Chạy đua với trí tuệ nhân tạo bằng học trực tuyến

22/03/2019 - 09:41

PNO - Đưa trí tuệ nhân tạo vào dạy từ bậc phổ thông, đổi mới chương trình đào tạo, cập nhật kiến thức mới, tổ chức các khóa học trực tuyến cho sinh viên là đề xuất của PGS-TS Vũ Hải Quân, Phó giám đốc Đại học Quốc gia TP.HCM.

Phóng viên Báo Phụ Nữ TP.HCM đã có buổi trao đổi với ông về chương trình này bên lề hội thảo Nghiên cứu và ứng dụng trí tuệ nhân tạo tại TP.HCM giai đoạn 2019-2025 ngày 20/3.

Phóng viên: TP.HCM đã đề ra mục tiêu phát triển trí tuệ nhân tạo (AI) giai đoạn 2019-2025, theo ông, thành phố cần phải ưu tiên những gì để phát triển lĩnh vực này?

PGS-TS Vũ Hải Quân: Có ba vấn đề chiến lược để phát triển AI: con người, công nghệ và khởi nghiệp, trong đó quan trọng nhất là yếu tố con người. Điều tất nhiên phải bắt nguồn từ đào tạo, nếu tầm nhìn đặt ra 10 năm thì cần có lộ trình thực hiện, bắt đầu từ bậc phổ thông trước với việc đẩy mạnh các môn như lập trình. Đối với học sinh chuyên, thậm chí có thể đưa trí tuệ nhân tạo vào dạy từ sớm.

Ở bậc đại học (ĐH), yêu cầu đặt ra là phải đổi mới chương trình đào tạo, cập nhật kiến thức mới về AI giảng dạy cho sinh viên. Những nghiên cứu cơ bản phải nắm bắt công nghệ mới để truyền tải cho người học.

Riêng ở yếu tố công nghệ, thành phố phải làm chủ trong “cuộc chơi” công nghệ này. Thành phố cần đặt ra những đầu bài cụ thể, ví dụ như về sức khỏe, giao thông... để các nhà khoa học và doanh nghiệp giải quyết, có thể thông qua cuộc thi, dự án.

Thành phố sẽ tài trợ cho người được giải chứ không phải như hiện nay các nhà khoa học cứ viết ra hồ sơ đề tài rồi duyệt, rồi làm nhưng sau đó lại cất vào tủ, bởi có khi làm xong đề tài đó không góp phần giải quyết được nhu cầu mà bài toán chung cần. Có cuộc thi thì sẽ công khai, minh bạch các kết quả đó. 

Đối với vấn đề khởi nghiệp, thành phố cũng phải biết các doanh nghiệp cần gì thông qua các phiếu khảo sát. Cả ba yếu tố con người, công nghệ và khởi nghiệp phải được thực hiện song hành. 

Chay dua voi tri tue nhan tao bang hoc truc tuyen
PGS-TS Vũ Hải Quân phát biểu tại hội thảo Nghiên cứu và ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) tại TP.HCM giai đoạn 2019 - 2025 ngày 20/3

* Ông nói phải đưa AI vào dạy từ bậc học phổ thông nhưng chương trình phổ thông tổng thể đã được soạn xong và sẽ áp dụng trong thời gian tới. Vậy đề xuất chuẩn bị nguồn lực này có trễ không?

- Với công nghệ thông tin (CNTT) - ngành học mang tính ứng dụng, giáo dục kỹ năng thực hành thì có nhiều cách để đưa vào giảng dạy. Có thể giảng dạy ngoại khóa, kỹ năng, hướng nghiệp trong những giờ học tăng cường. Thêm nữa, có những chương trình giáo dục được dạy theo hình thức trực tuyến, người học có thể lựa chọn học theo sở thích, năng lực mà không cần đợi một bộ sách giáo khoa. 

* Thế còn đối với sinh viên ngành CNTT, ông nhận định như thế nào về số lượng, chất lượng đào tạo so với nhu cầu phát triển AI?

- Chỉ tính riêng ĐH Quốc gia TP.HCM, mỗi năm đào tạo khoảng 2.000 kỹ sư CNTT. Hằng năm, các doanh nghiệp tuyển dụng yêu cầu nhân lực phải chứng minh được sự am hiểu về blockchain, AI… Tuy nhiên, để sinh viên đáp ứng các kỹ năng đó đòi hỏi các trường ĐH, cao đẳng phải thay đổi chương trình đào tạo, giảng viên phải cập nhật kiến thức mới. 

Đúng là hiện nay năng lực đào tạo của chúng ta còn rất hạn chế. Biết bao năm rồi chỉ tiêu các trường không thể tăng. Chỉ nhìn sang ĐH Quốc gia Singapore, trong vài năm họ tăng năm lần từ quy mô ban đầu 300 chỉ tiêu lên 1.500, nhưng vẫn đảm bảo chất lượng. 

Họ chia sẻ rằng, CNTT hiện nay là lĩnh vực rất hấp dẫn và tuyển được nhiều sinh viên giỏi. Trong khi đó, chúng ta không chỉ hạn chế về chỉ tiêu mà còn giới hạn trong đội ngũ chuyên gia về lĩnh vực AI. Hiện nay, số lượng chuyên gia về AI được đào tạo bài bản còn khiêm tốn. Do đó, cách để mở rộng là các trường chủ động mở các khóa học trực tuyến trên nền tảng mở để các giáo sư uy tín, chuyên gia hàng đầu về AI truyền tải các bài học. 

Không thể phủ nhận vẫn còn khoảng cách giữa số lượng và chất lượng trong việc hướng tới tầm nhìn trí tuệ nhân tạo trong thời gian tới.

* Vậy ông có tự tin với đội ngũ sinh viên CNTT của ĐH Quốc gia TP.HCM?

- Tự tin chứ. Thực tế, có rất nhiều sinh viên CNTT được đào tạo tại các trường thành viên: Khoa học tự nhiên, Bách khoa, CNTT sau khi ra trường đã làm việc cho các tập đoàn công nghệ hàng đầu như Facebook, Google… tại Singapore, Trung Quốc, Mỹ… Tất nhiên, đó là những sinh viên ưu tú. Và AI cũng vậy, không phải lúc nào cũng cần “thầy”, lĩnh vực này cần nhiều “thợ”. Số đông còn lại đều có việc làm tốt trong các công ty phát triển về blockchain, AI… 

Giáo viên sẽ gặp khó nếu đưa AI vào trường phổ thông

Phát biểu tại hội thảo Nghiên cứu và ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) tại TP.HCM giai đoạn 2019-2025 ngày 20/3, tiến sĩ Phan Tấn Quốc, Phó trưởng khoa phụ trách khoa CNTT Trường đại học Sài Gòn, cho biết: chương trình phổ thông mới sẽ áp dụng từ năm 2021, trong đó, chương trình cốt lõi đã được đưa vào định hướng khoa học máy tính, CNTT cũng được chú trọng. 

Với nguồn lực giáo viên hiện nay, việc truyền tải kiến thức này chắc chắn sẽ gặp khó khăn. Vì vậy, cần bồi dưỡng giáo viên đáp ứng chương trình phổ thông mới, nhất là khả năng lập trình cho thầy cô. Về chính sách, chúng ta cần có học bổng. Mỗi năm, trường tôi tuyển 500 sinh viên ngành CNTT, có thể lựa chọn vài chục em cấp học bổng để đào tạo trình độ cao.

Tiêu Hà (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI