Châu thổ Cửu Long - Rùng mình sông lở

29/05/2017 - 13:47

PNO - Tử thần đang ở sau lưng. Sông tuyên chiến với đất, chính là với người, nhưng người vừa coi thường vừa bất lực. Sông không thèm đánh úp, nó như gặm nhắm nỗi sợ hãi của người làm vui...

Bài 1: Những cuộc chiến kinh hoàng

LTS: Những ngày này về vùng châu thổ mà hát “bên lở bên bồi”, nghe chua xót lắm, bởi chỉ thấy nỗi rùng mình sông lở. Mất đất, nhà, sinh kế quẩn quanh, những cái nhìn cầu cứu. Khẩn trương lập kế hoạch để đối phó với nạn lở sông, câu nói ấy chậm mất rồi. Câu chuyện thời sự lở đất trôi nhà ở đồng bằng sông Cửu Long, chưa hề hết nóng rẫy, bởi ngoài kia, từng mét đất vẫn đang trôi theo dòng nước bạc, cuốn gói trong đó nỗi tiếc nuối, bất lực của người…

Có câu hát, rằng sông lở để người sợ. Nhưng đến khi biết sợ, thì lở hết rồi...

***

Người đàn ông lớn tuổi nằm trên võng, nói không hề cười “ở đây, có đứa ngủ mà mặc áo phao”. Người ngồi ghế đá bật lại: “Nó sụp, chụp lên mình, áo gì cũng chết”. Người trong quán cà phê chộn rộn hẳn lên. Chủ quán mặt nghiêm nghị: “Tôi nói thiệt nghen, mấy ông nhà nước muốn kiểm tra sạt lở, thì phải cử người nhái đến chứ đứng trên bờ ngó xuống là không xong đâu. Ông Tám Ngang năm ngoái lặn xuống coi nước sau nhà, nói ở đó có vực xoáy cứ ăn vào, một tuần sau ổng bốc nhà đi liền, hai tháng sau là đất nền nhà nằm dưới sông”. “Vậy quán cà phê của anh giờ cách mí sông bao nhiêu?”. “Nó gần vô tới bếp nhà tôi rồi. Ở đây chưa ăn thua, anh lên chỗ hợp tác xã, sát vách rồi đó”.

Chau tho Cuu Long - Rung minh song lo
Những ngôi nhà chỉ còn nền lở lói ở Mỹ Hội Đông (Chợ Mới, An Giang).

Quốc lộ 30 ngang qua ấp Bình Hòa, xã Bình Thành, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp, ầm ầm xe cộ đêm ngày, nhà cửa lớp trong ngoài san sát, giờ có thêm mấy tấm bảng cảnh báo khu vực sạt lở từ 0-25m trong phạm vi 600m, sau khi tỉnh ban bố tình trạng khẩn cấp. Có một bảng cắm trước nhà chị Lê Thị Thúy Hằng. Căn nhà tôn chừng 5m2 hầm hập nóng. “Sao nhà  nhỏ xíu, con nhỏ nữa, mẹ con em cựa quậy nổi?”. Bồng đứa trẻ còn đỏ hỏn, chị rầu rầu: “Nhà em ra sông rồi. Tháng trước em đang đi  bẻ xoài ở An Giang thì má em điện thoại biểu về nhanh, nhà đang sụp xuống sông, về tới thì nó trôi sạch. May nó sụp ban ngày, chứ ban đêm chắc giờ em giỗ cũng được một tháng rồi”. Chị nói, nhìn nền nhà đất còn ướt, giọng như cố tin mình còn may mắn. 

“Nó tiến từ từ đó anh”. Đứng trong hàng rào lưới B40 ngó ra, chị Ngọc là chị ruột của chị Hằng khua hai tay như đầu hàng: “Hôm qua nó lấy đi của em một cây mít. Em mua bán vịt, tuần trước còn sân để giữ vịt, chứ hai đêm qua em phải lùa vịt ra chợ ở chứ sông lấy mất cái sân rồi”. Từ mép sông đến cửa sau nhà chị Ngọc giờ chỉ còn đúng 1 mét. Vẻ mặt chị vẫn còn hãi hùng sau trận sạt lở đêm qua, nhưng giọng thì ráo hoảnh, tuồng như cuộc chiến sông-người đã có kết quả, mà đòn chí tử đánh trúng tử huyệt dành cho người, ngoi ngóp, cựa quậy, ngửa mặt chờ một phép màu cải tử hoàn sinh, nhưng thuốc tiên đâu đó không trong tầm với, cũng chẳng ai đủ thần thông để lấy được. Sông như đang cơn đói vĩ đại, bùng phát đỉnh điểm suốt một tháng qua, và nó đang tiếp tục muốn "ăn" nữa. Chỉ còn lại mặt người thất thần, nhìn nhau trong ngơ ngác, nỗi sợ hãi dựng cả tóc lên . 

“Thà không coi mạng đưa sụp nhà ở An Giang thì thôi, giờ thấy nó kéo cái “hì”, thành bọt hết, quá sợ, không biết chừng nào đến lượt mình”. Đó là lời bà Nguyễn Thị Thẩm. Cách đây một tháng, cây xoài cuối cùng trong vườn xoài một công đất của nhà đã ra đi không chào chủ một tiếng trong vòng xoáy tàn nhẫn của nước bạc. “Cô trắng tay rồi, rầu muốn chết, đất từ ông bà để lại, mất hết rồi con”. Bà đứng cạnh bụi chuối, cách 1m là miệng vực, tay níu thân chuối mà như muốn lao theo giữ lại hòn đất đã sinh thành và nuôi nấng bao đời. Nó lở, như ung thư di căn vô phương cứu chữa. Tôi đứng bên miệng sông, nghe lời tha thiết không kém đau đớn của người đàn bà phương Nam đang nhìn ra sông Tiền, thấy như gia bảo đã, đang và tiếp tục tuột khỏi những ân tình cố giữ, “nghe xót xa như rụng bàn tay”. 

***

Hôm qua ở An Giang, đứng chỗ chợ Mỹ Hội Đông nơi có 14 căn nhà trong phút chốc bị chôn vùi đâu đó chốn thủy cung, ông Tô Văn Ngạc kéo tay chỉ lên phía ngã ba con sông Vàm Nao, giao nhau sông Hậu-sông Tiền, nói ngày xưa không có dữ thế này đâu, mấy năm trở lại đây thôi, mà sông sâu lắm chú, tôi hơn 60 tuổi, giờ mới hiểu, sông sâu biết đâu mà dò…Câu ai thán bất lực rót bên tai tôi. Người xưa dạy sông có khúc sâu khúc cạn, chỉ lòng người là khó dò bởi hung hiểm quanh co, sao lần này tôi nghĩ khác, dò được lòng người chứ, sông lở, ăn vào đất hương hỏa, tạt nước vào giấc mơ, cướp chỗ nằm chén cơm, chém ngang cơn vẫy vùng cố níu của người, bởi đó là cơn thịnh nộ không kiềm chế  nữa, khi quá sức chịu đựng của sông rồi.

Ngăn sông làm thủy điện, hút cát, tàn phá môi trường làm biến đổi dòng chảy… người tạo ra chứ ai, mà tên gọi của nó là lòng tham sâu hơn cả đáy sông, sự ngu xuẩn dài hơn  khúc chín rồng cộng dồn lại. Cái giá trả quá đắt và giờ G đã đến, chẳng phải chờ đến đời con cháu. Ba mươi năm trước, một trận lở kinh hoàng khiến người chết đã xảy ra ở vùng An Thạnh Trung cũng thuộc Chợ Mới, nằm bên kia sông ngó qua Mỹ Hội Đông. 

Chạy đi đâu bây giờ? Ở ấp Bình Hòa này bây giờ người ta vẫn nhớ chuyện ông Trần Văn Thum thoát chết cách đây 11 năm. Ông Thum kể: Bữa đó, ba cha con đang chặt bạc hà, thì cái ầm, đất dưới chân ông sụt xuống, thằng con trai níu tay cha, nhưng bất lực đứng nhìn cha lập tức biến mất giữa sông và ngọn bạc hà cao vời vợi đang xoay xoay như đèn cù rồi chìm nghỉm giữa con nước. “Mà bữa đó không phải nước lớn nghe, lại không sóng chú à, tôi chạy ghe mấy chục năm, lạ gì đâu”. Ngơ ngác  chừng đó năm vì sao mình thoát chết vẫn là câu hỏi treo lơ lửng trong cuộc đời ông.

Bà vợ góp chuyện: “Cô chạy ra hỏi mấy đứa con ba mày đâu, tụi nó ú ớ chỉ xuống sông “ở dưới”. Bà con kéo đến, thôi rồi, có người lắc đầu bỏ đi, đâu chừng lâu lắm, bà Tám Ngọt hàng xóm nói “Ơi, ông Thum trồi lên kìa”. Ông Thum vẫn đều giọng “Không biết cái gì đẩy tôi lên, tới mặt nước, là tôi nằm trên một cây chuối, cả đám chuối trôi mà sao cây này nó đứng, tay tôi vẫn còn cầm cây rựa mà, máu tuôn từ lỗ tai đỏ mặt nước”.

Ba ngày sau đó, ông qui y tại gia, ăn chay trường đến giờ. Vẫn ông nói rằng, năm 2011 sông lở dữ dằn, rất nhanh, nhà ông lúc đó chỉ trong một tuần, nó ăn mất 20m đất, nhưng rồi lại ngưng, hiền như thuở đã hiền, sao bây giờ, cả tháng qua, lại trở chứng, xẩm xả không ngừng. Nhà ông cách sông 31m, cũng mong manh. “Mấy năm qua, ghe hút cát như hạm đội, chắc lở do vậy, giọt nước đạp thẳng qua đây, giờ thì chịu rồi”. Ông già lắc đầu, nghe như một thớ đất đang trôi…

Cả ấp báo động, và nói như anh Trần Cường sát nhà chị Lê Thị Thúy Hằng, là ban đêm ngủ không dám khóa cửa, đề phòng nó sụp là tung chạy. Nỗi lo sợ như vòng tròn trôn ốc trong ý nghĩ bao người khi gặp nhau, là đêm qua nhà ông có sao không, rồi làm sao đây? Cứ thế, xoay quanh, không lối ra. Người thì còn cách 10m, kẻ vài ba mét, nhiều nhất cũng chỉ là 30m.

Tử thần đang ở sau lưng. Sông tuyên chiến với đất, chính là với người, nhưng người vừa coi thường vừa bất lực. Sông không thèm đánh úp, nó như gặm nhắm nỗi sợ hãi của người làm vui, để kẻ thất tín kia phải trả giá trong cay đắng. Ơi châu thổ ngút ngàn phù sa sông nước, đất nuôi người người tạ đất lòng thành. Câu hát mơ hồ tôi nghe đâu đó đã lâu, giờ như ký ức vàng son, như lòng tốt chỉ có ở lớp người đã mất. Bạn tôi nói, sông lở để người sợ. Đến giờ, có sợ cũng vô ích, bởi đất có còn nữa đâu. 

***

Bao biến thiên đã làm hàng triệu nông dân miền châu thổ mất đất, kẻ tha hương ly tán, người ở lại sống gửi, làm thuê, cố gắng bám trụ để giữ đất mưu sinh. Căn nhà của họ, trong cơn quẫy đạp của sông hồ, trở thành nơi bám víu sau cùng để giữ phận mình không thành kẻ vong gia thất thổ, là chỗ trú ngụ cho áo cơm và bao linh hồn với khao khát một ngày nào đó sẽ yên ấm tấm thân.

Giờ nước sông, nước biển đã thay chỗ nằm của họ và như thế, sau hạn mặn, không có mùa nước lũ, hạt lúa củ khoai con cá ngày càng cạn kiệt, thì một lần nữa, họ phải gồng lên với bao câu hỏi: rời sông, rời lộ, họ sẽ sống bằng gì, khi bao năm qua họ đã cập sông để giăng câu lưới, cập lộ mua bán qua ngày? 

Trung Việt
(Còn tiếp)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI