PNO - Giữa lúc dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, nhiều sản phụ tại miền Trung đang sinh sống, làm việc ở những vùng có dịch tìm mọi cách “lách”, vượt tuyến để được sinh con ở những bệnh viện lớn, đè thêm gánh nặng lên vai đội ngũ y, bác sĩ tuyến trên.
Sản phụ Hoàng Thị Mai H. trở về từ TPHCM được xét nghiệm với kết quả âm tính sau khi sinh con
Chạy giấy tờ để yên tâm sinh nở
Mới trở lại TPHCM làm công nhân may, ở trọ tại quận Tân Bình từ đầu tháng 5/2020, vợ chồng anh N.T.H. và chị H.T.P.T. - quê ở thị trấn Phú Đa, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế - vẫn quyết có bằng được giấy đăng ký tạm trú sáu tháng tại TP. Huế để đến ngày sinh nở (dự sinh giữa tháng 8/2020), chị P.T. sẽ về quê. Anh N.T.H. nêu lý do: “Về gần nhà để có người chăm sóc con dại, con mình cũng tránh lây nhiễm COVID-19”. Để có giấy đăng ký tạm trú như trên, anh phải bỏ ra 10 triệu đồng.
Hôm làm thủ tục y tế ở Bệnh viện Trung ương Huế để vợ được xét duyệt vào khu sàng lọc chờ sinh, anh H. kể với giọng đầy tự hào: “Em xin được giấy tạm trú ở TP. Huế hơn nửa năm nay rồi. Hôm đầu tháng Tám, vợ chồng em quyết định xin nghỉ việc, bỏ ra hơn 5 triệu đồng để mua vé máy bay về Huế sinh con. Nếu không có dịch, vợ em sẽ sinh con ở TPHCM rồi nhờ bà ngoại vô chăm sóc, mắc chi chạy vạy cho tốn kém. Giờ về Huế sinh cũng yên tâm hơn, vì Huế mình tới chừ (giờ) chưa có ca nào mắc COVID-19”.
Tương tự, vợ chồng anh T.T.A. và chị L.T.N. - ở xã Hải Dương, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị - không muốn nhập viện đúng tuyến ở Trung tâm Y tế huyện Hải Lăng để sinh con mà quyết định khai gian tại chốt kiểm tra y tế đặt ở khu vực giáp ranh hai xã Hải Dương và Điền Hương (huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế) để nhập viện cấp cứu tại Bệnh viện Trung ương Huế.
Chị N. nêu lý do bị cao huyết áp, muốn vào Huế để được sinh mổ, chấp nhận tốn kém, miễn mẹ tròn con vuông. “Lúc đầu, vợ chồng em dự định vô Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Trị để sinh, nhưng hiện tại, ở đó đang có dịch COVID-19, TP. Đông Hà đang thực hiện giãn cách xã hội.
Kể thiệt với anh, để được vô Huế sinh con, vợ chồng em chuẩn bị hơn 25 triệu đồng, trong đó có tiền “làm quà” 5 triệu đồng để chạy giấy tờ. Khi thấy vợ đã vào được vòng 1 khu cách ly tại Khoa Cấp cứu chờ sinh, em mới yên tâm. Cũng may, bác sĩ lo chu đáo, vợ em đã sinh được cháu trai an toàn”.
Sản phụ V.T.T. chuyển dạ ngay khi vừa vào vòng 1 khu sàng lọc cấp cứu của Bệnh viện Trung ương Huế
Nhấp nhổm với sản phụ từ vùng dịch
Nhớ lại chuyện tiếp nhận sản phụ V.T.T. - ở đường Huyền Trân Công Chúa, TP. Huế - vào vòng 1 khu sàng lọc cấp cứu lúc 12g40 ngày 13/8, sau đó sinh bé gái ngay tại đây, bác sĩ Lê Sỹ Phương - Trưởng khoa Phụ sản Bệnh viện Trung ương Huế - vẫn còn hồi hộp. Khi tiếp nhận chị V.T.T. vào khu sàng lọc đầu tiên, chị T. chỉ mới kê khai y tế đã chuyển dạ, mẹ chị T. đi từ tỉnh Quảng Trị (vùng đang có dịch) đến chăm sóc sản phụ nên ê-kíp bác sĩ đã thực hiện ca đỡ đẻ giống như trường hợp sản phụ đang mắc bệnh COVID-19. “Việc xét nghiệm COVID-19 cho sản phụ T. và mẹ được thực hiện khẩn trương ngay sau ca sinh. May mắn là cả hai đều có kết quả âm tính. Hiện mẹ con chị T. đã được chuyển đến cơ sở 2 của Bệnh viện Trung ương Huế” - bác sĩ Phương kể.
Đây là ca sàng lọc đầu tiên được thực hiện ngay tại Trung tâm Sàng lọc bệnh nhân (vừa mới được thành lập tại Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Trung ương Huế) nên bác sĩ Phương cùng ê-kíp trực phải áp dụng các biện pháp kỹ thuật giống như trường hợp sản phụ mắc bệnh COVID-19. Nếu sản phụ mắc bệnh thật, chỉ cần một sơ suất nhỏ, đội ngũ y, bác sĩ đều có thể bị lây nhiễm.
Hiện Bệnh viện Trung ương Huế đã thiết lập ba khu sàng lọc bệnh nhân ở Khoa Phụ sản. Những sản phụ vượt tuyến hoặc từ vùng đang có dịch nhập viện, các bác sĩ trực cấp cứu sẽ làm thủ tục đón bệnh ngay tại khu sàng lọc cách ly số 1. Nơi đây dành cho những trường hợp nhập viện chưa có kết quả xét nghiệm COVID-19 nhưng trở dạ sớm hơn thời gian dự sinh.
Sau khi sinh xong, mẹ con sản phụ V.T.T. được cách ly tại phòng sinh ở khu sàng lọc cấp cứu, chờ kết quả xét nghiệm COVID-19
Kể lại quá trình giúp đỡ mẹ con sản phụ Hoàng Thị Mai H. vượt cạn thành công, bác sĩ Trần Minh Thắng - Phó trưởng khoa Phụ sản, Bệnh viện Trung ương Huế - không khỏi rùng mình: “Sản phụ H. từ TPHCM (vùng có bệnh nhân mắc COVID-19) về Huế, vừa nhập viện cấp cứu đã chuyển dạ sinh thường ngay tại phòng sàng lọc cách ly số 1 nên đội ngũ y, bác sĩ, kỹ thuật viên gây tê phải tức tốc thay áo quần, khẩu trang y tế chống nhiễm khuẩn để lo cấp cứu chăm sóc sản phụ. Đối với những ca sinh nhanh như thế, chúng tôi yêu cầu tất cả anh em phải khử khuẩn thật kỹ, bởi đây là những người chưa có kết quả xét nghiệm âm tính với vi-rút SARS-CoV-2”.
Trước việc có nhiều sản phụ nhập viện trái tuyến giữa mùa dịch COVID-19 tại Khoa Phụ sản Bệnh viện Trung ương Huế để sinh hoặc chờ sinh, bác sĩ Trần Minh Thắng khuyến cáo: nếu kết quả siêu âm thai nhi gần đến thời gian dự sinh bình thường, các sản phụ nên sinh tại cơ sở y tế địa phương hoặc nơi mình đang cư trú, để giúp giảm tải cho bệnh viện tuyến trên, nhất là giữa mùa dịch.
Tính từ ngày 9/8 đến nay, Khoa Phụ sản của Bệnh viện Trung ương Huế tiếp nhận hơn 100 sản phụ nhập viện chờ sinh, trong đó phần lớn là trái tuyến, nhập cấp cứu. Bình quân mỗi ngày, có tám trẻ ra đời ngay tại vòng sàng lọc số 1 của khoa này. Nhiều trường hợp sản phụ sau khi sinh xong, được khoa sắp xếp chuyển ra cơ sở 2 của bệnh viện do đến từ vùng dịch.
Tiến sĩ - bác sĩ Nguyễn Thanh Xuân - Phó giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế - cho biết, trước nhu cầu rất lớn của các sản phụ từ vùng có dịch và những bệnh nhân cấp cứu, bệnh nhân nặng, đồng thời góp phần hỗ trợ một số bệnh viện tại khu vực miền Trung hiện đang trong thời gian phong tỏa, cách ly, Bệnh viện Trung ương Huế đã thành lập trung tâm sàng lọc, cách ly bệnh nhân ngay tại Khoa Cấp cứu với đầy đủ các phương tiện, trang thiết bị, thuốc men đáp ứng việc điều trị, cấp cứu bệnh nhân, kể cả phẫu thuật khi chưa có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2.
“Việc phân loại, cách ly bệnh nhân ngay từ cổng vào bệnh viện và phân luồng, khám chữa bệnh tại cơ sở 2 đối với bệnh nhân đến từ vùng có dịch, hạn chế người nhà thăm nuôi là nhằm đảm bảo phòng, chống dịch hiệu quả, đồng thời đảm bảo hoạt động khám chữa bệnh bình thường” - bác sĩ Nguyễn Thanh Xuân nói.
Ngày 22/12/1944, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam được thành lập tại khu rừng Trần Hưng Đạo, tỉnh Cao Bằng.