Chạy đua khuyến mãi, các ví điện tử dần đuối sức

06/06/2024 - 06:22

PNO - Sau 8 năm hoạt động và 6 năm đồng hành với dịch vụ Grab, ngày 31/5, ví điện tử Moca thông báo sẽ ngưng cung cấp dịch vụ từ ngày 1/7 tới. Nhiều người cho rằng, ví điện tử đang đuối sức khi cạnh tranh với các dịch vụ hỗ trợ thanh toán không dùng tiền mặt khác.

Trong cuộc họp báo công bố chuỗi sự kiện “Ngày không tiền mặt” hôm 28/5, ông Lê Anh Dũng - Phó vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước - cho biết, Việt Nam có khoảng 51 doanh nghiệp không phải ngân hàng được cấp phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán. Tính đến hết năm 2023, Việt Nam có 32,77 triệu tài khoản ví điện tử hoạt động.

Người dùng thường sở hữu nhiều ví điện tử để có thể nhận nhiều ưu đãi khi thanh toán
Người dùng thường sở hữu nhiều ví điện tử để có thể nhận nhiều ưu đãi khi thanh toán

Chị Trúc Quỳnh (quận 3, TPHCM) cho hay, chị thường đi lại bằng xe ôm công nghệ nhưng do mỗi công ty liên kết với một loại ví điện tử nên chị phải sử dụng khá nhiều ví. Chẳng hạn, khi thanh toán cho hãng xe Grab chị dùng ví Moca, khi thanh toán cho hãng xe Be chị dùng ví MoMo. Tương tự, khi thanh toán đơn hàng qua sàn thương mại điện tử Shopee, chị phải dùng ví ShopeePay; khi thanh toán qua sàn thương mại điện tử Tiki, chị dùng ví MoMo; khi thanh toán qua sàn Lazada thì dùng ví Em, VNPT Money, mới có nhiều ưu đãi. Các điểm mua sắm, ăn uống trực tiếp cũng chỉ nhận thanh toán qua ứng dụng ngân hàng, qua ví MoMo hoặc ZaloPay. Do đó, trong điện thoại của chị luôn có khoảng 5 ví điện tử.

Ông Nguyễn Minh Quang - Tổng giám đốc điều hành Công ty Tài chính công nghệ FIMI - cho biết, các ví điện tử như MoMo, VNPay, SmartPay... đã từng có giai đoạn phát triển bùng nổ trên thị trường. Tuy nhiên, đa số ví điện tử đang hoạt động kém hiệu quả. Mục đích chính của các ví điện tử là hỗ trợ giao dịch và thanh toán trực tuyến nên khó cạnh tranh với các ngân hàng. Về bản chất, các ứng dụng ngân hàng cũng là ví điện tử và việc quét mã, thanh toán qua ngân hàng rất tiện lợi. Ngân hàng đang nắm lõi thanh toán nên tốc độ phát triển ứng dụng nhanh hơn ví
điện tử.

Theo ông, mức độ trung thành của khách hàng với các ví điện tử là khá thấp. Các ví điện tử thu hút khách hàng bằng chương trình khuyến mãi, giảm giá, hoàn tiền nên chi phí phát triển người dùng khá cao. Khi ví hết chương trình khuyến mãi, khách hàng sẽ quay sang thanh toán trực tiếp từ ứng dụng ngân hàng do các ứng dụng này liên thông với tài khoản nhận lương. Hơn nữa, với nguồn lực tài chính mạnh mẽ, ngân hàng thuận lợi hơn trong việc đầu tư cho các chương trình phát triển người dùng.

Cũng theo ông Nguyễn Minh Quang, ví điện tử Moca rời khỏi thị trường là điều đáng tiếc nhưng rất cần thiết cho sự phát triển chung của thị trường thanh toán điện tử ở Việt Nam. Sự việc này như một lời cảnh báo, khiến các ví điện tử phải có sự nhìn lại và thay đổi để phù hợp hơn với thị trường. Ông cho rằng, các ví điện tử nên xây dựng hệ sinh thái vững chắc, thích ứng nhanh với thị trường, cung cấp dịch vụ đa dạng hơn.

Chuyên gia tài chính Trần Nguyên Đán - giảng viên Đại học Kinh tế TPHCM - cho rằng, các ví điện tử hoạt động không hiệu quả là do đã “tập sai thói quen tiêu dùng”, quá sa đà vào các khoản khuyến mãi để tiếp cận khách hàng khiến khách hàng không nhìn vào sự tiện dụng, hiệu quả của ví mà chỉ xem đây là kênh giảm giá khi mua hàng. Rất nhiều khách hàng phải sử dụng hàng chục ví điện tử để tận dụng hết các chương trình khuyến mãi của từng ví. Kết quả, các ví điện tử càng hoạt động càng lỗ.

Theo ông, dù đã được cấp chứng chỉ bảo mật quốc tế nhưng việc kiểm soát rủi ro về an ninh mạng của các ví điện tử chưa cao. Một số vụ tấn công mạng, rò rỉ dữ liệu cá nhân thời gian qua đã khiến người dùng lo lắng, e ngại khi sử dụng ví điện tử. Do sự đa dạng về tính năng nên các ví điện tử thường xuyên bị treo lỗi hệ thống. Thêm vào đó, khi sử dụng nhiều giao dịch (từ 5 giao dịch trở lên), người dùng ví bị thu phí từ 0,5 - 2%/giao dịch.

Ông nói: “Các ví điện tử nên tìm kiếm thị trường ngách thay vì cạnh tranh trực tiếp với ngân hàng. Hiện nay, nhiều trẻ trên 10 tuổi sử dụng điện thoại thông minh và nhiều phụ huynh cũng muốn tạo quỹ tiết kiệm tương lai cho trẻ, Nhà nước cũng đang khuyến khích người dân hướng đến thanh toán không dùng tiền mặt… Do đó, các ví điện tử nên hướng đến nhóm khách hàng chưa đủ tuổi để mở tài khoản ngân hàng. Bộ Tài chính Việt Nam đang nghiên cứu về tiền kỹ thuật số nên trong thời gian tới, các ví điện tử nên chuyển hướng thành công cụ thanh toán tiền kỹ thuật số”.

Đại diện ví điện tử Moca cho biết, nếu trong ví đang còn tiền, khách hàng có thể chi tiêu cho các dịch vụ hoặc rút tiền về tài khoản ngân hàng liên kết. Moca cam kết sẽ phối hợp với các đối tác ngân hàng để hoàn trả đủ số dư trên ví Moca cho khách. Dự kiến quá trình hoàn tiền sẽ hoàn thành chậm nhất vào ngày 31/7. Đại diện Công ty Grab cho biết, đang phối hợp với các ví điện tử MoMo, ZaloPay, thẻ ngân hàng để khách hàng tiện thanh toán online khi đặt xe Grab.

Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI