Thực tế, đã từ lâu, không Ít PH phải vất vả dùng “chiêu” tách nhập hộ khẩu để tìm cho con một suất vào lớp 1 của các trường nổi tiếng…
Đâu chỉ 20 giờ xếp hàng mua đơn!
13g30 ngày 11/7, Trường mầm non (MN) Sơn Ca (P.Hiệp Bình Chánh, Q.Thủ Đức, TP.HCM) mới bán đơn xét tuyển, nhưng từ chiều hôm trước, PH đã rồng rắn xếp hàng để “bốc số” mua đơn. Người mắc võng, kê ghế bố, người trải chiếu… ngủ để giữ chỗ chờ đến giờ mua đơn. Nhưng không đơn giản chỉ cần “đặt gạch” là xong, cứ cách một giờ, nhóm PH tự giác đứng ra lập danh sách để giữ trật tự lại điểm danh, ai vắng mặt thì bị đưa xuống cuối danh sách.
Trước “luật chơi” này, chẳng ai dám rời vị trí, đành “cố thủ” suốt 20 giờ liền trong khi cửa trường vẫn đóng im ỉm. Hầu hết những PH xếp hàng “bốc số” mua đơn đều thuộc diện “đúng tuyến”: trẻ có tên trong sổ thường trú hoặc tạm trú theo hộ gia đình tại các khu phố 6, 7, 8, P.Hiệp Bình Chánh. Trường tuyển sinh quá ít, chỉ có 55 chỉ tiêu nhà trẻ và 40 chỉ tiêu vào lớp mầm, không tuyển sinh lớp chồi và lớp lá. Ai đến trước sẽ được xét bán đơn trước đến khi đủ chỉ tiêu.
|
Phụ huynh “cố thủ” suốt 20 giờ liền trong khi cửa trường vẫn đóng im ỉm. |
Như vậy, sẽ có những người đủ điều kiện nhưng vẫn không được vào học do cầu vượt cung, cho dù đã chịu khổ chầu chực gần 20 giờ liền xếp hàng. Chị Dung, một PH ở khu phố 8 kể: “20 giờ chỉ là thời gian chính thức xếp hàng mua đơn. Hành trình trước đó gian nan không kém. Ngày nào cũng phải chạy đến trường xem có thông báo gì mới không. Vợ chồng tôi cứ nơm nớp lo vì chỉ tiêu ít mà nhu cầu thì nhiều, không vào được lại phải tiếp tục học trường tư”.
Không thể trách PH “chạy theo đám đông” vì P.Hiệp Bình Chánh hiện chỉ có bốn trường MN công lập là MN Bình Chánh 1, MN Bình Chánh 2, MN Bình Chánh 3 và MN Sơn Ca, trường nào cũng tuyển sinh với chỉ tiêu rất ít và duy nhất chỉ có Trường MN Sơn Ca nhận trẻ ở khu phố 6, 7, 8. Tương tự, tại Q.1, các trường tiểu học “hot” như Đinh Tiên Hoàng, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Hòa Bình… luôn là lựa chọn số 1 của PH bởi những lời truyền miệng về trường đẹp, giáo viên “ngon”, môi trường học tốt… Vì thế, cả những PH ở quận khác cũng “tính đường dài”, tìm mọi cách nhập hộ khẩu cho con vào khu vực tuyển sinh của những trường này. Chị T.H. (Q.4) đã nhắm cho con vào Trường tiểu học Đinh Tiên Hoàng từ 4-5 năm nay, tốn bao công sức, nhờ đến nhiều mối quan hệ để xin nhập hộ khẩu cho con vào nhà một người quen tại P.Đa Kao (Q.1).
Tuy lo xa, “chạy” sớm nhưng nhiều PH vẫn không đáp ứng được điều kiện tuyển sinh của các trường “hot”. Ban tuyển sinh Q.1 đưa ra điều kiện tuyển sinh khá nghiêm ngặt cho một số trường. Cụ thể, Trường tiểu học Đinh Tiên Hoàng sẽ nhận học sinh (HS) ở P.Đa Kao (phải nhập hộ khẩu từ năm 2010). Những HS nhập hộ khẩu năm 2011 chỉ được vào lớp 1 Trường Đuốc Sống. HS nhập hộ khẩu năm 2012 vào lớp 1 Trường Trần Khánh Dư. Những HS nhập hộ khẩu các năm gần đây sẽ vào lớp 1 Trường Trần Quang Khải. Năm nay, Trường Nguyễn Bỉnh Khiêm nhận 280 HS lớp 1 ở khu phố 1, 2, 4, 5 P.Bến Nghé.
Trường tiểu học Đống Đa (Q.Tân Bình) nhiều năm qua cũng rất thu hút sự quan tâm của PH. Địa bàn tuyển sinh của trường phải thay đổi thường xuyên giữa các khu phố để hạn chế chuyện “chạy” hộ khẩu cho đúng tuyến vào trường. Anh Nguyễn Văn T., nhà ở P.8, đã “xin” tạm trú sang P.6 để mong có suất vào trường này lý giải: “Trường tiểu học Đống Đa quá nổi tiếng, PH nào ở Tân Bình cũng muốn cho con vào đây học. Một nguyên nhân khiến trường càng thêm “hot” là HS của trường sẽ được chuyển lên Trường THCS Nguyễn Gia Thiều - một trong những trường THCS “đỉnh” của quận và TP”.
Điều kiện tuyển sinh + trường "hot"
Có rất nhiều lý do khiến PH “chạy” trường bằng mọi giá: lời truyền miệng trong giới PH, muốn con được học trường nổi tiếng, có thành tích… Tuy nhiên, đôi khi căn cứ để PH xác định mức độ hấp dẫn của trường chỉ là địa bàn tuyển sinh, tiêu chí tuyển sinh càng khó thì chứng tỏ trường đó càng nổi tiếng. Lượng HS “chạy” vào càng nhiều khiến tiêu chí một số trường đặt ra càng cao để hạn chế HS trái tuyến; rồi chính những tiêu chí cao đó càng tạo sự khác biệt cho trường so với đa số các trường còn lại, vô hình trung củng cố thêm “lời đồn” về “trường tốt”.
Thực tế, không ít trường ở TP.HCM đã đặt tiêu chí rất cao trong việc tuyển sinh đầu cấp. Ở Q.4, Trường THCS Vân Đồn đưa ra sáu tiêu chí để nhận HS vào lớp 6. Trong đó, HS phải thuộc loại giỏi từ lớp 1 đến lớp 3, lớp 4, 5 phải được bình chọn khen thưởng; tổng điểm kiểm tra cuối năm học vừa qua hai môn toán và tiếng Việt phải đạt tối thiểu 19 điểm. Tại Q.1, Trường THCS Nguyễn Du có 320 chỉ tiêu vào lớp 6, chủ yếu nhận HS ở P.Bến Thành với yêu cầu phải đạt tổng điểm kiểm tra định kỳ cuối học kỳ lớp 5, môn toán và tiếng Việt là 20.
Ngoài chỉ tiêu lớp 6 được phân bổ, nếu còn khả năng tiếp nhận, các trường THCS có thể xét tuyển HS ngoài tuyến (hộ khẩu ngoài quận). Điều kiện là tổng điểm kiểm tra định kỳ hai môn đạt 20 (với các trường Nguyễn Du, Huỳnh Khương Ninh) và 19 điểm với các trường còn lại. Tương tự, Trường THCS Đống Đa (Q.Bình Thạnh) tuyển HS lớp 6 với điều kiện HS và cha hoặc mẹ có hộ khẩu ở P.25 hoặc học tiểu học tại quận này; có tổng điểm kiểm tra học kỳ II môn tiếng Việt và toán từ 19 trở lên…
TS Đặng Đức Hoàng, Trưởng phòng GD-ĐT Q.11 phân tích: “Chuyện phụ huynh “chạy” trường phần lớn dựa vào uy tín lâu đời của một số trường. Cụ thể tại Q.11, các trường mới như tiểu học Hưng Việt, Quyết Thắng, Nguyễn Thi… không hề thua kém Trường tiểu học Lạc Long Quân về năng lực giáo viên, chất lượng giáo dục lẫn cơ sở vật chất, nhưng PH vẫn truyền tai nhau “học Trường Lạc Long Quân sau này sẽ học THCS Chu Văn An”. Trường Chu Văn An từng là trường điểm của quận. “Uy tín” này đã hằn sâu trong suy nghĩ của PH. Giải pháp để hạn chế việc “chạy trường” mà chúng tôi đang áp dụng là đầu tư nâng chất các trường THCS để kéo gần khoảng cách, xóa dần quan niệm trường điểm”.
Hiệu trưởng một trường tiểu học tại Q.1 chia sẻ: “Nhiều PH chuẩn bị rất công phu cho con vào lớp 1. Vừa sinh con là đã tìm nơi nhập khẩu vào địa bàn tuyển sinh của các trường nổi tiếng. Cứ đến mùa tuyển sinh là tôi nhận được vô số cuộc điện thoại xin cho con vào học. Vì vậy, đến mùa này là tôi phải xài thêm một số điện thoại khác để “trốn”, vì nhu cầu PH quá lớn, trường không thể nhận hết được”. Vị hiệu trưởng này khuyên PH không nên bằng mọi giá cho con vào trường “điểm”: “Học hành là con đường dài, từ tiểu học đến THCS mất đến chín năm, ngày nào con bạn cũ ng phải dậy thật sớm để từ quận này sang quận khác học, liệu có đủ sức khỏe để học tốt trong ngôi trường nổi tiếng không?”.
Các trường chênh lệch rõ ràng “PH muốn con vào Trường MN Sơn Ca học vì học phí rẻ hơn, giáo viên chắc chắn sẽ tốt hơn trường tư, lại còn có sân chơi đẹp, lớp học khang trang. Nhiều trường khác không gian chật chội, học phí lại cao… Vì sự chênh lệch đó, ai cũng muốn con được vào trường Sơn Ca” Chị Ngọc Hoa (P.Hiệp Bình Chánh, Q.Thủ Đức) Tôi chọn trường gần nhà Tôi có hai con. Cách đây hơn 10 năm, lúc cháu nhỏ gần ba tuổi, đến tuổi vào trường MN, tôi rất băn khoăn không biết nên chọn trường gần nhà hay trường “điểm” cho cháu. Sau khi cân nhắc, tôi quyết định gửi cháu vào một trường MN chỉ cách nhà chưa đầy 1km để không phải đi học xa trong điều kiện đường sá đông đúc, nguy hiểm, nhiều khói bụi. Với quan điểm đó, hết MN, tôi lại cho con vào trường tiểu học và trường THCS gần nhà. Nhìn những PH cứ phải sôi sùng sục “chạy” trường cho con, tôi thấy buồn cười vì không đáng chút nào. Thật ra trường nào cũng có mặt này mặt khác. Những trường con tôi đã và đang theo học chỉ là những trường bình thường, nhưng nhìn chung là ổn, thầy cô giáo có nhân cách. Tôi quan niệm, chọn trường gần nhà thì thuận lợi cho con hơn rất nhiều. Chị Thanh Thủy (P.Phước Long B, Q.9, TP.HCM) Không nên chạy theo bề nổi PH nên ưu tiên chọn trường gần nhà cho con, không nên nhìn vào bề nổi. Nếu sĩ số quá đông thì cơ sở vật chất có tốt đến mấy thầy cô giáo cũng không thể dạy tốt được. Thực tế, trường càng lớn thì sĩ số càng đông, có những trường sĩ số lên đến 45-50 em/lớp, cô giáo không thể chăm sóc chu đáo, việc quản lý của nhà trường cũng khó khăn. Đó là chưa kể khi quá đông sẽ sinh ra ô nhiễm, ồn ào, bệnh tật. Nếu sĩ số vừa phải thì trẻ được gần gũi, được giao tiếp thường xuyên với thầy cô, được chăm sóc tốt hơn. ThS Nguyễn Thị Kim Thanh - nguyên Trưởng phòng Giáo dục MN, Sở GD-ĐT TP.HCM Nguyễn Hiền (ghi) |
Gia Tuệ