Chảy cùng những dòng sông

24/10/2023 - 20:06

PNO - Sự hiện đại lãng mạn của Sài Gòn - TPHCM không thể thiếu vẻ đẹp mềm mại của những dải lụa nước xanh uốn quanh các tòa cao ốc.

Ảnh Nguyễn Quang
Sông Sài Gòn hôm nay - Ảnh: Nguyễn Quang

Gia đình tôi 4 thế hệ gắn bó với những dòng sông phía Tây thành phố. Nhà gần nơi “trên bến dưới thuyền” nên từ thời ông bà cố đã có truyền thống mua bán nông sản ở bến Bình Đông.

Đến đời ông bà ngoại, cả nhà sắm một chiếc tàu lớn, vợ chồng con cái hơn chục người theo dòng nước rong ruổi từ kênh Tàu Hũ, Lò Gốm, kênh Đôi, xuôi sông chợ Đệm, theo kênh Xáng đổ ra Vàm Cỏ Đông mênh mông sóng nước. Từ đó, tàu thuận theo dòng đi khắp các tỉnh miền Tây thu gom sản vật chở về Sài Gòn. 

Làm ăn thuận lợi, ông bà ngoại mua thêm mảnh đất ngoại thành bên dòng kênh Xáng, dựng một mái lá làm trạm trung chuyển. Có 2 ngôi nhà nhưng phần lớn thời gian mọi người đều lênh đênh trên sông. Chị em má tôi nuôi 2 con mèo, một con chó và cả vườn hoa nhỏ trên nóc tàu. Mèo, chó cũng quen sông nước, thả xuống nước là bơi như rái cá, không rời tàu kể cả khi cập bến nhà.

Chính sách kinh tế của những năm bao cấp khiến nhà ngoại phải đổi kế sinh nhai. Con tàu cặp bờ kênh Xáng, phơi nắng phơi mưa đến khi mục rã. Trong ký ức đứa trẻ lên 6, tôi nhớ lòng tàu vẫn nằm đó, lộ thiên một phần khi nước ròng bỏ bãi. Năm tháng khiến nó chôn lấp trong bùn. Nhìn chiếc lòng tàu, tôi tưởng tượng má từng sống đời thương hồ trên “ngôi nhà di động” lớn cỡ nào.

Ba má tôi cưới nhau bên bờ kênh Xáng, sống đời nông dân, ngày ra đồng, đêm chài cá. Như mọi người trong xóm, phương tiện đi lại duy nhất là chiếc xuồng ba lá, ghe tam bản. Cá tôm thuở đó nhiều vô kể. Đêm, nước lớn mấp mé bờ, tôi bật đèn pin soi mép kênh, mắt tôm càng sáng rực. Cô bé 6 tuổi thò tay nắm sợi râu kéo con tôm lên. Nó búng tanh tách khiến cô bé hoảng hốt quăng cả đèn. 

Ba tôi và mấy chú bơi xuồng vào các kênh nhỏ chài lưới. Ba nói, càng đi sâu vào nơi không tiếng động, không bóng người, tôm cá càng nhiều. Chúng nhiều đến nỗi có lần quăng chài xong chú tôi phải buông dầm chạy đến phụ một tay. Những năm tháng ấy, tôi ngán mấy món cá vì ngày nào cũng ăn. 

Tôi là thế hệ thứ 4 trong gia đình gắn bó với sông nước ngoại ô, biết ra đồng, tắm sông vọc sình trước khi cắp sách đến trường. Dòng sông cho tôi cả một trời tuổi thơ, hun đúc sâu sắc tình yêu quê hương.

Mỗi ngày, tôi và lũ trẻ trong xóm xuống xuồng, nhờ người lớn đưa sang bờ bên kia đến lớp. Ngày 2 lượt, đều đặn đến khi trở thành thiếu nữ in bóng áo dài trắng trên làn nước biếc. Nghỉ hè, lũ học trò không cần xem lịch, chỉ nhìn màu sông thu trong vắt, nước xanh in bóng da trời là biết sắp đến tựu trường.

Sau tôi, đến thế hệ thứ 5 trong gia đình, con sông đã khác, không còn trong xanh. Những đứa trẻ sinh ra lớn lên bên bờ chẳng bao giờ chú ý, thậm chí không nhớ đến sự tồn tại của dòng sông. Chợ Đệm không còn là chợ của một bến thương thuyền tấp nập. Mặt tiền cửa chợ hướng ra sông bỗng quay ngược về phía sau, nơi có con đường nhựa mới, đánh dấu chấm hết cho những chuyến tàu đò nườm nượp. Câu chuyện chủ ghe bán món cháo lòng chợ Đệm nức tiếng đã múc nước trên sông nấu cháo trở thành giấc mơ xưa cũ. 

Vẫn còn đó giấc mơ không chỉ của riêng tôi về một Sài Gòn - TPHCM hiện đại lãng mạn. Sự hiện đại lãng mạn ấy không thể thiếu vẻ đẹp mềm mại của những dải lụa nước xanh màu của cây lá mây trời, uốn quanh dưới chân các tòa cao ốc. Sự hiện đại lãng mạn ấy không chỉ gói gọn trong các quận nội thành mà gắn kết, lan tỏa ra những vùng ven đô, kết nối với các tỉnh phía Đông và phía Tây.

Còn nhớ, khởi thủy của con kênh Xáng trước nhà tôi là một dòng chảy nhỏ. Người dân địa phương nhiều thế hệ đã chung tay đào rộng khai thông để dẫn nước về đồng ruộng và chuyên chở lúa, gạo, mía, mì, thơm…

Thập niên 70 thế kỷ trước, kênh được xáng cạp sâu rộng hơn nhiều, nối liền một mạch từ Vàm Cỏ Đông của tỉnh Long An xuyên qua lòng phố, thông suốt đến sông Sài Gòn. Thế hệ trước hẳn đã đặt nền móng cho những con đường thủy rất dài rất đẹp. 

Tôi vẫn ước ao được đi dọc dòng sông xuyên thành phố, lênh đênh lướt qua ngoại thành yên tĩnh, chu du khắp các nẻo sóng nước Tây Nam Bộ khi ngắm trăng lên, lúc lặng nghe bìm bịp gọi con nước lớn, như cuộc đời thương hồ tươi đẹp của nhà ngoại ngày xưa.

Hệ thống đường bộ ngày nay đã phát triển rất nhanh. Tôi không biết trong bối cảnh này, hệ thống giao thông đường thủy có cần nâng cấp mở rộng hay không. Tôi chỉ biết du lịch đường thủy là một điều hết sức thú vị.

Một hình ảnh du lịch đường thủy trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè - Ảnh: P.T.
Đường thủy trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè - Ảnh: P.T.

Du lịch đường thủy, không phải đơn giản là mua vé bước xuống tàu hóng gió và ngắm cảnh sông nước phố phường. Vườn tược, làng nghề, văn hóa sống theo đó hình thành. Mở một tuyến du lịch đường thủy là mở ra con đường cho du khách đắm vào không gian của thiên nhiên, ẩm thực và văn hóa sông nước.

Tưởng tượng, bạn đang lướt ngang một khúc sông trải dài hàng cây số được phủ xanh 2 bên bờ bởi rặng dừa nước bạt ngàn. Đoạn kế tiếp, tre trúc uốn cong in bóng xuống dòng nước. Đoạn nữa, hai hàng dừa trĩu những buồng trái, nghiêng mình che mát con sông, hay vạt rừng tràm xôn xao đàn cò trắng về tổ lúc chiều tắt nắng…

Còn nhiều lắm các loại cây có thể tôn tạo cảnh quang ven bờ sông mà bản thân mỗi loài đều chứa đựng những câu chuyện thú vị của cuộc sống người dân thuở trước: bần, gáo, ô môi, mù u, chiếc (lộc vừng hoa trắng), mãng cầu gai tháp trên gốc bình bát...  

Ngắm thiên nhiên no mắt, du khách có thể lên bờ tìm đến các làng nghề đươn (đan) đệm, chằm lá dừa nước, gói bánh lá dừa, nổ cốm, thổi bánh ống, đan tre trúc, nhà máy xay lúa nhỏ thuộc hộ gia đình, nghề làm lò đất, nghề chẻ lạt dừa…

Những nghề cũ kỹ mộc mạc này một thời nuôi sống cư dân, nay gần như mai một theo thời gian nhưng vẫn còn đó những tay thợ giỏi có thể giúp phục dựng. Bây giờ ven sông có thêm làng mai, vườn kiểng, vườn trái cây, xóm nuôi trồng thủy sản…

Nếu bấy nhiêu vẫn chưa đủ cho một chuyến rong chơi thì bãi tắm trên sông hoặc một hồ nước ngọt khổng lồ đã qua xử lý... Một hành trình kéo dài tận các tỉnh miền Tây, xuyên qua cánh đồng lúa nước yên tĩnh nào đó để có đêm ngủ trên thuyền đều là những hạng mục thư giãn thú vị.

Trải nghiệm xe buýt trên sông Sài Gòn - Ảnh: Quốc Thái
Trải nghiệm xe buýt trên sông Sài Gòn - Ảnh: Quốc Thái

Đợt thành phố bùng phát dịch COVID-19, sự giãn cách và tạm ngưng hoạt động sản xuất ở các khu công nghiệp đã khiến mấy chục cây số đường sông trước nhà tôi đột ngột trở lại màu nước xanh trong. Một cụ già trong xóm phát hiện điều này trong lúc đi tập thể dục. Suốt mùa dịch, ngày nào tôi cũng hân hoan bước ra bờ sông ngắm nghía con nước mới, lòng rộn ràng như gặp lại cố nhân.

Khoảng thời gian tái ngộ hiếm hoi đó khiến tôi nghĩ, chỉ cần quyết tâm và cố gắng thêm nữa, hệ thống sông ngòi kênh rạch của thành phố hoàn toàn có thể xanh sạch hơn, ghi thêm điểm cho giấc mơ lãng mạn của tôi.

Tác giả dự thi: Việt Quỳnh (Bình Chánh,TPHCM)

 

Tác phẩm tham gia cuộc thi viết về Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh, chủ đề “Thành phố của tôi” xin gửi về: tòa soạn Báo Phụ nữ TPHCM, 311 Điện Biên Phủ, phường 4, quận 3, TPHCM, ngoài bì thư ghi rõ “Bài dự thi cuộc thi viết Thành phố của tôi” hoặc gửi qua email: saigon-tphcm@baophunu.org.vn, tiêu đề ghi rõ “Bài dự thi cuộc thi viết Thành phố của tôi”.

Cơ cấu giải thưởng: 

- 1 giải Đặc biệt trị giá 70 triệu đồng.
- 1 giải Nhất trị giá 50 triệu đồng.
- 2 giải Nhì, trị giá 40 triệu đồng/giải.
- 3 giải Ba, trị giá 30 triệu đồng/giải.
- 10 giải Khuyến khích, trị giá 10 triệu đồng/giải.

- 1 giải Bài viết hay nhất về phụ nữ TPHCM trị giá 30 triệu đồng.
- 1 giải Bài viết hay dành cho tác giả là người nước ngoài, kiều bào sinh sống ở nước ngoài, trị giá 30 triệu đồng.
- Giải tháng: 10 triệu đồng/giải.

Ngoài ra, còn có các giải ấn tượng do ban giám khảo bình chọn cho bài viết chân dung phụ nữ, tác giả nữ cao tuổi nhất, tác giả có nhiều bài chất lượng nhất…

Đặc biệt, Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM sẽ xem xét trao giải cho bài viết hay vào mỗi quý.

Xem thông tin chi tiết về cuộc thi tại đây: https://www.phunuonline.com.vn/cong-bo-cuoc-thi-viet-thanh-pho-cua-toi-a1503685.html

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
  • Song Khánh 28-10-2023 21:08:23

    Bài viết dễ thương, xúc cảm và nhiều hình ảnh quá. Tôi rất yêu Sài Gòn, nhưng chưa từng được chạm đến vẻ đẹp của Sài Gòn của những dòng sông và vẻ đẹp của khách thương hồ. Cảm ơn tác giả về một bài viết rất cảm xúc về SG.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI