Chạy giỏi như… bác tài

01/04/2017 - 08:24

PNO - Chỉ cần hơn sáu năm mấy tháng, một bác tài đã “chuyển mình” hóa thân thành nhà khoa học, lại còn làm Phó viện trưởng, làm Chủ tịch Hội đồng khoa học của Viện Quy hoạch xây dựng miền Nam.

Những ngày này, dư luận đang “sững sờ khâm phục” vị Phó viện trưởng, Chủ tịch Hội đồng khoa học của Viện Quy hoạch xây dựng miền Nam, vì những bứt phá thần tốc trên đường quan lộ, học hành (nếu có).

Từ một anh lái xe, “thiên tài” trở thành chuyên viên Phòng Kế hoạch của Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn, rồi lên Phó trưởng phòng, Trưởng phòng Kế hoạch-thị trường của Viện Kiến trúc, quy hoạch đô thị và nông thôn (VIAP), được dự kiến làm Phó viện trưởng Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia (VIUP) và giờ là Phó viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng miền Nam (SISP).

Chay gioi nhu… bac tai

Vậy là chỉ cần hơn sáu năm mấy tháng, một bác tài đã “chuyển mình” hóa thân thành nhà khoa học, lại còn làm Phó viện trưởng, làm Chủ tịch Hội đồng khoa học của Viện này.

Những đồ án quy hoạch tầm quốc gia mà Viện này có ảnh hưởng quyết định trong phê duyệt cũng được dư luận nhắc đến, “trầm trồ thán phục” vì vị Chủ tịch Hội đồng khoa học ấy thường nghe rất nhanh, quyết định rất nhanh, một ngày có thể xong ba đồ án! 

Công tâm mà nói, trên phương diện chuyên môn là tài xế, bác tài này đúng là quá xuất sắc trong việc xác định con đường nào là ngắn nhất, nhanh nhất, vượt qua hiệu quả nhất những trở ngại để đến mục tiêu nhanh nhất. Có điều, do anh đi nhanh quá, nên người ta hay đặt vấn đề là phải chăng anh đã chạy ẩu, chạy vào đường cấm, chạy bất chấp luật lệ; hay là anh được ai đó bật đèn xanh cho chạy một lèo đến đích?

Con đường học hành của bác tài được lật lại. Người ta phát hiện khi đang làm lái xe, ông được tạo điều kiện học đại học kinh tế tại chức, rồi học tiếp thạc sĩ nhưng bằng thạc sĩ không biết vì sao sau đó bị thu hồi.

Lình xình, bê bối chuyện bằng cấp như vậy, chẳng hiểu sao ông lại ngồi được vào chiếc ghế Chủ tịch Hội đồng khoa học để đánh giá các đồ án chuyên ngành về quy hoạch? Có phải vì cấp bổ nhiệm hoặc quá coi thường các nhà chuyên môn ở viện này, hoặc thừa hiểu mọi quyết định không phải từ viện này mà từ nơi khác?

Tình trạng mất đoàn kết kéo dài, đơn thư khiếu nại nhiều năm của cán bộ, nhân viên tại viện có phần cơ bản là từ những bổ nhiệm khó hiểu như trên. Thế nhưng khi bị chất vấn, câu trả lời của người có trách nhiệm liên quan… trớt quớt: “là do bộ trưởng khi ấy ký quyết định bổ nhiệm, không phải tôi”!  

Giới kiến trúc sư, trong đó có chuyên ngành kiến trúc quy hoạch, nổi tiếng là những người có cá tính khoa học mạnh, sẵn sàng tranh luận đến cùng, bảo vệ quyết liệt ý kiến của mình trong chuyên môn. Chắc chắn, họ đã có những phản ứng không hề yếu ớt đối với việc đưa người chỉ có bằng… lái xe ngồi vào vị trí lẽ ra phải là của một nhà khoa học có chuyên môn và năng lực. Họ phải là những người đầu tiên cảm thấy bị xúc phạm trong chuyên môn của mình.

Vậy mới hiểu ra, cái tấm màn che mắt thiên hạ, cái vũng tối chạy chức chạy quyền nó sâu thẳm đến thế nào, chặt chẽ đến thế nào, nên bao nhiêu phản ứng đã không lọt ra ngoài công luận. Đã chạy bằng đường tắt thì phải bảo vệ bí mật con đường của mình tôi, đó cũng là lẽ đương nhiên.

Mong các cơ quan chức năng, cơ quan ngôn luận và những người dân như nghìn mắt nghìn tay của Đảng mạnh dạn chỉ ra những đường ngang ngõ tắt ấy, tránh bớt tai họa cho nước nhà. Sau vụ ông phó này, có thể hiểu tại sao dân tình khổ ải vì nạn quy hoạch rồi tái quy hoạch vì các dự án treo.

Cơ cấu nhân sự ở một viện thuộc hàng khoa học đầu não trong lĩnh vực này mà như thế thì lấy đâu ra năng lực cơ bản để hiểu đồ án, ý tưởng quy hoạch kiến trúc; nói gì đến cái gọi là “tư duy phản biện” hay “năng lực thẩm định khách quan” về một công việc vĩ mô là định hình diện mạo những đô thị, những công trình.

Quy trình bổ nhiệm vị cán bộ này đang được xem xét lại. Xét cho cùng, quy trình nào cũng gắn với con người, nếu cuối quy trình ấy cho ra một con người sai, chắc chắn quy trình phải có vấn đề ở khâu nào đó. Trường hợp ông phó này lại không phải là chuyện đơn lẻ, hay hiếm hoi.

Chạy chức chạy quyền, bổ nhiệm cán bộ không vì lợi ích chung đang là một vấn nạn của đất nước, được lật đi lật lại rất nhiều lần trên bàn họp Quốc hội. Ly nước đã đầy chưa, để vụ này trở thành giọt nước tràn ly, phải triệt để xử lý?

Còn bao nhiêu nơi, bao nhiêu bác tài khác, bao nhiêu con đường tắt khác đang tồn tại; luồn lách qua những kẽ hở của quy trình mà tàn phá xã hội? Không làm rõ, không quyết liệt xử lý, mối nguy có thể thấy ngay trước mắt. 

 Lập Phương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI