Ở đây có rất nhiều hội đồng hương như Nam Định, Hải Phòng, Hà Nội, Hà Tĩnh, Nghệ An, Quảng Bình... hầu hết các tỉnh phía Bắc có đủ. Nhiều nơi còn có cả hội đồng hương cấp huyện, vì quá nhiều người dân ở huyện đó di cư sang đây, đặc biệt là Nghệ An, Hà Tĩnh, Hải Phòng... mỗi lần tổ chức tiệc tết gặp mặt đồng hương, đến cả hàng trăm người.
Ăn tết ở đây giống như... chạy show, bởi từ Giáng sinh đến Tết ta, tiệc nhiều vô kể. Đây cũng là dịp các ca sĩ Việt Nam sang chạy show cả tháng, đặc biệt là nhạc trữ tình, dân ca. Tiệc nhiều, nên các đoàn nghệ sĩ cứ vài ngày lại đến hát ở một thành phố khác. Còn với cộng đồng người Việt thì đây là dịp chạy show ăn tết.
|
Đi dự tiệc tết, chị em ai cũng xúng xính áo dài |
Mỗi tiệc tết trung bình quy tụ khoảng 200 - 300 người. Khách mời được mời đến tham dự tiệc và mọi người đóng góp tiền (gọi là mua vé) khoảng từ 25 - 70 euro. Giá vé dành cho trẻ em thường gần bằng nửa vé người lớn, ngoài ra, thi thoảng có các mạnh thường quân đóng góp thêm cho quỹ hội.
Thực ra, tiếng là mua vé, nhưng khoảng tiền này chủ yếu để phục vụ cho việc tổ chức tiệc, bởi một tiệc tết dạng này chi phí thường cao, rất tốn kém. Nói dân dã như bên mình thì là hùn tiền tổ chức tiệc hoặc bù lại chi phí cho nơi tổ chức.
Chủ tiệc thường là hội đồng hương hoặc là của Hội người Việt tại mỗi thành phố. Tiệc thường được tổ chức tại một nhà hàng hoặc hội trường lớn, như kiểu đám cưới ở Việt Nam. Ban tổ chức tiệc thường mời đại diện hoặc thị trưởng của thành phố đến tham dự và nếu ở thành phố lớn thì mời cả Đại sứ quán, lãnh sự quán.
Tiệc tết luôn có những chương trình biểu diễn nghệ thuật, nhiều chương trình có các ca sĩ khách mời từ Việt Nam sang, còn lại chủ yếu là các anh chị em người Việt, sau những ngày làm việc vất vả, cơm áo gạo tiền thì cùng nhau tập dợt hàng tháng trời, để đến ngày tiệc là cùng biễu diễn, ca hát, múa nhảy.
Ai cũng đầu tư trang phục rất chuyên nghiệp, đặc biệt là các nhóm múa. Trang phục của nhóm múa nghiệp dư mà nhiều khi tưởng là nghệ sĩ múa chuyên nghiệp từ quê nhà sang. Ai cũng xúng xính lụa là, tươi vui. Nhiều tiết mục hấp dẫn, còn được các ban tổ chức của hội người Việt ở những thành phố khác mời biểu diễn vào những tiệc của nơi đó.
|
Các chị em người Việt ở Dessau tự biên đạo và biểu diễn múa. Lên sân khấu, ai cũng lung linh; còn đời thường, các chị ai cũng đang đi làm, có người đã lên chức bà, có bạn vừa tròn 18. |
Ngoài ra, đây cũng là dịp tuyên dương, tặng quà cho những em học sinh sinh viên có thành tích học tập giỏi từ cấp I đến đại học.
Thực sự, tiệc tết là một chương trình cực kỳ ý nghĩa về mặt tinh thần với bà con bên này. Hầu hết người Việt ở Đức chủ yếu làm quán ăn, nhà hàng, tiệm nail, shop quần áo, ai cũng bận rộn cả ngày, nên dịp cuối năm là cơ hội để mọi người gặp nhau.
Rất nhiều gia đình ăn tết dài cả tháng. Cứ vào những ngày nghỉ lễ hay cuối tuần, được mời đến những thành phố khác ăn tiệc, họ lại được dịp "lên đồ", trang điểm và đi chơi.
Điểm đặc biệt là trong các tiệc tết bên này, hầu hết cánh chị em và trẻ con đều mặc áo dài. Gặp nhau dịp này là thấy đủ kiểu áo dài với bao màu sắc, hoa lá... Còn đúng vào ngày tết ta, các gia đình lại quây quần bên nhau hoặc cùng bạn bè thân tổ chức nhậu và cùng đón giao thừa.
Nhiều người đùa nhau, tết bên này cũng tốn kém không thua Việt Nam. Nhưng vui là chính nên khách mời hay chủ tiệc cũng đều vui và hăm hở như nhau.
Trần Thanh Tuyết