Người dân bang Florida của Hoa Kỳ trở về nhà hôm 12/9, sau khi phải chạy trốn siêu bão Irma. Cuồng phong đã đi qua, để lại lụt lội, hoang tàn và tối tăm. Với mức độ thiên tai cấp 5, là cấp thảm họa, tất cả những gì ngáng đường nó đều được mô tả là biến thành tro bụi.
Bão số 10 có tên quốc tế là Doksuri, được đánh giá là với mức độ rủi ro thiên tai cấp 4, chỉ sau cấp thảm họa, đang áp sát vào bờ biển các tỉnh từ Nghệ An - Quảng Trị. Câu nói của một người dân Mỹ trên đảo Cudjoe Key, nơi bão Irma tràn qua đầu tiên, nơi nhà cửa bị tốc mái như nhà của búp bê, rằng “tôi không muốn nhớ lại những gì của hôm qua”, khiến ta không dám hình dung và khấn lạy đâu đó rằng, xin hãy quay đi khi đập vào mắt thông tin bão số 10 lần này sức tàn phá của nó rất khủng khiếp.
Những làng chài nghèo ghe thuyền cũ kỹ, nhà cửa tạm bợ phơi mình trên cát; công trình xây dựng phục vụ dân sinh, công cộng chỉ đủ sức chịu đựng gió cấp 10; hệ thống giao thông, thủy lợi xuống cấp liên tục... làm sao đương đầu nổi với những cú giật của gió từ cấp 15-17?
Mỗi năm nước ta, nhất là các vùng ven biển, phải hứng chịu trên dưới 10 cơn bão. Ba năm rồi chưa có bão lớn, nhưng thử nhìn từ 2014-2016, lũ bão đã làm thiệt hại không ít tài sản, con người. Năm 2016, thiệt hại do thiên tai khoảng 18.300 tỷ đồng, tương đương khoảng 0,4% tổng GDP cả năm; 111 người chết và mất tích, 121 người bị thương.
Năm 2015, thiên tai đã làm 154 người chết, 127 người bị thương, 1.242 nhà bị đổ sập, trôi; 35.233 nhà bị ngập, hư hại, tốc mái... tổng thiệt hại khoảng 8.114 tỷ đồng. Năm 2014 đã làm 133 người chết và mất tích, 145 người bị thương, gần 2.000 nhà đổ, sập, hơn 42.000 nhà bị ngập, hư hại, tốc mái... thiệt hại khoảng 2.830 tỷ đồng. Những con số chồng lên, kéo dài, ngày càng lớn, gây thiệt hại lâu dài, nghiêm trọng đến kinh tế - xã hội mà khắc phục được không phải dễ dàng.
Nhưng những con số trên là minh chứng cho chúng ta đã thất bại với việc phòng tránh bão. Chèn, chống và... chạy, đó là khẩu lệnh thường xuyên, bất diệt. Cuống cuồng chạy, dù rằng trước khi chạy là “4 tại chỗ” đã được lên phương án, tập luyện với sự ra quân hùng hậu từ trung ương đến thôn xã, khi bão sắp vào cũng khẩn trương, quyết liệt, nhưng khi nó quét cái ào là tanh banh hết. Không chạy thì chết, đương nhiên, nhưng bao giờ cũng để nó sát nút, vào đến cửa rồi mới lo chống lo phòng, thì sao không thiệt hại!
Chủ quan, coi thường, sống theo kinh nghiệm là chính, trong khi biến đổi bất thường của khí hậu đã đạp đổ tất cả những kinh nghiệm dân gian lẫn lý thuyết đơn giản được áp đặt trong tư duy cán bộ lẫn người dân về tránh bão, lụt. Nhưng đó chưa phải là tất cả. Chiến lược đối phó với biến đổi khí hậu đã được Chính phủ triển khai từ cuối năm 2011, nhưng xem ra mới chỉ đối phó trên giấy.
Tại hội nghị tổng kết công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2016, triển khai nhiệm vụ năm 2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phàn nàn việc chậm hoàn thành kế hoạch phòng chống thiên tai cấp quốc gia, dù Luật Phòng chống thiên tai có hiệu lực từ 1-5-2014.
Các bộ, ngành chưa cụ thể hóa các kịch bản ứng phó sát thực tế để có ứng phó phù hợp. Phương châm 4 tại chỗ ở nhiều nơi chuẩn bị còn mang tính hình thức, khi xảy ra là lúng túng; rồi việc xây dựng thủy điện thiếu quy hoạch, dẫn đến xả lũ bừa bãi gây ngập lụt. Ông cũng dẫn chứng một thành phố ở ngay cạnh biển, nhưng khi lũ đến không thoát nước được ra biển...
Thiếu quy hoạch, đó chính là căn bệnh kinh niên chết người ở những vùng ven biển, vùng thường xuyên hứng chịu thiên tai. Khoảng trống mãn tính này chính là cơ sở để phản biện, bác bỏ lý do vốn được cơ quan chức năng nại ra thường xuyên khi thiệt hại quá lớn “do nước, gió lớn quá, nhanh quá, trở tay không kịp”. Làm tạm bợ, lộn xộn, thiếu tầm nhìn, không quản lý, giám sát, không tính toán mức độ rủi ro căn cứ vào đánh giá khoa học, thiếu bài bản... đã khiến nhà cửa, công trình ven biển như đèn treo trước gió.
Đưa dân lên khu vực cao, xa bờ biển là một việc. Nhưng đổi lại, đất trống ven biển lại xây công trình khách sạn, nhà hàng, để rồi “làm mồi” cho nước biển xâm thực, dẫn đến xói lở gây thiệt hại. Dân dời xa bờ thì nhà cửa vẫn như cũ, mạnh ai nấy làm... Hàng chục năm qua, đố tìm đâu ra một phát ngôn mạnh dạn từ nhà cầm quyền rằng, có bão lớn vẫn không lo, vì nhà cửa công trình quá kiên cố!
Bao nhiêu năm qua tại miền Trung, chỉ có một chương trình làm nhà cho dân trú bão, lụt lớn của “Quỹ Hỗ trợ phòng tránh thiên tai miền Trung”, với việc tại những vùng nhạy cảm, được xây một nhà cộng đồng chứa được vài chục người. Nhưng chừng đó có bõ bèn gì với cả chiều dài ven biển từ Thanh Hóa đến Khánh Hòa, nơi có hàng chục triệu người sinh sống? Và xin nói rõ, quỹ này không phải do Nhà nước đứng ra làm.
Tại các khu đô thị, có những chế tài bắt buộc nhà phải cao bao nhiêu, rộng bao nhiêu, bởi đã vào khung quy hoạch, vậy tại sao ven biển, vùng sát núi thường xuyên lũ quét, xói lở, nơi phải thường xuyên hứng chịu thiên tai, không có những bắt buộc? Dân nghèo không thể làm theo quy hoạch đã đành, nhưng thiên tai ập xuống, thiệt hại hàng trăm hàng chục ngàn tỷ, tiền để khắc phục thì cũng Nhà nước bỏ ra, vậy tại sao không làm, bằng nhiều cách, cho dân yên tâm sinh sống?
Chừng nào sự chậm chạp, thờ ơ, vô trách nhiệm, chủ quan, coi thường, thiếu khoa học vẫn còn ngự trị trong quy hoạch, xây dựng; tính mạng người dân chưa thực sự là nỗi lo lắng trong tim óc người có quyền... thì lúc đó, cái kiểu đối phó với thiên tai “cháy đâu, dập đó” vẫn còn dai dẳng sống.
Vừa chạy vừa chống, đó là kiểu phòng tránh của kẻ bị động, nên dứt khoát là thất bại. Di dời, chèn chống chưa phải là phương án tối ưu, căn cơ, lâu dài, mà chẳng qua chỉ là đối phó tạm thời. Hàng chục năm rồi và sẽ biết bao năm nhiêu nữa, không lẽ vẫn cứ tạm thời, vẫn chạy? Bão sắp vào và hàng trăm ngàn người chuẩn bị chạy, liệu họ có đủ sức chạy nhanh hơn bão?
Trung Việt