Thời bao cấp, chị vốn là đồng nghiệp của tôi, một nhà báo. Vậy mà, từ hai bàn tay trắng, chỉ bằng cây bút, cộng với những trải nghiệm đắng cay trong cuộc sống, giờ đây, chị đã có trong tay cả một cơ ngơi: một hãng phim (Senafilm), hàng trăm kịch bản phim (điện ảnh và truyền hình) được công chiếu, một cuộc sống đầy đủ, hạnh phúc cả tinh thần lẫn vật chất.
Châu Thổ (phải) chỉ đạo diễn xuất cho diễn viên Khả Ngân trong phim Trở về 3 được quay ở Thái Lan
Ở mặt bằng sản xuất phim truyền hình hiện nay, Senafilm là hãng sinh sau đẻ muộn nhưng lại có tốc độ “lớn” nhanh nhất, chủ động khép kín được từ A đến Z, từ nguồn kịch bản đến khâu hậu kỳ. Và chị, người nữ giám đốc được coi là có một không hai vì luôn trực tiếp xả thân trên từng cây số với những đứa con tinh thần của mình.
Tôi thích gọi chị là Thủy như ngày chị còn viết báo - Nguyễn Thị Bích Thủy, một “dòng nước biếc” như tên cha mẹ chị đặt, có lẽ để ghi dấu địa danh cửa sông Nhật Lệ (Đồng Hới, Quảng Bình) quê cha, nơi chị sinh ra và để nhắc nhớ cửa sông Tiền (Bình Đại, Bến Tre) quê mẹ, nơi chị thường mơ về suốt tuổi ấu thơ.
Tôi gặp Thủy lần đầu cách đây 32 năm, khi chị lên TP.HCM nhận giải thưởng (giải nhì) Cuộc thi Sáng tác kịch bản của Hội Sân khấu TP trao tặng cho kịch bản Người tự nhận chức, đồng thời xem vở của mình được dàn dựng và biểu diễn ở Nhà hát TP. Vở kịch được đánh giá cao vì nói lên khát vọng của người trẻ, muốn được cống hiến sức lực và khả năng để xây dựng đất nước nhưng bị vấp phải quá nhiều rào cản bởi lý lịch, định kiến.
Cũng như tôi, không ít người đã bất ngờ khi biết tác giả của một vở kịch mang nội dung đấu tranh, dám đụng thẳng vào một thực trạng nhức nhối nhưng không kém phần nhạy cảm trong thời buổi ấy, là cô phóng viên mới ngoài hai mươi của một tờ báo tỉnh lẻ, hơn nữa, lại mới lần đầu mò mẫm viết kịch kiểu “tay ngang”.
Chỉ đạo hình ảnh trên phim trường tại Campuchia
Thủy lúc đó, mái tóc cắt ngắn ôm lấy khuôn mặt tròn ngơ ngác, trông rụt rè và có vẻ hơi khớp, có lẽ do quá bất ngờ trước sự tôn vinh ngoài sức tưởng tượng của cô. Buổi trao giải được tổ chức rất trọng thể, sau đó, lại “trống giong, cờ mở” đưa cô tác giả trẻ về tỉnh nhà ra mắt chính quyền như một sự khẳng định. Ít ai biết, điều tưởng như bình thường đó lại rất có ý nghĩa với Thủy, như cái phao niềm tin để Thủy níu lấy giữa lúc chới với vì đang bị “đánh tơi tả” ở địa phương.
Ba năm trước đó, Thủy đã rất háo hức khi ôm theo tấm bằng loại giỏi khoa báo chí (Trường Tuyên huấn Trung ương Hà Nội) cùng khát vọng được đóng góp cho đất nước, trở về quê ngoại khởi nghiệp; đã tràn đầy cảm giác sung sướng với những chuyến đi thực tế lướt xuồng trên dòng sông Tiền yên ả, ngắm vẻ đẹp thanh bình của hàng cây rợp bóng mát dịu đan dài suốt hai bên bờ - những hình ảnh từng hiện ra trong trí tưởng tượng thời ấu thơ qua lời kể của mẹ.
Nhưng rồi, những hạnh phúc “yên ả” thuở ban đầu ấy với quê ngoại qua nhanh như một giấc mơ, khi những bài viết chống tiêu cực, chỉ ra mặt trái của những công trình lãng phí, những dấu hiệu tham nhũng… của cô phóng viên trẻ xông xáo, đã không được sự đồng tình của cấp trên, luôn bị chỉnh sửa, cắt gọt, thậm chí bị phê bình ngược lại. Cô cảm thấy bí bách. Nhưng thay vì “đầu hàng” bỏ cuộc, hoặc chấp nhận buông xuôi để được an nhàn, Thủy vẫn “cứng đầu”, kiên quyết với lý tưởng đấu tranh chống cái xấu, xây dựng cái tốt cho mảnh đất mà cha mẹ cô cùng biết bao người đã đóng góp cả tuổi xuân, hy sinh cả xương máu mới giành lại được.
Lo ngại có ngày bị “treo” bút, Thủy đã nhanh trí tìm ra cách nói bằng con đường khác - con đường nghệ thuật, mà việc vở kịch Người tự nhận chức được nhìn nhận chính là sự mở đầu, như chút ánh sáng le lói dành cho cây viết trẻ ở cuối đường hầm. Và có lẽ số phận đã phần nào sắp đặt, ngay thời điểm đó, Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh VN ở Hà Nội chiêu sinh lớp biên kịch, Thủy thi đậu và được Hãng phim Giải phóng TP.HCM cử đi học. Nhà nữ biên kịch tương lai rời quê, hăm hở kiếm tìm sự giải thoát cho những khát vọng “được nói” đang ngùn ngụt cháy trong tim.
Thế nhưng, “con đường nghệ thuật” mà Thủy muốn qua ngôn ngữ của nó để gửi gắm những bức xúc về những bất ổn trong cuộc sống, về nỗi đau của thân phận người… mà mình đang cảm nhận từng ngày, tưởng đã đến được rất gần, mà lại hóa xa. Cũng vẫn với tâm trạng háo hức, Thủy đem theo tấm bằng loại giỏi ngành biên kịch về hãng phim lớn, thế nhưng, phải đến 13 năm sau, “tiếng nói” đầu tiên của Thủy mới được cất lên, mà lại cất lên một cách dõng dạc, được tôn vinh không thua gì giải thưởng cho kịch bản sân khấu đầu tay Người tự nhận chức cách đó… 19 năm!
Đó là bộ phim tài liệu nhựa Di chúc những oan hồn (đạo diễn Văn Lê), đoạt Bông sen vàng trong LHP VN năm 2001 tại TP. Vinh (Nghệ An). “Có lẽ lúc đó 'duyên' chưa đến”, sau này nhìn lại, Thủy thường giải thích như vậy để tự an ủi cho sự muộn màng đầy phi lý. Kỳ thực, trong thời gian 13 năm ấy, Thủy đã trải qua những tháng ngày nghiệt ngã nhất của đời mình, trong sự nghiệp cũng như trong tình riêng.
Cùng con trai và diễn viên Việt Trinh trong phim Huyền thoại tím
Bao nhiêu đề cương kịch bản Thủy viết đưa lên đều bị “đổ” vì người ta đang tập trung làm phim về đề tài chiến tranh, mà cô biên kịch trẻ lại cứ đau đáu đi vào số phận của con người trong thời bình. Lại gặp lúc nền điện ảnh bao cấp bị lao đao vì đất nước mới chuyển sang cơ chế thị trường, tình hình sản xuất suy sụp, những người sáng tác như chị không có việc làm, mỗi tháng tạt vào hãng một lần chỉ để… lãnh lương.
Bức bối, Thủy đành mưu sinh bằng cách chuyển sang làm báo thương mại. Đến khi không còn quá lo nghĩ chuyện cơm áo, những “đau đáu” năm xưa lại trỗi dậy, thôi thúc Thủy bỏ hết, quay về với nghề biên kịch. Thủy trở lại hãng phim giữa lúc bao người ở đây đang lục tục kéo nhau ra đi, khiến không ít kẻ trố mắt ngạc nhiên. Mặc kệ, bởi chỉ một mình Thủy biết mình muốn gì, một mình Thủy nhận ra đây hẳn là cơ may. Và, kịch bản Di chúc những oan hồn đã được ra đời trong chính cơ may đó.
Sau khi tác phẩm đầu tay được vinh danh, như đứa trẻ bắt đầu “nói” được, Thủy lao vào viết ào ào như chưa bao giờ được viết. Chị chọn cho mình bút danh Châu Thổ, một cách gửi lòng về vùng châu thổ trù phú quê ngoại, nơi đã sinh ra người mẹ thân yêu - người nữ chiến binh trong “đội quân tóc dài” của cô Ba Định năm xưa.
Ở vào thời điểm khó khăn về tiền đầu tư, vậy mà một mình chị trong bốn năm, đã có ba kịch bản được dàn dựng: Người đàn bà hóa đá (ĐD Đào Bá Sơn), Giá mua một thượng đế (ĐD Hồ Ngọc Xum) và Trăng nơi đáy giếng (ĐD Nguyễn Vinh Sơn). Trong đó, bộ phim Trăng nơi đáy giếng đã giành được nhiều giải thưởng cao trong các kỳ LHP quốc gia và quốc tế, cho phim, cho tác giả kịch bản (Châu Thổ), cho đạo diễn (Nguyễn Vinh Sơn), và cho diễn viên (Hồng Ánh).
Nhưng với Thủy, nỗi niềm riêng được “giải tỏa” nhiều nhất là khi chị viết một mạch ba kịch bản về số phận người phụ nữ mà chị gọi là “trilogie” về “người đàn bà” - những cá thể “chân yếu tay mềm” nhưng bao giờ cũng chịu thiệt thòi nhất trước những biến động của xã hội: Người đàn bà không hóa đá, Người đàn bà không chung thủy và Người đàn bà hư hỏng.
Nhân vật trong Người đàn bà không hóa đá là người phụ nữ sau chiến tranh đã chờ đợi chồng bao năm tháng, đến khi có một tình yêu mới với một anh kỹ sư, sắp chạm vào đám cưới, thì bỗng nghe trên radio có một thương binh bị mất trí nhớ mà qua tả nhân dạng chị đã nhận ra là chồng mình. Dư luận không ai ép nhưng vì lòng tự trọng và tính nhân bản, người phụ nữ ấy đã hủy đám cưới, quay về sống với chồng.
Người đàn bà không chung thủy là người đàn bà phải đối diện với những bề trái của kinh tế thị trường. Chồng làm ăn bị bắt, người vợ phải “bôn ba” tìm cách đút lót để cứu chồng. Còn Người đàn bà hư hỏng là người có một ông chồng thành đạt, vì cuốn vào chuyện đấu đá giành quyền thế mà bị stress dẫn đến bất lực, xem việc hành hạ vợ trong phòng ngủ như một cách trả thù đời.
Người đàn bà “chữa trị” nỗi đau bằng cách có người tình, khiến dư luận lên án, chê bai và lôi đi một cách lạnh lùng. Người đàn bà ấy đã muốn sống cuộc sống bình thường nhưng không được. Trong chùm “bộ ba” này, chỉ có Người đàn bà không hóa đá đã được dựng thành phim năm 2001, hai “người đàn bà” còn lại vẫn còn nằm trên giấy gần một thập kỷ qua vì, theo lời nhận xét của những vị duyệt kịch bản là “dữ dội” quá, các cơ quan chức năng chưa thấy nơi nào dám cho làm.
Thủy không phải là người phụ nữ có vẻ đẹp bắt mắt nhưng chị luôn “quyến rũ” người đối diện bằng lối nói chuyện duyên dáng, thái độ nồng nhiệt và cái đầu thông minh. Không ít đàn ông đã bị chị chinh phục, song họ cũng thường nhẹ nhàng mà thẳng thắn: “rằng yêu thì thật là yêu” nhưng không dám lấy làm vợ vì tính cách chị quá mạnh, sợ không “trị” nổi.
Nhìn lại những gì đã qua trong đời, Thủy cũng tự thấy mình quả là người đàn bà... “kỳ cục”. Những người đàn ông hiền lành, tử tế, độc thân thì không thương, cứ đâm đầu đi yêu những kẻ đào hoa, đã có gia đình và không... thật lòng. Vết hằn đầu tiên là “tai nạn” ở mối tình sâu đậm thuở đôi mươi. Ngày ấy, cô phóng viên trẻ xông xáo đi thực tế, đến viết bài cho một đơn vị bộ đội tình nguyện ở nước bạn và bị cú sét ái tình với anh trưởng ban cơ yếu của tỉnh đội.
Trong những ngày công tác ngắn ngủi, anh là “trợ lý” đặc biệt của cô, một chiến sĩ “oai hùng” song lại lịch lãm và chân tình. Tình yêu đầu đời ập đến như cơn bão, cô thấy như chung quanh mình, mọi thứ đều nở hoa. Và đúng như người ta thường nói, “tình yêu và say rượu” là hai thứ không thể giấu được, cô đem ngọn lửa tình đang hừng hực cháy về “làm nóng” cả cơ quan nơi mình công tác.
Vài ngày sau, không hiểu sao thấy người ta cứ xì xào, cô dọ hỏi, té ra là họ nói mình yêu người có vợ. Thủy không tin, vì bằng trực cảm, cô biết anh ta không phải là kẻ xấu, bèn tự mình đi tìm hiểu. Cô lục trong trí nhớ, có lần anh nói với cô, mẹ anh đang làm cán bộ Hội Phụ nữ ở một xã trong huyện, vậy là cô quyết định rủ theo người bạn, tìm đến tận nhà người cán bộ phụ nữ ấy, giả vờ là phóng viên đi thực tế để âm thầm tìm hiểu. Hóa ra, anh ta đã có vợ và hai con thật.
Nhìn thấy dáng vẻ người vợ hiền lành tảo tần và hai đứa trẻ thơ ngây, nghịch đất lấm láp, rất lạ, trong lòng Thủy lại dấy lên một niềm thương cảm thay cho cảm giác ghen tuông. Lòng đau như xé, nhưng Thủy biết mình cần phải làm gì. Và mặc dù đã tự buông bỏ, không bao giờ gặp lại “người ấy” lần nào nữa, song Thủy vẫn bị cơ quan cho “lên bờ xuống ruộng” vì cái tội “quan hệ bất chính”. Sau này ngẫm lại, chị thấy anh ta không có lỗi, mọi sự là do mình, do mình “choáng” nên cứ ào ào cuốn người ta đi, chẳng để cho người đàn ông ấy kịp thổ lộ điều gì.
Phải mất một thời gian khá lâu sau, “vết thương lòng” đó mới chịu lành. Nhưng rồi, số phận lại đẩy người phụ nữ cô đơn rơi vào một lưới tình “bùng nhùng” khác. Chị gặp người đàn ông đó trên một chuyến xe mà chị thì về quê ngoại, còn anh ta thì về quê… vợ. Ngay buổi sơ giao, người đàn ông không giấu chuyện gia đình. Đã một lần gặp “sự cố”, chị tự nhủ phải tránh xa người có vợ, song trái tim người đàn bà trong chị không phải sắt đá. Thủy vẫn thường chế giễu mình là đứa “háo sắc”, mà anh ta không những đẹp trai, sành chuyện văn chương, lại đàn giỏi hát hay nên con tim chị chỉ… có nước “từ chết tới bị thương”, như về sau Thủy thú nhận.
Lần này thì không phải một mình, mà cả hai cùng cuốn nhau đi, cho dù đâu đó trong lòng chị, vẫn luôn ray rứt, mặc cảm về chuyện phải đóng vai “người thứ ba”. Hạnh phúc, với chị, vốn đã “tù mù” như ngọn đèn dầu, lại chẳng “tày gang”. Khi đứa con trai của hai người chưa kịp thôi nôi, người đàn ông bỗng bị bắt vì chuyện làm ăn. Lúc này, hai người phụ nữ của người đàn ông ấy mới lần đầu gặp mặt nhau. Người vợ chính thức đến nhờ “tình địch” giúp chạy gỡ tội cho chồng.
Lúc đó, Thủy nhận ra, người vợ của anh ta là một phụ nữ nhân hậu, biết chuyện chồng lập “phòng nhì” đã lâu, tuy rất giận nhưng không có hành động ghen tuông gì. Và giờ đây, khi người chồng gặp hoạn nạn, họ đã xích lại gần, cùng chung tay cứu. Nhưng khi bỏ đứa con mới 10 tháng tuổi ở nhà cho ngoại để lao vào “chiến dịch” gỡ tội cho cha của nó, Thủy gần như chết lặng bởi phát hiện ra người đàn ông mà chị đem lòng yêu và ngỡ rằng mình là người phụ nữ “sau cùng”, đã kịp có thêm một đứa con với người đàn bà khác nữa trước khi vào nhà giam.
Chị bị tổn thương, muốn ngay lập tức giũ bỏ tất cả, song nghĩ tới đứa con, nghĩ tới cái “tình” với người vợ chính thức, chị lại tiếp tục chạy “như điên”, lao vào tất cả các cửa có thể gõ được để cứu người đàn ông. Không thể kể hết những gian nan, tiền của, nhất là những nhục nhã mà lần đầu tiên chị phải trải qua trong suốt cuộc “hành trình” đi cửa sau, để chạm tới được cái đích cuối cùng - người đàn ông ấy thoát án tử hình. Mặc dù trắng tay, tài sản không còn gì, thậm chí có lúc phải lội bộ đưa đón con đi học, song chị vẫn đảm nhận việc thăm nuôi.
Chỉ đến khi gặp người phụ nữ thứ ba dắt đứa con chưa một lần gặp cha đến trại giam, chị nhường lần thăm nuôi ấy cho hai mẹ con, rồi bỗng thấy trong lòng nhẹ nhõm hẳn, cảm giác như từng “tảng đá” bao lâu nay đè nặng trong người đang rơi dần, rơi dần theo những bậc cấp lúc chị thả chân ra về. Thủy không lần nào gặp lại người đàn ông từ đó, mặc dù nay ông đã mãn hạn tù, trở lại với cuộc sống đời thường.
Suốt hơn hai mươi năm qua, chị một mình nuôi con. Con trai chị đã tốt nghiệp ngành kỹ thuật điện ảnh sau bốn năm học ở Canada và hiện đang phụ trách toàn bộ khâu hậu kỳ cho hãng phim Senafilm của mẹ. Cậu luôn tự hào về mẹ mình. Và chị, với một trái tim trung thực, quả cảm, với một tay nghề bài bản cùng những nỗ lực lao động miệt mài, đã được số phận đền bù một cách công bằng.
Chính những khổ đau từng nếm trải, giờ đây đã trở thành vị ngọt của vốn sống để chị đem “tán” dần vào các tác phẩm. Dẫu biết, cuộc đời mình cho đến nay vẫn chưa hề có được một gia đình đúng nghĩa, nhưng với Thủy, cảm giác “hạnh phúc ngất ngây” với cuộc sống hiện nay, bên con trai trưởng thành và trong tay một sự nghiệp mà không phải “người đàn bà viết” nào cũng có được, đang là một điều rất thật.
CÁT VŨ