Chảy máu liên tục sau khi ăn thịt chuột

22/02/2016 - 07:37

PNO - Những ngày sau tết, Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM liên tục cấp cứu nhiều trẻ bị ngộ độc thuốc diệt chuột hoặc ăn phải thịt chuột nhiễm độc chất.

Chay mau lien tuc sau khi an thit chuot
Trẻ bắt chuột đồng để ăn

Hầu hết trẻ nhập viện đều chảy máu khó cầm, chảy máu ở răng, nướu, tụ máu dưới da kèm nguy cơ xuất huyết não.

Nhiều lần nhập viện vì nghiền thịt chuột

Bé trai T.H.H. (12 tuổi, Đồng Tháp) vừa được xuất viện sau sáu tháng với nhiều lần nhập viện điều trị cùng một số biểu hiện: tụ máu dưới da, chảy máu ở chân răng, nướu, đi cầu phân đen…

Lần đầu tiên thấy bé có triệu chứng trên, người nhà nghĩ bé bị sốt xuất huyết, chuyển bệnh nhi đến Bệnh viện (BV) Nhi Đồng 1 TP.HCM điều trị. Khi tiếp nhận, các bác sĩ (BS) chẩn đoán bé bị thiếu yếu tố 7 bẩm sinh (một yếu tố giúp đông máu), khiến máu chảy liên tục.

Sau một tuần được truyền huyết tương, chích vitamin K, sức khỏe bệnh nhi cải thiện. Thế nhưng hai tuần sau đó, những triệu chứng cũ lại xuất hiện và ba lần gần đây, bé tiếp tục bị bầm máu, máu tụ dưới da, chảy máu ở răng, ở nướu, ói ra máu. Các chuyên gia của BV tiếp tục hội chẩn. Kết quả xét nghiệm chức năng đông máu cho thấy, bệnh nhi bị rối loạn đông máu nặng tương tự những lần trước.

Các BS cho rằng bệnh nhi thiếu yếu tố 7 bẩm sinh hoặc thiếu các yếu tố đông máu khác như: yếu tố 2, 9, 10 nên điều trị theo phác đồ cũ. Tuy nhiên, một chuyên gia cho rằng, nếu bé bị thiếu các yếu tố đông máu bẩm sinh thì phát bệnh từ nhỏ, chứ không thể xuất hiện khi bé đã 12 tuổi. Do đó, các BS nghi ngờ khả năng bé đã bị nhiễm một loại độc chất chống lại vitamin K, khiến thiếu hụt việc sản sinh ra các yếu tố đông máu.

Trong lúc các cuộc thảo luận về căn nguyên gây bệnh của bé chưa ngã ngũ thì người nhà bệnh nhi cho biết, gia đình thường ăn thịt chuột đồng, riêng bệnh nhi ghiền món chuột nấu rô-ti và ăn rất nhiều. Thậm chí, sau những đợt điều trị ở BV về nhà, gia đình cũng luôn nấu món rô-ti chuột cho bé H. bồi bổ. Chuột thường được mua từ những người săn chuột đồng.

Từ thông tin này, các BS nghi ngờ bé H. bị nhiễm chất warfarin - thường được Trung Quốc dùng sản xuất thuốc diệt chuột. Ngay lập tức, BV tiến hành xét nghiệm độc chất, phát hiện bé H. bị nhiễm chất warfarin. Chất này tích lũy trong máu, dẫn đến rối loạn đông máu.

BS Nguyễn Minh Tiến - Phó giám đốc BV Nhi Đồng 1 lý giải: “Chất warfarin khi vào cơ thể sẽ ức chế vitamin K ở gan, khiến gan không sản xuất được các yếu tố đông máu như: yếu tố 2, 7, 9, 10. Trước đó, bé H. chỉ được truyền yếu tố 7 từ huyết tương, thiếu các yếu tố khác nên bệnh không giảm.

Hơn nữa, khi sức khỏe chưa phục hồi, bệnh nhi lại tiếp tục ăn thịt chuột chứa warfarin nên bệnh quay trở lại. Khi phát hiện ra chính xác nguyên nhân gây bệnh, BV đã truyền vitamin K liều cao cho bé. Nếu bệnh nhi thiếu vitamin K thông thường, chỉ chích tối đa 10mg/1ml từ một-ba ngày đã khỏi, nhưng do bé H. bị nhiễm chất warfarin kéo dài, buộc chích vitamin K liên tục trong hai tuần”.

Cũng trong thời gian sau tết, BV Nhi Đồng 1 cấp cứu thành công cho bé H.Y.N. (một tuổi, Tây Ninh) bị uống nhầm thuốc diệt chuột có chứa chất warfarin (loại thuốc này có mùi thơm, lại nhiều màu sắc nên bé rất dễ nhầm là kẹo). Điều đáng nói, theo các BS, những triệu chứng của ngộ độc warfarin dễ chẩn đoán nhầm với nhiều dạng bệnh khác như thiếu vitamin K thông thường, suy gan, thiếu yếu tố 7 bẩm sinh…

Trước đó, BV Nhi Đồng 1 đã cấp cứu thành công bé gái Đ.T.K.L. (bảy tuổi) uống nhầm thuốc diệt chuột chứa hoạt chất bromadiolone. Nguy hiểm của loại thuốc này là xuất hiện triệu chứng rất chậm nên bệnh viện tuyến trước chẩn đoán sai. Hai ngày sau đó, bệnh nhi phát bệnh nặng.

Khó nhận biết chuột đã nhiễm độc

BS Nguyễn Minh Tiến cho biết, nếu chỉ một lần ăn hoặc uống nhầm chất warfarin, với hàm lượng khoảng 10 - 20mg thì tình trạng nhiễm độc không quá nguy hiểm. Nhưng nếu ăn thực phẩm chứa 2mg warfarin mỗi ngày thì khi cơ thể tích lũy đủ một lượng lớn sẽ gây ra nhiễm độc mạn tính rất nguy hại, dẫn đến: suy dinh dưỡng, rối loạn chức năng gan, nội tạng chảy máu khó cầm…

PGSTS-BS Trần Văn Bình - nguyên Trưởng khoa Huyết - sinh học, BV Truyền máu - huyết học TP.HCM cho biết, chất warfarin được dùng ở hai dạng là tinh chế thành thuốc để điều trị làm tan cục máu đông, tránh nguy cơ xuất huyết não, đột quỵ cho người bệnh; thuốc có giá thành rất cao.

Vì dược lực warfarin rất mạnh nên nhà sản xuất chỉ bào chế ở dạng viên uống với liều thấp. Bên cạnh đó, còn có dạng warfarin chưa được tinh chế, dùng sản xuất ra thuốc diệt chuột, giá rất rẻ. Khi chuột ăn bả chứa warfarin với liều lượng thấp thì bốn-năm ngày sau mới chết. Vì thế, người ăn thịt chuột không hề biết, chuột đã bị nhiễm độc chất nguy hại.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI