Cháy rừng ở Indonesia gây thiệt hại kinh tế khoảng 5,2 tỷ USD

11/12/2019 - 20:00

PNO - Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết trong một báo cáo hôm thứ Tư rằng tổng thiệt hại và sụt giảm kinh tế từ các vụ cháy rừng ở Indonesia trong năm 2019 lên tới ít nhất 5,2 tỷ USD, bằng 0,5% tổng sản phẩm quốc nội.

Ước tính này dựa trên đánh giá sơ bộ ở 8 tỉnh bị ảnh hưởng từ tháng 6 đến tháng 10/2019, mặc dù các nhà phân tích đa quốc gia cho biết các vụ hỏa hoạn tiếp tục hoành hành đến tháng 11.

Báo cáo từ WB viết: “Vụ cháy rừng và đất đai, cũng như khói mù dẫn đến các tác động kinh tế tiêu cực, ước tính thiệt hại trực tiếp tới tài sản là 157 triệu USD và thiệt hại khoảng 5,0 tỷ USD từ các hoạt động kinh tế bị ảnh hưởng”.

Hơn 900.000 người báo cáo các bệnh về đường hô hấp, 12 sân bay quốc gia đã ngừng hoạt động và hàng trăm trường học ở Indonesia, Malaysia và Singapore phải tạm thời đóng cửa do hỏa hoạn.

Khói bốc lên vào cao điểm mùa khô tháng 9 đã gây ra căng thẳng ngoại giao giữa Kuala Lumpur và Jakarta.

Chay rung o Indonesia gay thiet hai kinh te khoang 5,2 ty USD
Một vụ cháy rừng ở khu vực Kapuas gần Palangka Raya, tỉnh Kalimantan, miền trung Indonesia, ngày 3/10/2019. (Ảnh: Reuters)

Theo số liệu chính thức, hơn 942.000 ha rừng và đất đã bị đốt cháy, đây là vụ cháy lớn nhất kể từ năm 2015 khi Indonesia chứng kiến ​​2,6 triệu ha rừng hóa than tro. Các quan chức cho biết sự tăng đột biến là do mô hình thời tiết El Nino kéo dài mùa khô.

Ngân hàng Thế giới cũng ước tính mức suy giảm 0,05 - 0,09 điểm phần trăm trong tăng trưởng kinh tế của Indonesia vào năm 2019 và 2020 do các vụ hỏa hoạn. Dự báo tăng trưởng hiện tại cho Indonesia là 5% cho năm 2019 và 5,1% cho năm 2020.

Các ngọn lửa “do con người gây nên đã trở thành một vấn đề kinh niên hàng năm kể từ năm 1997, bởi lửa được coi là phương pháp rẻ nhất để chuẩn bị đất canh tác”.

Do khoảng 44% các khu vực bị đốt cháy trong năm 2019 nằm tại vùng đất giàu than bùn, lượng khí thải carbon từ các vụ hỏa hoạn ở Indonesia được ước tính là gần gấp đôi lượng phát thải từ các đám cháy ở từng Amazon, Brazil trong năm nay.

Trung tâm Dự báo thời tiết châu Âu ước tính tổng cộng 720 megaton khí thải CO2 đến từ các vụ cháy rừng ở Indonesia trong giai đoạn tháng 1 - 11 năm nay.

Ngân hàng Thế giới cho biết tác động dài hạn của những  vụ cháy lặp đi lặp lại không được bao gồm trong ước tính này. Theo đó, phơi nhiễm khói mù lặp đi lặp lại sẽ làm giảm chất lượng giáo dục và sức khỏe và làm hỏng giá trị toàn cầu của dầu cọ - một mặt hàng quan trọng đối với Indonesia nhưng thường xuyên bị chỉ trích vì thiếu bền vững.

Linh La (Theo Reuters)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI