uống có thể tác động đến nguy cơ gây ung thư nhiều hơn chúng ta thường nghĩ.

Nghiên cứu cho biết, năm 2015 ở Mỹ có khoảng 80.110 ca ung thư mới ở người trưởng thành từ 20 tuổi trở lên đơn giản là do chế độ ăn “lệch lạc”.

Che do an ‘ngheo nan’ co the la nguyen nhan cua nhieu ca ung thu
Hàng ngàn chẩn đoán ung thư mới gắn liền với chế độ ăn uống “nghèo nàn” - Ảnh: CNN

Tiến sĩ Fang Fang Zhang, chuyên gia dinh dưỡng và ung thư Đại học Tufts ở Boston (Mỹ), tác giả đầu tiên của nghiên cứu cho biết: "Con số này chiếm tỷ lệ 5,2% các ca ung thư mới được chẩn đoán ở người trưởng thành ở Mỹ năm 2015, và tương đương với tỷ lệ ung thư do rượu”.

Nhóm nghiên cứu đã đánh giá bảy yếu tố của chế độ ăn “nghèo nàn”, đó là ăn ít rau và trái cây, ít các hạt ngũ cốc nguyên hạt và các sản phẩm sữa, ăn nhiều thịt chế biến, nhiều thịt đỏ và dùng nhiều đồ uống có đường hay soda.

Nghiên cứu bao gồm dữ liệu về chế độ ăn uống của người trưởng thành tại Mỹ trong giai đoạn 2013-2016, xuất phát từ Khảo sát kiểm tra sức khỏe và dinh dưỡng quốc gia, cũng như dữ liệu về tỷ lệ mắc ung thư năm 2015 của Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC).

Các nhà nghiên cứu đã sử dụng mô hình đánh giá rủi ro đối chiếu, bao gồm ước tính số ca ung thư liên quan đến chế độ ăn uống kém và đánh giá chế độ ăn uống có thể đóng vai trò như thế nào trong gánh nặng ung thư của ngước Mỹ. Những ước tính được thực hiện thông qua các liên kết chế độ ăn – ung thư trong các nghiên cứu riêng biệt.

TS Zhang nói, "các nghiên cứu trước đây cung cấp bằng chứng mạnh mẽ rằng tiêu thụ nhiều thịt chế biến làm tăng nguy cơ ung thư đại trực tràng và tiêu thụ ngũ cốc nguyên hạt làm giảm nguy cơ ung thư đại trực tràng”. Tuy nhiên, nghiên cứu của họ đã định lượng và đưa ra tỷ lệ các trường hợp ung thư mới có liên quan đến chế độ ăn uống kém trên quy mô quốc gia.

Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng ung thư đại tràng và trực tràng chiếm số lượng và tỷ lệ cao nhất trong các trường hợp liên quan đến chế độ ăn uống: 38,3%.

Ngoài ra, tiêu thụ ít ngũ cốc nguyên hạt và các sản phẩm từ sữa và ăn nhiều thịt chế biến là các tác nhân quan trọng nhất gây ra căn bệnh ung thư.

Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện đàn ông 45 đến 64 tuổi và dân tộc thiểu số, bao gồm cả người da màu và Tây Ban Nha, có tỷ lệ ung thư liên quan đến chế độ ăn uống cao nhất so với các nhóm khác.

Các tác giả của báo cáo nhấn mạnh, "chế độ ăn uống là một trong số ít các yếu tố rủi ro có thể thay đổi để phòng ngừa ung thư". Theo đó, có thể giảm tỷ lệ ung thư thông qua cải thiện ăn uống các nhóm thực phẩm và chất dinh dưỡng quan trọng.

Thực phẩm chế biến ngày càng chiếm vị trí trung tâm trong bữa ăn trên thế giới. Một nghiên cứu năm 2016 cho thấy 60% lượng calo trong chế độ ăn uống trung bình của người Mỹ đến từ loại thực phẩm này và một nghiên cứu năm 2017 cho thấy chúng chiếm một nửa khẩu phần ăn của người Canada, chiếm hơn 50% chế độ ăn của người Anh và nhiều nước đang phát triển cũng ăn uống theo cách này.

Tuy nhiên, chúng ta có thể bảo vệ bản thân không mắc bệnh ung thư bằng cách tránh các thực phẩm chế biến và thay vào đó chọn thực phẩm hữu cơ.

Theo một nghiên cứu công bố năm ngoái trên tạp chí nội khoa JAMA, những người thường xuyên ăn thực phẩm hữu cơ sẽ giảm nguy cơ phát triển ung thư. Cụ thể, những người chủ yếu ăn thực phẩm hữu cơ có nhiều khả năng tránh được ung thư hạch và ung thư vú sau mãn kinh hơn những người hiếm khi hoặc không bao giờ ăn thực phẩm hữu cơ.

Vậy tại sao người ta ăn nhiều thực phẩm chế biến? Nurgul Fitzgerald, phó giáo sư Khoa học Dinh dưỡng tại Đại học Rutgers, cho biết vì "chúng ta sống trong một thế giới tốc độ nhanh và mọi người tìm kiếm các giải pháp thuận tiện, giải pháp nhanh, bữa ăn nhanh”.

Cẩm Hà (Theo CNN)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI