Chạy máy phát điện, 3 người trong 1 gia đình hôn mê

16/08/2024 - 13:11

PNO - Ngày 16/8, Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cảnh báo, đơn vị liên tiếp tiếp nhận các bệnh nhân có hiện tượng nôn trớ, hôn mê, suy hô hấp do ngộ độc khí CO (carbon monoxide).

Bác sĩ thăm khám cho người mẹ trong vụ ngộ độc khí CO tại Nghệ An - ảnh BVCC
Bác sĩ thăm khám cho người mẹ trong vụ ngộ độc khí CO tại Nghệ An - Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Liên tiếp các ca ngộ độc khí CO

Điển hình là trường hợp 3 bệnh nhân ngộ độc từ 1 căn bếp ở nhà hàng của Hà Nội. Căn bếp khoảng 25 - 30m2. Vào buổi sáng, 6 nhân viên của nhà hàng làm việc trong bếp và không phát hiện mùi bất thường. Sau đó, 2 nhân viên bị ngất xỉu và 1 người có biểu hiện khó chịu, nôn trớ nên được đưa vào bệnh viện cấp cứu.

Các bác sĩ phát hiện nồng độ CO trong máu bệnh nhân rất cao, HbCO lên tới hơn 30% trong khi bình thường chỉ khoảng dưới 1%. Hiện nay, sau 10 ngày điều trị ô xy cao áp, thuốc dự phòng biến chứng tâm thần và thần kinh, bệnh nhân cho biết cơ thể còn rất mệt mỏi. Các chuyên gia nghi ngờ, khí gas từ các thiết bị đun nấu trong nhà hàng đã không cháy hoàn toàn nên tạo ra khí CO.

Cũng bị ngộ độc khí CO nhưng do dùng máy phát điện, 3 người trong 1 gia đình tại Nghệ An phải nhập viện trong tình trạng nặng nề. Trước đó, khoảng 20g ngày 8/8, nhà bị mất điện nên gia đình này đã sử dụng máy phát điện để mở máy lạnh. Máy phát điện vẫn sử dụng lâu nay nhưng lần này được để ở một phòng thông với phòng ngủ.

Sáng hôm sau, người thân phát hiện 3 người đã rơi vào hôn mê, bên cạnh có chất nôn. Người bố bị ngộ độc nhẹ, điều trị ở địa phương và đã ra viện. Hai mẹ con được đặt nội khí quản, đưa thẳng đến Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai và được hồi sức, dùng các thuốc dự phòng di chứng não.

Tiến sĩ - bác sĩ Lê Quang Thuận - Phó giám đốc Trung tâm Chống độc - cho hay, người mẹ (48 tuổi) hiện đã tỉnh, được rút ống thở. Tuy nhiên, con trai (15 tuổi) vẫn còn hôn mê và nguy kịch. Bệnh nhân vào viện trong tình trạng có tổn thương đa cơ quan, đặc biệt não, tim, cơ, hô hấp và một số tạng khác.

“Cả hai mẹ con có tổn thương rõ trên não nên nguy cơ cao sau này sẽ gặp các di chứng muộn và cần theo dõi, điều trị rất cẩn thận. Riêng người bố, do lúc đầu đã bất tỉnh nên sau này sẽ có nguy cơ cao gặp di chứng não. Cần nhanh chóng đi kiểm tra để có đơn thuốc. Có thể bệnh nhân phải điều trị ô xy cao áp, phòng tránh di chứng muộn” - bác sĩ Thuận nói.

Thậm chí, theo bác sĩ, các trường hợp ngộ độc lần này có lượng HbCO trong máu cao hơn cả các nạn nhân vụ cháy ở Khương Hạ, Thanh Xuân, Hà Nội hồi tháng 9/2023.

Không cháy nổ vẫn có nguy cơ ngộ độc khí CO

Các chuyên gia cảnh báo, khí CO gây tổn thương não, tim và nhiều
Các chuyên gia cảnh báo, khí CO gây tổn thương não, tim và nhiều cơ quan khi xâm nhập vào cơ thể - Ảnh: Bệnh viện cung cấp

TS. BS Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc - cho hay, vừa qua trung tâm tiếp nhận nhiều ca ngộ độc khí CO mà không phải do sự cố cháy nổ. Cụ thể như: chạy máy phát điện để ở trong phòng có thông với phòng có người sinh hoạt, ngồi trong xe ô tô và bị ngộ độc do hít phải khí CO từ khói xe, sử dụng bình đun nước nóng chạy bằng khí gas, bồn chiên dầu sử dụng đồng thời khí gas và điện...

“CO là chất khí không màu, không mùi, không gây kích ứng đường hô hấp. Do đó, rất khó nhận biết sự có mặt của CO trong không khí. Khí CO được hình thành do sự đốt cháy không hoàn toàn. Các chất liệu có chứa carbon như: xăng, dầu, khí đốt tự nhiên, gỗ hoặc than củi, nhựa, vải, rơm, rạ... hoặc một số trường hợp cá biệt do hóa chất được hấp thu qua da vào cơ thể rồi được chuyển hóa thành khí CO và gây ngộ độc” - BS Nguyên phân tích.

Khí CO hấp thu vào cơ thể, trường hợp nhẹ có thể gây buồn nôn, đau đầu. Các ca bệnh dễ tưởng nhầm là cảm cúm hay ngộ độc thức ăn. Trường hợp nặng, người hít phải có thể bất tỉnh và tử vong. Các cơ quan hay bị tổn thương và thường bị nặng, bị sớm nhất là não, tim...

Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên cũng nhấn mạnh: “50% bệnh nhân bị nhiễm độc khí CO dù là nhẹ nhưng sau khi được điều trị vẫn sẽ bị các di chứng về tâm thần, thần kinh, sa sút trí tuệ, suy giảm trí nhớ. 1/3 số người bị ngộ độc nặng ban đầu có tổn thương tim mạch và tử vong trong vòng 8 năm sau, do biến chứng loạn nhịp tim. Người sau 35 tuổi bị ngộ độc CO thường nguy cơ bị di chứng nhiều hơn. Vì vậy, việc điều trị sớm và tích cực sẽ giảm mức độ nặng, giảm nguy cơ tử vong và hạn chế di chứng”.

Hiện trong cuộc sống có các nguy cơ mới gây ngộ độc khí CO, bởi có nhiều máy móc, thiết bị sử dụng nhiên liệu là xăng dầu. Thậm chí có hóa chất dung môi tẩy sơn chứa methylene chloride, methylen bromide có thể ngấm qua da vào cơ thể rồi được chuyển hóa thành khí CO và gây ngộ độc từ từ.

Do đó, các chuyên gia đề nghị cơ quan chức năng cần có biện pháp quản lý, kiểm định để đảm bảo các thiết bị máy móc và hóa chất này đảm bảo chất lượng và an toàn. Các thiết bị và các hóa chất có nguy cơ phải được dán nhãn cảnh báo gây ngộ độc để người tiêu dùng sử dụng biết và phòng tránh.

Tất cả các nơi có thể phát sinh khí CO như bếp cần phải lắp thiết bị theo dõi và báo động nồng độ khí CO, khí gas, kịp thời phát hiện và tránh các vụ ngộ độc hoặc cháy nổ đáng tiếc” - TS. BS Nguyễn Trung Nguyên khuyến cáo.

H.Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI