Châu Phi vẫn chưa nhận được vắc-xin đậu mùa khỉ theo kế hoạch

02/09/2024 - 14:15

PNO - Cho đến thời điểm hiện tại, vẫn chưa có quốc gia châu Phi nào đang bị ảnh hưởng bởi sự bùng phát của biến thể đậu mùa khỉ (mpox) nhận được vắc-xin như kế hoạch công bố trước đó.

Hiện các quốc gia châu Phi đang bùng dịch đậu mùa khỉ vẫn chưa nhận được vắc xin như kế hoạch của WHO - Ảnh: Guerchom Ndebo/AFP/Getty Images
Hiện các quốc gia châu Phi đang bùng dịch đậu mùa khỉ vẫn chưa nhận được vắc xin như kế hoạch của WHO - Ảnh: Guerchom Ndebo/AFP/Getty Images

Cộng hòa Dân chủ Congo (DRC) đang là trung tâm bùng phát của biến thể 1b mới với 18.000 trường hợp nghi nhiễm và 629 ca tử vong, theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Biến thể nguy hiểm này cũng đã được phát hiện ở Burundi, Uganda, Rwanda, Kenya, Thụy Điển và Thái Lan.

Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết hôm 30/8 rằng, lô vắc xin đầu tiên do Mỹ tài trợ sẽ đến Congo “trong vài ngày tới”, thế nhưng kế hoạch này đã không thành hiện thực đúng như dự kiến.

Bên cạnh đó, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh châu Phi (CDC châu Phi) mới đây cũng cho biết, số tiền 245 triệu USD mà họ yêu cầu để đối phó với dịch bệnh “đến nay chỉ được giải ngân 10%”.

Mặc dù dịch bệnh đậu mùa khỉ lây qua người được xác định lần đầu tiên ở Congo vào năm 1970, thế nhưng các quốc gia châu Phi vốn dễ bị bùng phát dịch vẫn phải phụ thuộc hoàn toàn vào sự đóng góp vắc-xin từ các quốc gia giàu có.

Điều này có nghĩa, nhiều thập kỷ kể từ khi mpox được xác định lần đầu tiên cách đây 54 năm, châu lục này vẫn không có đủ vắc-xin để có thể sẵn sàng ứng phó một cách kịp thời trước khi dịch bệnh bùng phát.

Châu Phi vẫn đang phải hoàn toàn phụ thuộc vào nguồn cung cấp vắc xin từ các quốc gia giàu có - Ảnh: Shutterstock
Châu Phi vẫn đang phải hoàn toàn phụ thuộc vào nguồn cung cấp vắc-xin từ các quốc gia giàu có - Ảnh: Shutterstock

“Những nhà sản xuất vắc-xin không đặt trụ sở tại châu Phi mà chỉ tập trung ở khu vực Bắc bán cầu nơi có các quốc gia giàu có. Vì vậy, khi dịch bệnh bùng phát, châu Phi luôn bị xếp cuối danh sách tiếp nhận vắc-xin” - tiến sĩ Dimie Ogoina, giảng dạy Đại học Niger Delta (Nigeria), nói.

Nguyễn Thuận (theo The Guardian, Philanthropy News)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI