"Chế biến" một đứa trẻ tích cực

22/07/2021 - 15:16

PNO - Muốn giúp con có một tuổi thơ “giàu nụ cười, niềm vui”, bạn hãy bắt đầu bằng việc cùng tôi “chế biến” ra những đứa trẻ tích cực ngay từ hôm nay.

Hôm nay, tôi xin phép được hướng dẫn các bậc cha mẹ cách “chế biến” ra một đứa trẻ tích cực.

Nguyên liệu đầu vào

Đầu tiên, nguyên liệu cần phải có là một ông bố kiên nhẫn và một bà mẹ tích cực. Nếu thiếu nguyên liệu này, sẽ không thể cho ra thành phẩm là một đứa trẻ tích cực. Có thể tráo đổi bà mẹ kiên nhẫn và ông bố tích cực, nhưng nếu thiếu một trong hai thì sẽ khá vất vả cho người còn lại.

Khi đó, người mẹ hoặc ông bố cần phải có cả hai tính cách kể trên. Dù sao thì kiên nhẫn và tích cực vốn không phải là đặc thù giới tính nên bạn hoàn toàn có thể có được dù bạn thuộc giới tính nào đi nữa.

Khi trẻ còn bé, cha mẹ có thể gieo mầm sự tích cực vào trẻ bằng việc… mỉm cười nhiều hơn với con. Việc gieo mầm này rất cần thiết vì nó sẽ giúp trẻ lạc quan và dễ tìm được cách giải quyết vấn đề trong các tình huống sau này. Muốn vậy, cha mẹ phải thường xuyên làm mẫu cho trẻ bằng việc mỉm cười.

Nụ cười có nhiều sắc thái lắm. Cười vui cùng con, cười âu yếm với con, cười thả ga khi con đạt thành công nho nhỏ, cười an ủi khi con gặp thất bại, cười làm hòa khi con giận dỗi…

Hãy thật cẩn thận với nụ cười chế nhạo khi con thất bại vì nó là nụ cười có độc. Bạn gieo càng nhiều nụ cười tích cực vào con thì con bạn càng sớm trở thành đứa trẻ tích cực. Nụ cười như nước tưới tắm cho suy nghĩ tích cực trong con lớn dần lên.

Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK
Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK

Có thể, trong vai trò người cha, người mẹ, lúc con làm sai, chúng ta cần trách phạt con nhưng trách phạt tích cực khác trách phạt tiêu cực. Trách phạt tích cực là bạn cho con thấy con đang sai chỗ nào và giải pháp cho việc đó là gì.

Quan trọng nhất vẫn là cùng con sửa chữa chứ không phải phán tội và bắt con phải tự sửa mình. Để “chế biến” ra một đứa trẻ tích cực thì từ cả những trách phạt cũng phải tích cực.

Giúp con cởi mở hơn

Chúng ta không thể “chế biến” ra một đứa trẻ tích cực khi chúng đóng kín tâm sự, suy nghĩ. Trẻ chỉ có thể cởi mở nếu cha mẹ thể hiện rằng mình tin tưởng nơi con, không phán xét hay đổ lỗi, gán tội cho con. Phải tạo cho trẻ cảm giác an toàn và cho phép trẻ thoải mái nói bất cứ điều gì với cha mẹ.

Ngừng than vãn, kêu ca hay lười biếng. Nhiều bậc cha mẹ đi làm về mệt mỏi nên không muốn làm gì thêm, kêu ca đủ thứ hoặc cáu giận khi con bày bừa đồ đạc. Điều đó sẽ khiến trẻ cảm thấy áp lực mỗi khi bố mẹ về nhà.

Nhiều đứa trẻ còn xem thời gian cha mẹ đi làm là lúc mình được tự do. Đó đương nhiên là suy nghĩ rất nguy hiểm. Thế nên, dù bạn đang mệt đến đâu, đang vất vả thế nào, hãy nhớ điều quan trọng: bạn đang cần dạy con về thái độ tích cực, để mà hít một hơi thật sâu rồi cùng con dọn dẹp nhà cửa.

Bạn hoàn toàn có thể nhờ con giúp mình. Thậm chí, bạn có thể dạy trẻ sự tích cực bằng việc “Bố mẹ mệt quá, con có thể truyền năng lượng tích cực của con cho bố mẹ bằng một cái ôm được không?”.

Bạn dạy con tích cực, nhưng nếu như bạn nhìn đâu cũng thấy tiêu cực thì con bạn cũng sẽ vậy, bởi trẻ học từ cách hành xử của ta nhiều hơn qua những lời ta dạy. Thế nên, kể cả với những người bạn không ưa, đừng cư xử một cách thô lỗ, không ra gì với họ (thậm chí khi họ xứng đáng bị bạn đối xử như thế).

Hãy lịch sự vì bạn là bạn, bạn không phải là họ. Đừng dùng cách người khác đối xử xấu với mình để đáp lại họ. Bạn muốn trở thành con người thế nào quan trọng hơn là bạn để người khác biến bạn thành con người thế nào, đúng không?

Việc bạn lịch sự với những người xung quanh sẽ giúp con bạn nhìn cuộc sống bớt u ám. Công cuộc “chế biến” chúng thành đứa trẻ tích cực nhờ vậy cũng sẽ dễ dàng hơn.

Hãy nhìn vào những mặt tích cực của mọi thứ đang diễn ra quanh bạn. Hãy cho con thấy điều đó. Với những người bạn không ưa, hãy thử nhìn vào điểm tốt của họ đi, biết đâu chính bạn cũng học được điều gì đó.

Con bạn cần hiểu về việc tôn trọng người khác vì khi biết tôn trọng người khác thì trẻ mới hiểu giá trị bản thân và không cho phép ai đối xử thiếu tôn trọng với mình.

Đó cũng là cách để mai này, dù bạn không ở bên, con bạn vẫn có thể vững vàng trước những dập vùi của cuộc sống. Tất cả đều nhờ tư duy tích cực trong suy nghĩ, thái độ trân trọng giá trị bản thân và nỗ lực phát triển giá trị bản thân của chúng.

Và tất nhiên, thể hiện tình yêu thương của bạn nhiều hơn chính là cách giúp con cảm nhận cũng như học theo bạn. Một đứa trẻ có trái tim luôn tốt hơn một đứa trẻ chỉ có khối óc.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Thông thường, một đứa trẻ tiêu cực là do:

- Cha mẹ đặt áp lực rất lớn lên con. 

- Cha mẹ có thể đã thường xuyên thể hiện những điều tiêu cực trước mặt con.

- Cha mẹ có thể đã bao bọc con quá mức.

- Con bạn đang mắc các vấn đề về tâm lý.

- Trẻ đang bị một cú sốc tâm lý hoặc sự xáo trộn nghiêm trọng trong gia đình.

- Trẻ đã nhận quá nhiều lời chỉ trích, mắng mỏ.

Thế nên, muốn “chế biến” một đứa trẻ tích cực, chắc chắn phải tránh những điều trên. Bạn cần cho con cơ hội để con bày tỏ cảm xúc, dù đó là cảm xúc tiêu cực đi chăng nữa. Bằng việc thừa nhận cảm xúc của con, bạn đã giải phóng con khỏi những áp đặt từ bạn hoặc từ cuộc sống.

Sau đó, bạn hãy cùng con đối diện và cùng lên giải pháp cho những cảm xúc tiêu cực. “Chế biến” một đứa trẻ tích cực không phải là đúc khuôn mọi thứ tích cực rồi bắt con phải cười lên, kể cả khi bị ngã đau.

Giờ thì hãy tận hưởng

Thành quả khi bạn có một đứa trẻ tích cực là gì? Con bạn sẽ có sự mở rộng đáng kể các mối quan hệ. Mọi đứa trẻ đều muốn chơi cùng một người bạn như con của bạn. Khi có suy nghĩ tích cực, con bạn sẽ dễ dàng tiếp nhận tình bạn hơn. Trẻ không còn sợ bị bắt nạt học đường hay những trò tẩy chay thường thấy.

Con bạn sẽ cảm thấy hạnh phúc hơn, tìm niềm vui dễ dàng hơn và có một tuổi thơ vững chắc để lớn khôn. Trẻ sẽ giải quyết được các vấn đề xảy ra trong cuộc sống một cách êm đẹp hơn.

Chúng ta đều biết rằng, trong hầu hết những người lớn thất bại hay những kẻ bất hạnh chúng ta gặp, cả những người xấu, đều có một mẫu số chung là có một tuổi thơ bất hạnh. Tất nhiên, không phải mọi đứa trẻ có tuổi thơ bất hạnh sau này đều trở thành kẻ thất bại hay thành người xấu.

Thế nên, muốn giúp con có một tuổi thơ “giàu nụ cười, niềm vui”, bạn hãy bắt đầu bằng việc cùng tôi “chế biến” ra những đứa trẻ tích cực ngay từ hôm nay. Với con cái, không bao giờ là quá trễ để bắt đầu cùng con tạo ra những điều tốt đẹp, giúp con trở nên tốt đẹp và cùng nhau tận hưởng những thành quả tốt đẹp. 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Tôi có đọc được phương pháp WOOP của tiến sĩ Oettiengen, bao gồm những từ:

Wish - Mơ ước: Giúp con đưa ra mục tiêu mà con có khả năng đạt được.

Outcome - Kết quả: Hướng dẫn con hình ảnh hóa kết quả tốt nhất có thể có được khi đạt mục tiêu. (Kết quả đó trông như thế nào? Nó tạo cảm giác gì?…)

Obstacle - Trở ngại: Lập danh sách những trở ngại có thể ngăn con đạt mục tiêu. Những trở ngại này bao gồm cảm giác muốn từ bỏ hay bị thứ gì đó làm cho xao lãng (muốn chơi đồ chơi, lướt mạng…).

Plan - Kế hoạch: Lập kế hoạch xử lý những trở ngại này nếu chúng xuất hiện. Hướng dẫn con viết/nói những câu như: Nếu/khi (trở ngại), con sẽ (dự định vượt qua trở ngại như thế nào).

Hoàng Anh Tú 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI