Cháy rừng ở Hàn Quốc phơi bày 1 xã hội siêu già

28/03/2025 - 17:49

PNO - Những vụ cháy rừng vừa qua ở Hàn Quốc được xem là nạn cháy rừng tồi tệ nhất lịch sử nước này với ít nhất 28 người thiệt mạng và hàng chục ngàn ha rừng bị cháy rụi.

Một người nông dân trồng táo 81 tuổi cho biết trái tim bà cảm thấy như sắp vỡ tung sau khi các vụ cháy rừng tồi tệ nhất ở Hàn Quốc khiến xã hội siêu già của nước này trở nên dễ bị tổn thương
Bà Kim năm nay 84 tuổi cho biết trái tim bà "cảm thấy như sắp vỡ tung" khi chứng kiến các vụ cháy rừng tồi tệ nhất ở Hàn Quốc - Ảnh: AFP

Người già bất lực trước những ngọn lửa dữ dội

Đi bộ vô cùng chậm chạp với cây gậy, bà Kim Mi-ja, một nông dân trồng táo 84 tuổi, quan sát đống đổ nát của ngôi làng bà đang sống - nơi đã bị biến thành đống đổ nát hoàng tàn và phủ đầy tro bụi sau trận cháy rừng tồi tệ nhất ở Hàn Quốc.

Bà Kim tự xây nhà ở làng Chumok-ri khi bà mới chuyển đến đó từ thành phố. Nhưng giống như hầu hết các ngôi nhà trong khu vực, ngôi nhà của bà đã bị phá hủy hoàn toàn trong trận hỏa hoạn khiến ít nhất 28 người thiệt mạng.

“Tôi cảm thấy như trái tim mình sắp vỡ tung khi phải nói về điều đó" - bà chia sẻ.

Các đám cháy rừng đã hoành hành ở nhiều nơi tại vùng Đông Nam nước này trong tuần qua, phá hủy một ngôi đền cổ và nhiều bảo vật quốc gia vô giá, đe dọa các ngôi làng được UNESCO công nhận và thiêu rụi nhiều ngôi làng nhỏ.

Thảm họa cháy rừng cũng đã phơi bày cuộc khủng hoảng nhân khẩu học và sự chênh lệch giữa các vùng của Hàn Quốc: đây là một xã hội siêu già với tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới, và các vùng nông thôn vừa thưa dân vừa có tỷ lệ người già cao không cân xứng.

Hơn một nửa dân số Hàn Quốc sống ở khu vực Seoul và vùng nông thôn đã bị thu hẹp khi nhiều gia đình chuyển đến thành phố để tìm kiếm công việc tốt hơn và cơ hội giáo dục tốt hơn.

Hầu hết các nạn nhân của vụ cháy rừng tồi tệ nhất ở Hàn Quốc đều ở độ tuổi 60 và 70, một quan chức cho biết
Hầu hết các nạn nhân của vụ cháy rừng tồi tệ nhất ở Hàn Quốc đều ở độ tuổi 60 -80 - Ảnh: AFP

Một quan chức của Cơ quan Lâm nghiệp Hàn Quốc nói rằng hầu hết các nạn nhân của vụ cháy, xảy ra ở vùng nông thôn Andong và Uiseong, đều ở độ tuổi 60, 70 và 80.

Ở quận của bà Kim, 62% cư dân là người từ 60 tuổi trở lên. Người hàng xóm của bà, Lee Sung-gu, 79 tuổi, cũng là một nông dân trồng táo, cho biết ông cảm thấy bất lực khi ngôi làng của mình chìm trong biển lửa.

Hãy chọn sống tiếp hay từ bỏ

“Tất cả các ngôi nhà đều bị thiêu rụi hoàn toàn và cảnh tượng giống như một bãi chiến trường. Tôi không đủ sức để dập lửa. Tôi không có can đảm để làm điều đó, tôi chỉ có thể đứng nhìn mọi thứ dần cháy rụi” - ông Lee nói.

Một lượng lớn người dân đã di chuyển từ vùng nông thôn đến các thành phố đang phát triển để tìm kiếm việc làm và học tập khiến dân số ngôi làng giảm mạnh. Theo số liệu từ Cục Thống kê Hàn Quốc, số người trong các gia đình làm nông đã giảm từ 4.400.000 xuống còn 2.089.000 trong giai đoạn 1998-2023.

Theo số liệu của chính phủ, trong khi nông dân chỉ chiếm 4% dân số Hàn Quốc, thì 52,6% trong số họ ở độ tuổi 65 trở lên.

Những người sống sót sau vụ cháy rừng tồi tệ nhất ở Hàn Quốc cho biết họ cảm thấy choáng ngợp vì chấn thương và căng thẳng
Những người sống sót sau vụ cháy rừng tồi tệ nhất ở Hàn Quốc cho biết họ cảm thấy choáng ngợp vì chấn thương và căng thẳng - Ảnh: AFP

Đối với nhiều người dân lớn tuổi chứng kiến ​​ngôi nhà của mình chìm trong biển lửa, thật khó để hình dung họ có thể phục hồi như thế nào ở độ tuổi này.

“Lúc này, mọi thứ thật tàn khốc, đau lòng và kinh hoàng”, dân làng Kim Seung-weon, 73 tuổi, nói khi đứng bên trong ngôi nhà bị cháy nặng của mình, với chiếc điều hòa bị tan chảy và chiếc ghế sofa cháy đen phía sau.

Những chiếc jangdok - loại bình truyền thống mà người Hàn Quốc lớn tuổi thường dùng để lên men tương đậu nành - bị hư hỏng nằm cạnh những công trình và mái nhà bị cháy ở bên ngoài.

“Tôi đang ở ngã ba đường, đấu tranh với suy nghĩ về sự sống và cái chết. Chấn thương và căng thẳng vô cùng khủng khiếp” - ông nói.

Giống như một bãi chiến trường

Jeon Young-soo, giáo sư tại Khoa Sau đại học về nghiên cứu quốc tế của Đại học Hanyang, cho biết các vụ cháy rừng đã tiết lộ mức độ nghiêm trọng của các vấn đề liên quan đến một xã hội siêu già hóa và sự chênh lệch giữa các vùng ở Hàn Quốc.

Các vụ cháy rừng tồi tệ nhất ở Hàn Quốc đã phơi bày sự thiếu hụt lưới an toàn cho các thảm họa do dân số trẻ không đủ khả năng ứng phó
Các vụ cháy rừng tồi tệ nhất ở Hàn Quốc đã phơi bày sự thật người già không thể làm gì, dân số trẻ thì không đủ khả năng ứng phó - Ảnh: AFP

Ông nói với truyền thông: “Do thiếu dân số trẻ ở các vùng nông thôn nên tình trạng thiếu mạng lưới an toàn trước thiên tai và cơ sở hạ tầng đã trở nên rất rõ ràng”.

Một số người dân địa phương phàn nàn rằng các ngôi làng bị bỏ mặc khi ngọn lửa đến và họ phải tự lo liệu mọi thứ.

Thống đốc Yeongyang, nơi có 55% trong số 15.271 cư dân ở độ tuổi 60 trở lên, đã đưa ra lời kêu gọi người dân thị trấn giúp đỡ bằng cách dọn sạch tàn lửa và chăm sóc hàng xóm của họ.

Ông cũng cho biết không có trực thăng nào được triển khai trong 3 ngày qua và kêu gọi chính quyền trung ương hỗ trợ thêm.

Trong số những người thiệt mạng vì cháy rừng có một phi công ngoài 70 tuổi. Chiếc trực thăng của ông đã bị rơi vào thứ Tư khi đang cố gắng dập tắt đám cháy.

“Thật sự rất đau lòng – tôi nghe nói viên phi công đã phục vụ trong khoảng 40 năm. Nhiều nạn nhân bị hạn chế khả năng di chuyển do tuổi tác. Tất cả chúng tôi đều rất sợ hãi và cảm thấy bất lực” - Kang Yong-suk, một cư dân 74 tuổi ở Andong, nói.

Thảo Nguyễn (theo AFP)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI