Sáng kiến vì trẻ em
Nhắc đến chị Phan Thị Chung, nhiều gia đình, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em ở thị trấn Krông Klang vẫn không quên về sự tận tình của chị trong trận dịch COVID-19 vừa qua. Là một vùng đất nghèo, địa hình hiểm trở, dân cư đa phần là đồng bào Vân Kiều nên dịch COVID-19 đã khiến cuộc sống của bà con vốn đã khó lại càng thêm khó.
Những ngày dịch bệnh, chị Chung gần như không có thời gian để nghỉ ngơi. Đối với đồng bào miền núi, công tác tuyên truyền, nhắc nhở đóng vai trò rất quan trọng và thường xuyên được chú trọng. Vì vậy, trong suốt đợt dịch, chị thường xuyên phải tranh thủ gặp gỡ, hướng dẫn chị em về cách phòng, chống dịch bệnh, kể cả khi thị trấn chưa có ca COVID-19 nào. Khi các bản làng xuất hiện dịch, chị Chung thường có mặt từ rất sớm tại các điểm hỗ trợ lấy mẫu xét nghiệm, tiêm vắc-xin, tiếp tế lương thực cho bà con. Chị chia sẻ: “Vất vả nhất là khâu đi chợ giúp bà con. Mỗi ngày, mình cùng các chị em nhận và thống kê các đơn hàng của bà con rồi mới đi chợ. Mua về rồi lại phải phân chia, rồi phân công nhau mang đến từng nhà. Nhiều nhà ở gần đường, tiện cho việc chạy xe máy, nhưng có nhiều nhà ở chênh vênh bên bờ suối thì phải đi bộ. Đến giao thực phẩm, chị không quên hỏi han xem bà con cần hỗ trợ gì, hướng dẫn thêm về phòng, chống dịch, nhất là với các em nhỏ có bố mẹ đi cách ly”.
|
Chị Chung (bên trái) tặng con giống hỗ trợ cho một phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn |
Thương đời sống bà con còn nghèo, chị lại ngược xuôi kết nối với các nhà hảo tâm để xin trợ giúp thực phẩm, nước sát khuẩn, khẩu trang… “Xin được thứ gì đỡ thứ đó cho bà con, mình vất vả một tí cũng không sao” - chị nói. Nhiều bữa, về tới nhà đã 9 - 10g đêm. Cậu con nhỏ của chị sau khi hiểu ra vì sao nhiều ngày mẹ thường về muộn, lại không đọc sách, trò chuyện với con như trước, đã luôn chào đón mẹ ở cửa bằng nụ cười và chiếc bình xịt sát khuẩn cho mẹ.
Chính trong thời gian dịch COVID-19 bùng phát, đi thực tế đến nhiều gia đình, chị Chung đã đưa ra sáng kiến câu lạc bộ “Sử dụng internet an toàn cho trẻ, có ích cho cha, mẹ”. Chị bảo, internet là một công cụ hữu ích trong thời đại công nghệ, giúp học sinh tiếp tục được học tập khi việc đến trường phải tạm dừng. Tuy nhiên, nó vẫn còn nhiều khía cạnh tiêu cực, mang lại những kết quả không mong muốn đối với con trẻ, nếu bị lạm dụng, nếu các bậc phụ huynh không quản lý chặt chẽ.
|
Chị Chung trong một buổi tuyên truyền về vệ sinh đảm bảo sức khỏe cho trẻ vùng cao |
“Khi câu lạc bộ được thành lập sẽ tạo cho trẻ một môi trường sinh hoạt lành mạnh, bổ ích; tạo điều kiện để trẻ có thể trao đổi, thảo luận nhằm nâng cao hiệu quả trong việc sử dụng internet, đặc biệt là các trang mạng xã hội. Tạo sân chơi cho trẻ có thể phát huy các thế mạnh, sở trường, cũng như trau dồi các mặt còn hạn chế. Còn đối với cha mẹ, thông qua các buổi tuyên truyền sẽ giúp hiểu được cách thức sử dụng internet và các trang mạng xã hội. Từ đó có thể quản lý, hướng dẫn trẻ trong việc sử dụng internet hiệu quả, phục vụ tốt nhất cho việc học tập; biết cách tìm kiếm, khai thác các nguồn thông tin, các kiến thức có ích cho việc chăm sóc, dạy dỗ con, hỗ trợ con giải quyết các vấn đề; biết cách tìm kiếm các tiến bộ khoa học kỹ thuật để áp dụng vào phát triển kinh tế…” - chị Chung chia sẻ.
Giúp phụ nữ nghèo vượt khó
Là chủ tịch Hội LHPN thị trấn, nhiều năm qua, chị Chung đã tổ chức nhiều phong trào, hoạt động ý nghĩa, giúp chị em vùng cao mở mang kiến thức, xây dựng gia đình đầm ấm, vươn lên phát triển mọi mặt. Chị chia sẻ, ở vùng cao này, phần lớn hội viên đều là người đồng bào, ngại đi sinh hoạt, họ lại là lao động chính nên quỹ thời gian hạn hẹp do phải làm việc trên nương rẫy suốt ngày. Vì thế, chị phải đi từng ngõ, gõ từng nhà động viên, phân tích, thuyết phục chị em tham gia công tác Hội. Cùng với đó, chị còn đưa ra nhiều sáng kiến như: mô hình Phụ nữ bốn phẩm chất - tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang, câu lạc bộ Gia đình không có trẻ suy dinh dưỡng, góc học tập cho trẻ… để thu hút chị em vào Hội.
|
Chị Chung (bìa trái) tặng cờ Tổ quôc cho hội viên |
Ba năm trở lại đây, chị Chung đưa ra sáng kiến mở lớp xóa mù chữ dành cho phụ nữ thôn bản. Nhiều chị em, thậm chí có người đã lên chức bà, ngoài 60 tuổi, vẫn đều đặn đến lớp vào mỗi tối. Những con chữ như mở ra cho chị em một chân trời mới thông qua kiến thức học được trên lớp. “Biết đọc, biết viết sẽ giúp chị em rất nhiều trong nắm bắt kiến thức, tiếp cận khoa học kỹ thuật, mới có thể thay đổi và xóa được cái nghèo. Đó là lý do chính để Hội phối hợp với đoàn thanh niên, các trường học trên địa bàn hỗ trợ mở lớp xóa mù chữ cho chị em” - chị Chung nói.
Để giúp chị em cải thiện cuộc sống, chị hướng dẫn các mô hình phát triển kinh tế như chăn nuôi, trồng trọt cách thức mới mang lại hiệu quả cao cho chị em. Cùng với đó, các mô hình tiết kiệm vốn, đỡ đầu hội viên nghèo cũng được chú trọng, giúp chị em hội viên khởi nghiệp. Nhiều hội viên nghèo nhờ được hỗ trợ đã trở nên khá. Chị Hồ Thị Cải, ở khóm Khe Xong, bộc bạch: “Trước đây tôi chỉ biết cần mẫn lên rẫy trồng cây lúa, cây bắp. Từ khi được chị Chung và chị em trong Hội hướng dẫn, hỗ trợ vốn làm ăn thì kinh tế khấm khá hơn. Nếu không vào Hội, không tiếp cận cái mới, chắc gia đình tôi vẫn quanh năm thiếu gạo”.
Với những việc làm hữu ích, nhiều chị em ở thị trấn đã tình nguyện tham gia Hội và thực hiện các phong trào một cách tích cực. Từ 406 hội viên năm 2015, đến nay con số đó đã tăng gần gấp đôi. Chị Chung nói, không gì khác, đó chính là hạnh phúc và niềm vui của chị - người làm công tác Hội ở những xóm núi nghèo. “Mình sinh ra và lớn lên ở nơi đây nên hiểu được cái khó, cái khổ của bà con. Lựa chọn công việc và cháy hết mình để đời sống bà con khấm khá hơn luôn là khát khao cháy bỏng của mình từ ngày rời ghế trường làng” - chị Chung bày tỏ.
Ngọc Uyên