|
Hai hộp hải sản đã sẵn sàng để giao cho khách |
Tăng giá trị thương mại để bán hải sản
Nếu trong và hậu COVID-19, hàng loạt thương hiệu lớn phát triển thêm thị trường nhánh, các nhà hàng, quán ăn tăng cường phát triển dịch vụ giao hàng tận nơi, các vựa hải sản, đã và đang cộng thêm hàng loạt dịch vụ như miễn phí công chế biến, giao hàng tận nơi... để thúc đẩy nhu cầu sử dụng của thực khách.
Sau khi chọn một ký sò Hokkaido và một con tu hài cho bữa tối ở vựa hải sản Hoàng Gia, chị Tuyết Thành (nhà ở quận 9, TPHCM) tiến lại quầy nhờ nhân viên báo giá chi phí chế biến cùng lời dặn giao món ăn đến nhà vào khoảng 17-18g.
Khi nghe yêu cầu sò Hokkaido hấp sả và tu hài cháy tỏi, nhân viên thu ngân thông báo chị chỉ phải thanh toán tiền hải sản, vựa sẽ miễn phí chế biến và giao hàng khiến chị vừa ngạc nhiên vừa vui vẻ. "Nếu tính hai khoản phí đó cũng phải từ 120.000-150.000 đồng", chị nói.
Cùng đến mua hải sản cho bữa tối, nhưng chị Hạnh Vũ - nhân viên một ngân hàng ở quận 1 - không đến một mình mà dắt theo cậu con trai 3 tuổi. Có vẻ không phải lần đầu đến nên cậu bé khá dạn dĩ, chạy tới chạy lui. Khoảng 10 phút sau, cậu nhờ nhân viên vớt con tôm hùm Alaska, rồi sờ càng, râu tôm hùm với vẻ mặt thích thú. Thấy lạ, tôi hỏi nhỏ nhân viên thì nhận được nụ cười thật tươi: "Lát nữa, chị ấy sẽ mua con tôm hùm đó”.
|
Với lũ trẻ, các vựa hải sản như một thủy cung thu nhỏ |
Theo lời nhân viên, chị Hạnh Vũ là khách quen. Cứ cuối tuần, chị lại dẫn con trai đến đây để cậu bé khám phá thế giới thủy hải sản. Cậu bé được mẹ cho phép sờ một con/loại cậu thích. Khi cậu bé chơi chán, chị sẽ mua, nhờ chế biến, rồi mang về ăn tối. “Bé vừa được chơi, vừa được học. Tôi không phải lăn tăn nguyên liệu có tươi không, giá cả như thế nào. Một công hai ba chuyện”, chị chia sẻ.
Thay đổi để thích ứng xu hướng mới
Chị Phan Sắc Cẩm Ly - Phó giám đốc Công ty TNHH TM quốc tế hải sản Hoàng Gia - chia sẻ việc chuyển sang hình thức bán và chế biến tại chỗ là bắt buộc khi COVID-19 bùng nổ.
Theo lời chị, 18 năm nay, Hoàng Gia chuyên nhập khẩu hải sản từ các nước và phân phối cho các nhà hàng, khách sạn. Mọi việc thay đổi khi COVID-19 bùng phát cùng quyết định giãn cách xã hội.
"Ngày đầu tiên giãn cách xã hội, tôi nhớ là dịp cuối tuần. Trước đó, hàng chục tấn hải sản của công ty đã có mặt tại bếp tất cả nhà hàng, khách sạn thuộc chuỗi phân phối, sẵn sàng phục vụ thực khách ngày thứ Bảy và Chủ nhật. Ngay khi có quyết định giãn cách xã hội vào sáng hôm sau, lập tức lượng hải sản này cuồn cuộn quay lại kho.
Cơ chế vận chuyển là cho hải sản ngủ đông theo cơ chế của gấu trong điều kiện nhiệt độ, môi trường nhất định. Mỗi một giờ trôi qua, khi đá lạnh tan dần, nhiệt độ trong thùng lạnh sẽ thay đổi và khi không còn nhiệt độ lý tưởng, hải sản sẽ “thức dậy”. Một khi hải sản thức dậy, không thể tái cấp đông, nên nếu không được chế biến, thì dài thêm một giờ, số lượng hải sản ngộp, chết càng cao", chị kể.
Vì lý do đó, khi lượng hải sản quay ngược về kho, chị cũng như các doanh nghiệp nhập khẩu hải sản buộc phải tìm hướng đi mới cho đầu ra của nguyên liệu. "Duy trì hoạt động của công ty cũng là là duy trì chén cơm của nhân viên", chị bộc bạch.
Sau một tuần trăn trở, chị quyết định nếu tạm đóng cửa nhà hàng, khách sạn, quán ăn, không thể "bán sỉ” thì “bán lẻ giá sỉ” cho thực khách. Suy tính khả năng hạn chế trong chế biến, kích thước nồi nấu ăn của các gia đình (nhỏ), chị quyết định mở rộng thêm mảng “chế biến nguyên liệu theo yêu cầu của khách”, trong đó, nếu món chế biến đơn giản, nguyên liệu thông thường, thì vựa sẽ miễn phí cho khách. Với các món yêu cầu cao hơn, gia vị mắc hơn, khó tìm hơn thì sẽ có mức giá từ 60.000-80.000 đồng/một ký.
Trong thời kỳ giãn cách xã hội, nỗi lo nhiễm bệnh ở khu vực đông người, việc nhận chế biến của vựa vừa giúp thực khách giải tỏa nỗi lo phải ăn ngoài, các món hải sản được chế biến ngon miệng nên chỉ trong thời gian ngắn, mô hình này được sự ủng hộ nhiệt tình của khách. Vài tháng tiếp theo, chị liên tục khai trương của hàng mới.
Lúc này, không chỉ nhận chế biến món cho khách, mà mỗi khách mua hàng, dù không yêu cầu, chị đều tặng kèm nước chấm. Nhờ vậy, tổng kết đến hết tháng 10, số hóa đơn bán lẻ tại hệ thống cửa hàng của chị đã đạt được 100.000 hóa đơn - con số không nhỏ trong thời điểm hiện nay.
Cũng tham gia phân khúc này, nhưng lý do của chị Mai Phương, chủ vựa Chợ hải sản 532 trên đường Phạm Văn Đồng, quận Bình Thạnh còn lo khách không tiếp tục mua hàng.
“Không phải khách nào cũng có khả năng chế biến loại hải sản mình thích. Nếu nấu không ngon, khách sẽ khó có nhu cầu mua tiếp, đây là điều mà bất kỳ ai kinh doanh cũng muốn tránh”, chị nói. Theo chị Mai Phương, không chỉ tại vựa của gia đình chị mà các vựa khác đang phát triển theo hướng này đều đang cố thúc đẩy nhu cầu mua và thưởng thức hải sản của thực khách thông qua việc tiết giảm chi phí nhân công, mặt bằng… để giảm giá bán, không lấy phí chế biến hay phí giao hàng.
Huỳnh Hằng