Chè bông cỏ

23/06/2024 - 21:53

PNO - Có 2 cách ăn chè bông cỏ - ăn với đường thắng hoặc bông cỏ trở thành một trong những nguyên liệu của món chè thập cẩm, chè xu xoa hạt lựu.

Hồi đó, nhóm chúng tôi có 3 đứa: tôi, Lan và Quang chơi rất thân, vì học chung lớp và ở cùng cư xá. Ba Quang là thợ mộc, mẹ Quang bán chè trước cổng cư xá. Hàng chè của mẹ Quang rất hấp dẫn. Chè nóng thì có chè đậu trắng, khoai sáp, đậu ván, chè thưng, đậu xanh đánh… Chè lạnh có chè chuối, sâm bổ lượng… Đặc biệt, món chè chúng tôi mê nhất là chè bông cỏ.

Có nhiều người nhầm lẫn bông cỏ là hạt é (cũng là một trong những nguyên liệu của món chè thập cẩm). Hạt bông cỏ khô mua về, mẹ Quang ngâm nước cho nở rồi bỏ vào một cái khăn sạch để vò trong nước đã nấu sôi, để nguội. Nước vò bông cỏ này để khoảng 1 giờ sẽ đông lại như thạch (giống như sâm nam, nhưng có màu trắng).

Ngày nào mẹ Quang cũng vò 1 hũ lớn bông cỏ. Có 2 cách ăn chè bông cỏ - ăn với đường thắng hoặc bông cỏ trở thành một trong những nguyên liệu của món chè thập cẩm, chè xu xoa hạt lựu.

Hồi đó, mỗi khi đi học về đến cổng cư xá, tôi và Lan thường sà vào hàng chè của mẹ Quang, láu ta láu táu chọn chè. Nhìn xoong này rồi qua xoong khác, chọn mãi cuối cùng cũng chỉ vào thẩu chè bông cỏ. Mẹ Quang ưu ái múc cho 2 đứa chén chè đặc biệt. Nếu chỉ ăn bông cỏ thì bà sẽ múc hơi nhiều hơn một chút và tặng thêm nửa vá đường thắng, thêm ít nước cốt dừa. Còn nếu chúng tôi ăn chè đủ thứ, bà cũng “khuyến mãi” cho thêm nhiều bông cỏ hơn.

Bông cỏ mịn và mát tan dần trong miệng, ăn xong 2 đứa chóp chép thèm thuồng nhưng không dám ăn thêm, vì sợ về nhà bỏ cơm. Trưa ngủ dậy, tôi và Lan lại kéo nhau ra hàng chè ăn thêm 1 chén bông cỏ nữa mới chịu ngồi vào bàn học. Khu cư xá êm đềm với món chè bông cỏ đồng hành cùng chúng tôi hết cấp II.

Mùa hè năm lên lớp Mười, mẹ Quang trong một lần đi mua hàng bị tai nạn giao thông, chấn thương cột sống, phải nằm liệt. Khó khăn chồng thêm khó khăn khi cuối năm chúng tôi học lớp Mười, ba Quang sơ suất bị máy cưa cắt đứt bàn tay phải. Là con lớn trong gia đình còn 4 em nhỏ, vừa chăm mẹ, vừa nuôi ba trong bệnh viện, Quang phải nghỉ học ở nhà, học nghề thợ mộc để nuôi các em và chăm lo gia đình.

Với ý chí mạnh mẽ, ban ngày làm nghề, ban đêm Quang lại chong đèn tự học chương trình lớp Mười một. Có bài nào không hiểu, Quang lại sang nhà tôi hay nhà Lan để hỏi. Tuy nhiên, chỉ được 1 năm thì ba Quang qua đời. Gánh nặng gia đình khiến Quang không còn thời gian theo đuổi sách vở. Tôi và Lan chẳng còn dịp nào chỉ bài cho Quang nữa.

Tôi vào đại học, ba mẹ tôi bán nhà theo tôi vào thành phố; năm sau nữa Lan lập gia đình với một Việt kiều và định cư xứ người. Cư xá có món chè bông cỏ cùng gia đình một người bạn tuổi hoa niên đã lùi lại sau lưng chúng tôi.

Ai đó nói cuộc đời là một vòng tròn. Mới đây, khi dự một hội chợ ở Hà Nội, tôi gặp lại Quang, nay là chủ một doanh nghiệp gỗ có gian hàng trưng bày rất lớn kế bên gian của công ty tôi. Quang kể: 2 năm sau khi tôi và Lan rời cư xá thì mẹ bạn cũng mất. Quang thay cha mẹ dìu dắt các em bằng nghề thợ mộc.

Nhà nước mở đường, nhà Quang thành mặt tiền. Khi sản phẩm của Quang làm ra bắt đầu có khách hàng, Quang khuếch trương kinh doanh, mở rộng nhà xưởng. Các em Quang lần lượt tốt nghiệp đại học về phụ giúp gia đình. Mấy anh em góp sức làm ăn mới có ngày hôm nay - sản phẩm đã xuất khẩu được ra nước ngoài.

Tôi nhìn đôi bàn tay tài hoa của Quang với những ngón dài và thuôn, hình ảnh bạn khéo léo đãi từng thau đậu xanh chợt hiện ra trước mắt. Quang nói: “Ngày xưa có lúc cùng cực lắm, tưởng là ngã quỵ, nhưng nghĩ đến Lan và Tâm với những lần cố gắng giảng bài cho mình, mình lại thấy mạnh mẽ và gượng đứng lên tiếp tục đi”. “Có thật thế không Quang? Bạn mới là tấm gương cho mình phấn đấu đấy”. Tôi đã tiếp lời Quang như thế.

Kim Duy

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI