Cứ sắm cho yên tâm
Chị N.T.T.X. (ngụ tại Q.7, TP.HCM) vừa đặt trên mạng một lúc hai chiếc máy lọc không khí có giá gần 3 triệu đồng/chiếc. Theo lời tư vấn của nhân viên bán hàng, hầu hết các loại máy này, cơ bản đều có ba lớp lọc, trong đó, lớp lọc thô bên ngoài để lọc các loại bụi vải, lông động vật; tiếp theo là lớp màng lọc HEPA có các tính năng kháng khuẩn, diệt khuẩn, lọc sạch không khí, loại sạch bụi bẩn, tạp chất, mùi hôi trong không khí, bụi siêu mịn PM2.5; cuối cùng là lớp than hoạt tính để ức chế và giữ lại vi khuẩn, vi-rút gây hại cho con người nhằm lọc không khí trong lành cho người sử dụng.
Chị X. cũng giải thích rằng, máy lọc sẽ giúp không khí trong phòng ngủ của chị và con cái trong lành hơn, hạn chế được tình trạng mắc các bệnh về hô hấp và ngăn ngừa lây nhiễm COVID-19. Chị bảo máy có chế độ lọc và khử khuẩn nên yên tâm. Chị không hiểu thế nào là vi-rút, thế nào là vi khuẩn, rồi COVID-19 khác ở chỗ nào nhưng theo chị đại khái chiếc máy này sẽ diệt được tất cả.
|
Máy lọc không khí và máy sấy tay không hiệu quả trong việc tránh lây nhiễm COVID-19 |
Bên cạnh máy lọc không khí đang là mặt hàng hút khách, máy sấy khô tay cũng được đặt mua nhiều chẳng kém. Nhiều người tự suy diễn rằng COVID-19 khó sống ở nhiệt độ cao nên sau khi rửa tay cứ... sấy cho nóng, cho khô thì khỏi lo lây bệnh. Hiện nay, thị trường máy sấy tay dao động từ 800.000 đồng cho tới cả chục triệu đồng/chiếc tùy thương hiệu.
Chị P.T.T. (ngụ H.Nhà Bè, TP.HCM) vừa đặt giao nhanh một chiếc máy sấy tay được bán trên mạng với giá 850.000 đồng. Theo chị, chiếc máy sấy tay này công suất 1.800W làm khô tay chỉ trong 20 giây, nhiệt độ sấy từ 500C - 800C sẽ diệt được COVID-19. Sản phẩm này được chị gắn trên tường trong nhà vệ sinh, tiện cho mọi người sau khi rửa tay thì sấy khô luôn cho sạch sẽ.
Như muối bỏ bể, chỉ phí tiền
Theo các chuyên gia, việc sử dụng máy lọc không khí thông thường với màng lọc HEPA, không có tác dụng lọc nên quảng cáo máy lọc không khí có thể tiêu diệt vi-rút, vi khuẩn, thậm chí diệt tới 99% là chuyện hết sức viển vông. Còn một số loại máy trang bị thêm công nghệ ion âm, khi hoạt động sẽ phóng các ion âm vào không khí để sản sinh ra các hạt điện tích, phản ứng với vi khuẩn và vi-rút để phá vỡ cấu trúc hoặc bao kín và cô lập các vi sinh vật này, khiến các loại vi sinh vật bị tiêu diệt hoặc nhanh chóng lắng xuống, giúp loại bỏ nguy cơ lây bệnh. Nhưng các công nghệ này phần lớn chỉ đúng trên lý thuyết quảng cáo, chưa có khuyến cáo cụ thể cũng như kết quả kiểm định của cơ quan chuyên môn.
Cả hai loại máy nói trên, theo bác sĩ Trương Hữu Khanh - Trưởng khoa Nhiễm - thần kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM - thì chẳng có tác dụng gì trong việc tránh lây nhiễm COVID-19. Đối với máy lọc không khí, bác sĩ Khanh cho rằng đặt ở trong phòng cũng như muối bỏ bể, bởi không thể lọc được hết môi trường bên ngoài. Trong khi đó, chúng ta không thể cứ đóng kín cửa, ru rú trong phòng suốt ngày. Máy được quảng cáo có chức năng lọc bụi, rồi khử khuẩn nhưng không có nghĩa là... khử được vi-rút COVID-19.
Các công nghệ lọc không khí được sử dụng phổ biến hiện nay là: công nghệ hấp phụ, công nghệ ion âm (dương), công nghệ lọc hiệu quả cao HEPA, công nghệ thu gom bụi tĩnh điện…
Những ai nghĩ rằng máy lọc không khí có thể giúp họ tránh được COVID-19, hãy suy nghĩ lại. Máy lọc không khí được tạo ra không nhằm mục đích diệt vi-rút.
Tiếp đến là sản phẩm máy sấy tay. Chức năng duy nhất của sản phẩm này là giúp tay khô sau khi rửa mà không cần lau. Nếu bạn mua máy này vì tiện nghi để sau khi rửa tay khỏi cần lau tay cho khô thì… không vấn đề. Điều đó phụ thuộc điều kiện kinh tế của mỗi gia đình. Thế nhưng đổ xô đi mua máy sấy tay để diệt COVID-19 thì thật thừa thãi và phí phạm. “Sau khi bạn rửa tay đúng cách bằng dung dịch sát khuẩn thì tay đã sạch rồi”, bác sĩ Khanh nói.
Coi chừng mù mắt, phỏng da vì đèn cực tím
Hiện đang có tình trạng nhiều người dân nghe nói đèn cực tím có thể diệt được vi-rút corona chủng mới đã đổ xô tìm mua loại đèn này về tự khử trùng không gian sống của gia đình. Theo Tiến sĩ - bác sĩ Lê Thái Vân Thanh - Trưởng khoa Da liễu - Thẩm mỹ da, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM việc này vô cùng nguy hiểm, có thể gây bỏng da, thậm chí mù mắt…
Bác sĩ Vân Thanh giải thích, đèn cực tím là một dụng cụ chiếu tia UVC. Tia UVC có bước sóng từ 200 - 290 na-no-mét. Ở đèn cực tím, người ta sẽ lọc bớt phổ UVC, còn ở mức sóng khoảng 254 - 270 na-no-mét. Tia UVC được khí quyển cản lại, nếu thủng khí quyển, tia UVC chiếu được xuống trái đất sẽ vô cùng nguy hiểm. Tia UVC có thể tiêu diệt vi sinh vật, vi khuẩn, siêu vi, thậm chí cả ký sinh trùng bằng những tác động quang lượng. Với những bước sóng nhỏ, tia UVC có thể gây bỏng da, nặng hơn là ung thư da, viêm giác mạc, mù thoáng qua, tổn thương võng mạc dẫn tới mù vĩnh viễn.
Ở bệnh viện, khi cần khử trùng phòng bằng đèn cực tím thì đơn vị kiểm soát nhiễm khuẩn sẽ thông báo trước. Thông thường, việc khử trùng chiếu đèn sẽ diễn ra sau giờ làm việc để đảm bảo không có ai trong phòng, phòng được đóng cửa kín. Ánh sáng của tia UVC không nhìn thấy được bằng mắt thường, ánh sáng tím hay ánh sáng xanh chúng ta nhìn thấy từ đèn chỉ là ánh sáng chỉ dẫn cho biết chiếc đèn đó đang hoạt động chứ không phải là màu của tia cực tím.
Từ những tổn thương do đèn cực tím có thể gây ra khi sử dụng không đúng cách, bác sĩ Vân Thanh khuyên mọi người không tự ý mua loại đèn này và coi nó như thiết bị gia dụng. Việc khử trùng, nhân viên y tế và cơ quan chức năng sẽ làm khi cần thiết. Chúng ta chỉ cần tuân thủ đúng hướng dẫn của Bộ Y tế là đeo khẩu trang khi tới chỗ đông người, tránh tụ tập, tiếp xúc với người có dấu hiệu ho, cảm sốt, thường xuyên rửa tay sát khuẩn.
Những câu hỏi thường gặp về COVID-19
* Có nên xoa cồn, chất sát khuẩn lên cơ thể để ngăn COVID-19 xâm nhập?
- Không nên, chỉ nên xoa chất sát khuẩn để làm vệ sinh các bề mặt. Xịt chất sát khuẩn lên người không thể diệt được COVID-19 đã xâm nhập vào cơ thể mà còn gây hại cho da, ngộ độc hóa chất qua đường hít, đường tiêu hóa.
* Vắc-xin viêm phổi có chống lại được COVID-19?
- Các loại vắc-xin chống viêm phổi như phế cầu khuẩn và Haemophilus cúm loại B (Hib) không chống lại COVID-19. COVID-19 là một loại rất mới, cần có loại
vắc-xin riêng.
* Khử trùng các bề mặt thế nào cho đúng cách?
- Nếu các bề mặt bị bẩn, trước tiên, bạn hãy lau sạch bằng xà phòng hoặc chất tẩy rửa thông thường và rửa sạch chúng với nước.
Sau đó, hãy xịt các chất tẩy trùng bề mặt có bán sẵn ở siêu thị. Nếu không, bạn có thể sử dụng một chất khử trùng thường dùng trong gia đình như thuốc tẩy. Hoạt chất của thuốc tẩy là sodium hypochlorite có thể giết chết vi khuẩn, nấm và vi-rút. Tuy nhiên, thuốc tẩy rất có hại cho da tay. Hãy nhớ luôn đeo găng tay cao su và khẩu trang khi làm các thao tác tẩy rửa và pha loãng thuốc tẩy với nước theo hướng dẫn trên bao bì.
Thanh Huyền