Vào ngày 13/5, vụ cháy tại nhà số 24 phố Thành Công (phường Quang Trung, Hà Đông, Hà Nội) khiến 4 bà cháu tử vong. Trước đó 1 ngày, tại phòng trà ở phố Văn Cao, phường Đằng Giang (quận Ngô Quyền, TP Hải Phòng) hỏa hoạn cũng khiến 3 thiếu nữ (từ 18-21 tuổi) chết thảm. Những vụ hỏa hoạn này một lần nữa cảnh báo về an toàn thoát hiểm khi hỏa hoạn đối với những căn nhà được thiết kế loằng ngoằng, chằng chịt và rào “chuồng cọp”.
Rào lối thoát hiểm
Ghi nhận tại các chung cư cũ ở TPHCM cho thấy, hầu hết các căn hộ chung cư đều không có lối thoát hiểm khẩn cấp khi ban công phía sau được cơi nới và rào kín bằng lưới sắt. Ở cửa chính, nhiều căn hộ cũng làm thêm 1 lớp cửa sắt để chống trộm.
|
“Chuồng cọp” kiên cố để chống trộm nhưng lại vô tình làm giảm khả năng thoát hiểm của gia chủ khi chẳng may xảy ra hỏa hoạn - ẢNH: TÚ NGÂN |
Tại một chung cư đã cũ trên đường Bàu Cát 7, quận Tân Bình, bà Lê Thị Thủy - cư dân chung cư - kéo lớp cửa sắt tự làm thêm bên ngoài rồi nhoẻn miệng cười: “Vì chung cư đã cũ, không có bảo vệ, người lạ ra vào thường xuyên nên tôi phải làm thêm lớp cửa cho yên tâm”. Theo lời bà Thủy, chung cư này đã sử dụng gần 40 năm và đến nay chưa một lần được cải tạo. Nhìn quanh các dãy hành lang có thể thấy hệ thống điện và hệ thống chữa cháy đều đang dần xuống cấp.
Tương tự, tại chung cư Ngô Gia Tự (quận 10) tình trạng nhiều căn hộ chắp vá, cơi nới và rào lưới phía sau cũng rất phổ biến. “Nhà chật quá, phải tận dụng khoảng không ở ban công để cơi nới làm nơi chứa đồ đạc, phơi quần áo, trồng rau, trồng cây… Để phòng trộm cắp thì phải rào lưới sắt. Cháy nổ là chuyện xa xôi. Mình phải lo chuyện trước mắt đã” - bà Nguyễn Thị Sáu - sinh sống tại khu chung cư Ngô Gia Tự - trả lời khi chúng tôi đề cập chuyện cháy nổ.
Nhìn chung, các cư dân đều biết sự nguy hiểm khi xảy ra cháy nổ, nhưng phần đông họ đều thản nhiên chấp nhận, phớt lờ cảnh báo.
Hỏa hoạn và cách thoát thân
Ông Bùi Xuân Thái - Trưởng ban Thông tin truyền thông, Hiệp hội Phòng cháy chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn (PCCC & CHCN) Việt Nam - nhìn nhận: “Hiện nay, nhà ở hoặc nhà ở kết hợp kinh doanh tại các thành phố lớn hầu như đều được thiết kế theo dạng nhà ống chỉ có 1 lối thoát hiểm qua cầu thang rồi thoát ra ngoài bằng cửa chính. Ngoài ra cũng có thể sử dụng lối lên sân thượng hoặc ra ban công (thường được gọi là lối thoát hiểm khẩn cấp) để thoát sang nhà lân cận. Nhưng vì lý do an ninh, các gia đình thường trang bị thêm lớp cửa sắt, cửa cuốn tại cửa chính. Tại các lối thoát hiểm khẩn cấp cũng bị rào chắn cố định tạo thành những lồng sắt (còn gọi là “chuồng cọp”). Do đó, khi gặp hỏa hoạn thường rất khó khăn trong việc thoát ra ngoài”.
Cũng theo Hiệp hội PCCC & CHCN Việt Nam, khi có tình huống cháy nổ xảy ra, điều đầu tiên là phải giữ được bình tĩnh, báo động ngay cho người thân biết, rồi thực hiện các biện pháp khống chế đám cháy, tổ chức thoát nạn. Đối với đám cháy nhỏ hoặc mới bùng phát, cần ngắt ngay nguồn điện và sử dụng các phương tiện chữa cháy ban đầu như bình chữa cháy xách tay, nguồn nước, chăn thấm nước… để dập lửa.
Trong trường hợp cháy to, không thể dập bằng các phương tiện chữa cháy ban đầu thì gọi ngay đến số điện thoại 114 để thông tin về đám cháy để báo cho lực lượng PCCC & CHCN, đồng thời khẩn trương quan sát tìm lối thoát. Sau đó, nhanh chóng cùng người thân thoát ra khỏi đám cháy bằng cách dùng khăn, vải, chăn màn thấm nước bịt kín mắt, mũi, miệng và bò sát mặt đất để thoát ra ngoài.
Khi cửa chính bị khói bao trùm, phải bình tĩnh tìm lối thoát an toàn khác như ban công, sân thượng, mái nhà để thoát ra ngoài hoặc sang các công trình lân cận bằng thang dây, dây thừng, dây tự buộc làm từ rèm vải, ga trải giường.
Nếu nhà không có ban công và không thể thoát ra ngoài bằng dây thang thì phải đóng chặt cửa phòng, lấy khăn ướt bịt kín các lỗ phía dưới và trên cửa nhằm ngăn khói và nguồn nhiệt thoát ra ngoài, đồng thời hạn chế không cho gió thổi vào gây cháy lan nhanh hơn.
Trường hợp mặt tiền của ngôi nhà có rào lưới thì phải bình tĩnh, tìm cách phá lưới để tìm lối thoát với sự hỗ trợ của những người xung quanh.
Trong trường hợp cháy to nhưng không có lối thoát nạn thì cần bình tĩnh hô hoán và tạo ra các tiếng động, tín hiệu gây chú ý để nhận được sự hỗ trợ của những người xung quanh. Tuyệt đối không chạy vào ẩn nấp trong nhà vệ sinh, dưới gầm giường hoặc tủ quần áo, vì có nguy cơ gặp phải tình trạng ngạt khói, lửa thiêu khi đám cháy lan rộng toàn bộ ngôi nhà.
Ngăn ngừa hỏa hoạn
Để ngăn ngừa hỏa hoạn, theo ông Bùi Xuân Thái - Trưởng ban Thông tin truyền thông, Hiệp hội PCCC & CHCN - đối với nhà ống, khi xây nhà phải thiết kế sao cho bên ngoài không thể vào, nhưng bên trong thì dễ dàng thoát ra; phải đảm bảo có 2 lối thoát: cửa chính và lối thoát nạn khẩn cấp như ban công, sân thượng, mái của tòa nhà… Trong quá trình xây dựng phải giám sát chặt chẽ việc thi công hệ thống điện để đảm bảo đúng thiết kế, chất lượng theo quy chuẩn kỹ thuật về an toàn điện.
Ngoài ra, mỗi gia đình cũng cần trang bị bình chữa cháy và hướng dẫn các thành viên sử dụng thành thạo; bố trí các vật dụng một cách hợp lý để tránh làm cản trở khi thoát hiểm.
Cần chú ý không để nhiều đồ dùng, hàng hóa dễ cháy ở nơi đun nấu. Không (hoặc hạn chế ít nhất nếu cần) việc dự trữ xăng, dầu, khí đốt và chất dễ cháy trong nhà; ô tô, xe máy và phương tiện có chứa xăng dầu, chất lỏng dễ cháy phải để cách xa bếp và nguồn nhiệt.
Phải hết sức cẩn trọng khi sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt (như thắp hương thờ cúng, đốt vàng mã, sử dụng các thiết bị sinh nhiệt như bóng điện tròn, bàn ủi, bếp điện, thiết bị sưởi ấm), bảo đảm và duy trì các điều kiện an toàn về PCCC để loại trừ và giảm đến mức thấp nhất nguy cơ cháy nổ.
Các chuyên gia về PCCC & CHCN khuyến cáo không nên lắp đặt “chuồng cọp”. Trường hợp cần thiết thì phải có ô thoát hiểm. Mỗi gia đình cần có phương án thoát nạn và chia sẻ cho các thành viên trong gia đình biết; hạn chế để trẻ em ở nhà một mình.
Những biện pháp khác là: thường xuyên kiểm tra đường dây dẫn điện, các thiết bị điện; nơi đun nấu phải có vách ngăn bằng vật liệu không cháy, nếu dùng bếp gas phải có biện pháp chống chuột cắn thủng ống dẫn gas, khi đun nấu xong phải tắt bếp và đóng van xả gas; trước khi đi ra khỏi nhà hoặc đi ngủ phải kiểm tra nơi đun nấu, nơi thờ cúng, tắt các thiết bị điện không cần thiết. Mỗi gia đình cũng cần trang bị dụng cụ trữ nước, xô thùng xách nước để vừa phục vụ sinh hoạt, vừa phục vụ chữa cháy; trang bị bình chữa cháy và mọi người trong gia đình phải học tập để sử dụng thành thạo các dụng cụ chữa cháy đã được trang bị.
Tú Ngân