Châu Phi khốn khó trước nguy cơ đói trầm trọng vì dịch COVID-19

20/04/2020 - 13:09

PNO - Vụ giẫm đạp ở khu ổ chuột Nairobi (Kenya) hôm 10/4 khiến nhiều người bị thương khi tranh giành thực phẩm do các nhà hảo tâm cứu trợ, đã hé lộ mối nguy thực sự châu lục này phải đối diện khi đương đầu với sự lây lan của virus gây bệnh dịch COVID-19.

Nhiều người dân khu ổ chuột Kibera ở Kenya bị thương vì trúng hơi cay khi tranh cướp thực phẩm do các nhà hảo tâm cứu trợ - Ảnh: AP
Nhiều người dân khu ổ chuột Kibera ở Kenya bị thương vì trúng hơi cay khi tranh cướp thực phẩm do các nhà hảo tâm cứu trợ - Ảnh: AP

Báo Bưu Điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) cho biết, khi cư dân khu ổ chuột Kibera ở phía tây nam Nairobi (Kenya) chen nhau đi qua một cánh cổng để nhận thực phẩm cứu trợ họ đã bị cảnh sát phun hơi cay để giữ trật tự. Nhiều dân nghèo thành thị vốn lo ăn từng bữa nay bị đại dịch COVID-19 đẩy vào cảnh bần cùng.

Những gì đã xảy ra ở Kibera, khu ổ chuột lớn nhất châu Phi, phản ánh tình hình chung ở nhiều nước châu Phi, khi mà lệnh phong tỏa, đóng cửa biên giới, giới nghiêm và cấm tụ tập đông người đã được ban bố.

Cho đến nay, virus SARS-CoV-2 đã lây nhiễm hơn 19.000 người và giết chết hơn 900 người trên lục địa Đen. Các quốc gia Bắc Phi bị ảnh hưởng nặng nề nhất, trong đó Algeria có số tử vong cao nhất (375 người), tiếp theo là Ai Cập (239), Morocco (141) và Tunisia (38).

Hơn 44 quốc gia châu Phi đã thực hiện một số hình thức giãn cách xã hội, phong tỏa một phần hay hoàn toàn, ban bố lệnh giới nghiêm và các trường học đóng cửa, cấm tụ tập đông người, để hạn chế sự lây lan của virus gây COVID-19.

Đáng chú ý, hàng triệu người ở ít nhất 20 quốc gia, bao gồm Nam Phi, Liberia, Mauritius, Tunisia, Rwanda, Uganda và Zimbabwe, đã bị phong tỏa toàn quốc, hạn chế khả năng công dân rời khỏi nhà của mình. Hàng chục nước khác phong tỏa một số khu vực, hoặc thực hiện lệnh giới nghiêm…

Mặc dù châu Phi có kinh nghiệm đối phó với các bệnh truyền nhiễm và dân số châu lục này khá trẻ, những yếu tố có thể làm giảm bớt rủi ro, nhưng hệ thống y tế mỏng và yếu ở khu vực này có thể nhanh chóng quá tải khi dịch bệnh lan rộng.

Tác động của các biện pháp khống chế dịch khiến hàng triệu người châu Phi không thể kiếm sống và phải phụ thuộc vào các nguồn cứu trợ của chính phủ và các khoản quyên góp. Báo cáo mới nhất của Ngân hàng Thế giới (WB) về châu Phi cảnh báo cuộc khủng hoảng COVID-19 có khả năng tạo ra một cuộc khủng hoảng an ninh lương thực nghiêm trọng ở châu Phi.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) lưu ý các chính phủ phải sử dụng các biện pháp hạn chế một cách hợp lý nhất, đảm bảo để người dân có thể tiếp cận các nhu cầu và dịch vụ thiết yếu. WHO chỉ ra rằng, nhiều người dân châu lục này sống trong điều kiện đông đúc hoặc làm việc trong khu vực phi chính thức và cần kiếm tiền hàng ngày để tồn tại.

Các nước Uganda và Rwanda thực hiện giao thực phẩm tận nhà cho hàng ngàn hộ có nguy cơ lớn nhất khi chính quyền ban bố lệnh phong tỏa.

Các quốc gia khu vực Nam Phi, đặc biệt là Zimbabwe, Malawi, Zambia và Mozambique, từng phải đối mặt với nạn đói sau đợt hạn hán tàn khốc và hai trận lốc xoáy năm ngoái. Việc phong tỏa do COVID-19 có thể khiến người dân Zimbabwe chìm sâu hơn vào nạn đói, khi đất nước mới qua khỏi mùa hạn hán nghiêm trọng.

Ngày 19/4/2020, Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh châu Phi (ACDC) cho biết số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 tại châu lục này đã tăng từ 20.270 lên 21.317.

Số trường hợp tử vong cũng ở mức 1.080 người, từ con số 1.025 trước đó một ngày, trong khi khoảng 5.200 người mắc COVID-19 đã được điều trị bình phục. (Nguồn: TTXVN)
 

Hòa Ninh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI