Với nhiều khán giả, một trong những sức hút đặc biệt của nghệ thuật biểu diễn chính là sự kết hợp ăn ý của những người bạn diễn. Trên sân khấu cải lương, sức hút này thể hiện rõ nhất với những liên danh mà thời gian trôi qua bao lâu vẫn còn được nhắc nhở, như: Hùng Cường - Bạch Tuyết, Thành Được - Út Bạch Lan, Thanh Nga - Thanh Sang, Minh Phụng - Mỹ Châu, Minh Vương - Lệ Thủy… và sau này có Vũ Linh - Tài Linh, Kim Tử Long - Ngọc Huyền, Linh Tâm - Cẩm Thu… Nhiều khán giả chỉ bỏ tiền mua vé khi cặp đào - kép ưng ý của mình có mặt. Các đoàn hát thường cạnh tranh nhau bằng tên tuổi của cặp đào kép. Ngược lại, người nghệ sĩ muốn vươn tới đỉnh cao phải tìm được bạn diễn ăn ý. Mà sự “ăn ý” này cũng rất vô chừng, khó lý giải, chỉ biết khi “bắt cặp” trúng người sẽ tạo được làn sóng hâm mộ cuồng nhiệt mà dù nghệ sĩ kết hợp với một bạn diễn khác tài năng không kém cũng khó tạo được hiệu ứng bùng nổ như liên danh đã định trong lòng công chúng. Mời bạn đọc cùng PNO điểm lại những cặp “tình nhân sân khấu” của sân khấu cải lương qua nhiều thời kỳ. Bài 1: Hùng Cường - Bạch Tuyết: Cặp “sóng thần” kỳ lạ!
Bài 2: NSƯT Thanh Nga - NSƯT Thanh Sang: Mối duyên có hạn Bài 3: Minh Phụng - Lệ Thủy “Cặp bão biển” của sân khấu cải lương Bài 4: Minh Vương - Lệ Thuỷ: Trời sinh một cặp |
Thập niên 1980, giới cải lương chứng kiến sự trỗi dậy của bộ đôi nghệ sĩ (NS) Châu Thanh - NSƯT Phượng Hằng. Giữa những cặp đào kép thường được ưa chuộng bởi sự mùi mẫn, tình cảm trong từng câu ca thì họ lại có hướng đi khác biệt. Ắt hẳn khi nhắc đến hai nghệ sĩ này, khán giả mộ điệu cải lương vẫn không thể quên những câu ca hơi dài trong nhiều tuồng cải lương nổi tiếng thời bấy giờ như: Sóng gió cuộc đời, Vụ án Mã Ngưu, Lệnh truy nã… Thế giới riêng ấy được họ xây dựng nên từ những ngày tháng khổ nhọc rèn luyện, rồi gặp nhau như một cơ duyên trời định, trở thành đôi đào kép mang màu sắc hết sức độc đáo, không thể hòa lẫn.
|
NS Châu Thanh và NSƯT Phượng Hằng là cặp đào kép được yêu thích những năm cuối thập niên 1980 |
Con đường đến với vọng cổ hơi dài của nghệ sĩ Châu Thanh có vẻ thuận lợi hơn. Ngày còn ở quê nhà Tây Ninh, được nghe nghệ sĩ Văn Châu, Linh Vương hát hơi dài, ông thèm được như thế. Cuộc hành trình đến với Sài Gòn đã làm thay đổi cuộc đời anh thanh niên mê hát, trở thành nghệ sĩ khi gia nhập đoàn Sài Gòn 2. Tại đây, ông gặp nghệ sĩ Văn Châu, càng thôi thúc phải bám đuổi được đàn anh vì sự đam mê cuồng nhiệt khó thể diễn tả được.
Ngày ngày, ông tự chép các câu vọng cổ rồi mò mẫm hát theo, từ 50, 60 cho đến đỉnh điểm 360 chữ cho một lần lên hơi vọng cổ. Cứ như thế, chuyện ca hơi dài đã trở thành một phần máu thịt của ông, tự khi nào không rõ. Tiếng lành ngày càng đồn xa. Nghệ sĩ Châu Thanh được các danh cầm để mắt. Cứ mỗi lần gặp mặt, ông lại được trổ tài với tiền bối, cũng vừa là cơ hội để được rèn luyện thêm. Ông bảo hát phải trừ hao, nghĩa rằng tập 300 chữ, nhưng khi hát thật trừ lại một nửa là vừa, tránh trường hợp hụt hơi.
Cô đào Phượng Hằng lại trót mê tiếng hát của NS Minh Cảnh, NSƯT Thanh Kim Huệ từ những ngày còn thơ ấu. 8 tuổi, khi nhiều đào con vẫn còn chập chững ca hát cơ bản thì chị đã thử sức với hơi dài. Nhưng chị vấp ngã ngay lần đầu tiên. Còn hai chữ nữa hết câu, lại bị đứt hơi, khán giả cười rần rần. Cô bé ngày ấy mắc cỡ lắm, chui rúc vào trong mền, không dám ra ăn sáng vì sợ mọi người cười chê. Nhưng nhờ sự động viên của cha mẹ, vấp ở đâu đứng lên ở đó, chị tiếp tục theo đuổi con đường khó đi này. Lần thứ hai, chị thành công, được khán giả vỗ tay nồng nhiệt. Đó cũng là bước đà để NS Phượng Hằng bước tiếp.
|
Hai NS từng kết hợp với những đào, kép khác nhưng bộ đôi Châu Thanh - Phượng Hằng vẫn được yêu thích nhất |
Long đong theo các đoàn hát ở tỉnh nhiều năm, chị chọn Sài Gòn làm nơi cập bến. Có muôn vàn nỗi sợ hiện hữu trong lòng cô đào trẻ: khán giả có đón nhận không? làm sao để sánh bước được với đàn anh, đàn chị?... Mối duyên gặp gỡ NS Châu Thanh tại đoàn cải lương Trung Hiếu đã giúp sự nghiệp chị bước sang trang mới huy hoàng.
Họ được ghép đôi trong vở Sóng gió cuộc đời. Họ cùng sở hữu hơi dài, ca lại luyến láy, tình cảm. Nếu như nhiều cặp đào kép sỡ hữu chất giọng bổ trợ cho nhau thì Châu Thanh - Phượng Hằng lại là hai mảng màu tương đồng. Những làn hơi dài, cao vút kèm sự luyến láy tình cảm trong từng câu chữ giúp họ nhanh chóng được đón nhận. Cứ hễ vừa kết câu vọng cổ, khán giả lại vỗ tay rần rần.
Châu Thanh - Phượng Hằng trở thành cái tên bán vé rất chạy vào thời điểm đó, đi đâu cũng được nhắc đến. Khán giả thường hay chuyền tai nhau: có mỗi Phượng Hằng chưa đủ, còn Châu Thanh đứng riêng cũng chưa đã, mà họ phải sóng đôi cùng nhau mới là bộ đôi đẹp nhất trên sân khấu.
Riêng nghệ sĩ Châu Thanh liên tục có mặt trong bảng bình chọn những giọng ca được yêu thích nhất thời bấy giờ. Nhớ lại, nghệ sĩ Phượng Hằng tâm sự: “Đời nghệ sĩ được khán giả đón nhận là niềm hạnh phúc lớn. Tìm được người bạn diễn ăn ý không phải ai cũng may mắn có được. Anh em chúng tôi gặp nhau vì chữ duyên, đúng lúc, đúng người để cùng tỏa sáng. Những ngày tháng huy hoàng ấy, có lẽ chúng tôi không bao giờ quên được”.
Đến khi Vụ án Mã Ngưu ra đời, cái tên Châu Thanh - Phượng Hằng càng nổi đình nổi đám. Từ Sài Gòn đến các tỉnh, rồi đi cả Hà Nội, họ không nhớ đã diễn đi diễn lại bao nhiêu lần, nhưng lần nào khán giả cũng đón nhận nồng nhiệt. NSND Đoàn Bá từng bảo vở diễn này như giúp NS Phượng Hằng, NS Châu Thanh “trúng số”.
Nhưng càng đi, càng trải, cả hai hiểu rằng việc hát hơi dài không phải lúc nào cũng tốt. Chẳng hạn trong những hoàn cảnh bi thương, cần độ lắng đọng, họ phải quay về với việc hát hơi ngắn, đào sâu cảm xúc bên trong, thay cho kỹ thuật hơi dài đã làm nên thương hiệu. Các băng vọng cổ với sự kết hợp của Châu Thanh, Phượng Hằng bán chạy liên tục trên thị trường: Cô gái xứ dừa, Tình anh, Ngày đó xa nhau, Mấy nhịp cầu tre… Chiến công thầm lặng, Lệnh truy nã… đến nay vẫn được nhắc nhớ về dấu ấn của Châu Thanh - Phượng Hằng một thuở vàng son.
*Trích đoạn Vụ án Mã Ngưu:
|
Những băng vọng cổ của NS Châu Thanh, NS Phượng Hằng từng bán rất chạy trên thị trường |
Nhiều cặp đào kép thường nương nhau để cùng tỏa sáng, nhưng ở NS Châu Thanh và NS Phượng Hằng lại khác. Họ ví sự kết hợp của mình như cầu thủ tham gia một trận bóng, luôn trong tâm thế thi đua, rượt đuổi nhau. Người nào cũng có chiêu riêng để chinh phục khán giả. Khi thấy bạn diễn có chiêu hay hơn, người còn lại phải tiếp tục suy nghĩ để tìm điều đặc biệt hơn nữa. Có khi chiêu thức được giữ kín đến gần cuối mới được bung ra.
Nhưng đó không phải là sự tị nạnh, ghen ghét mà chính là động lực để đôi bên cùng cố gắng, cân xứng để đứng cùng nhau. Đời nghệ sĩ, chẳng ai không muốn được nghe những tràng pháo tay của khán giả. Họ cũng vậy mà thôi. Có những tuồng, tác giả chỉ viết câu vọng cổ hơi ngắn, cả hai lại đề xuất viết lại, thay đổi để thành những câu hơi dài. May mắn, cả hai không chỉ hợp nhau về phong cách ca, diễn mà còn có tiếng nói chung trong tư duy nghệ thuật.
Nhớ lại, NS Phượng Hằng nói để tạo thành hình ảnh cặp đôi thành danh trên sân khấu, chị và NS Châu Thanh luôn mang ơn những người đứng sau. Bởi lẽ con đường đi khác biệt này nếu không được tiếp sức, không được sự hỗ trợ của đạo diễn, tác giả, thầy đờn cũng khó nên chuyện.
Thời gian hai nghệ sĩ gắn bó với nhau tương đối ngắn, chỉ 4 năm, khá ít so với nhiều cặp đào kép khác. Nhưng dấu ấn họ để lại không hề nhỏ. Bấy nhiêu thành tựu ấy cũng đã đủ cho một kiếp cầm ca. Để rồi mai đây, cải lương có bước đi con đường nào thì khi nhắc đến hơi dài, hai cái tên Phượng Hằng và Châu Thanh vẫn là một miền ký ức rất đậm đà.
Trung Sơn