Châu Phi gần 100.000 ca tử vong, EU khởi động kế hoạch phòng thủ sinh học chống các biến thể virus mới

18/02/2021 - 20:10

PNO - Kế hoạch “HERA Incubator" nhằm tập hợp các nhà nghiên cứu, công ty công nghệ sinh học, nhà sản xuất và cơ quan công quyền của Liên minh châu Âu (EU) và toàn cầu để tăng cường nỗ lực phát hiện, chống lại các biến thể COVID-19.

Châu Phi gần chạm cột mốc nghiệt ngã 100.000 ca tử vong

Với sự bùng phát mạnh mẽ do biến thể virus mới từ Nam Phi không chỉ đẩy hệ thống y tế ở các nước châu Phi lâm vào tình trạng khủng hoảng mà còn khiến số người chết tăng cao kỷ lục. Tính đến chiều 18/2, châu lục này đã ghi nhận hơn 99.800 ca tử vong và vẫn đang tiếp tục tăng nhanh.

Đáng chú ý, quốc gia được ví như cường quốc kinh tế của châu Phi là Nam Phi, chiếm gần một nửa số người chết. Cụ thể, từ cuối tháng 12/2020, Nam Phi đã bị tàn phá nặng nề bởi dịch COVID-19, do biến thể mới của virus 501Y.V2 dễ lây lan hơn so với chủng virus ban đầu, thậm chí còn đe dọa vô hiệu hóa các loại vắc-xin COVID-19 đang lưu hành trên toàn cầu.

Số ca mắc mới COVID-19 và tử vong tăng cao kỷ lục tại châu Phi.
Số ca mắc mới COVID-19 và tử vong tăng cao kỷ lục tại châu Phi

Richard Mihigo, điều phối viên chương trình tiêm chủng tại văn phòng châu Phi của Tổ chức Y tế Thế giới, nói với Reuters: “Số lượng các ca mắc mới COVID-19 tăng nhanh đã dẫn đến nhiều ca bệnh nghiêm trọng và một số quốc gia thực sự cảm thấy rất khó khăn trong việc đối phó. Một số nước đã đạt đến mức giới hạn, gây ra tác động tiêu cực về mặt quản lý hệ thống y tế”.

Mihigo nói thêm sự gia tăng số người chết được báo cáo ở các quốc gia gần Nam Phi như Zimbabwe, Mozambique và Malawi, chủ yếu do biến thể 501Y.V2 gây nên.

Dữ liệu của Reuters cho thấy tỷ lệ tử vong ở châu Phi hiện ở mức khoảng 2,6%, cao hơn mức trung bình toàn cầu là 2,3% và tăng nhẹ so với tỷ lệ 2,4% sau đợt bùng phát dịch đầu tiên. Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo không nên phụ thuộc quá nhiều vào dữ liệu bởi con số tử vong thực tế có khả năng cao hơn.

Trước tình hình dịch bệnh trầm trọng, nhóm viện trợ quốc tế Bác sĩ không biên giới (MSF) trong tháng này đã kêu gọi phân phối vắc-xin khẩn cấp ở miền nam châu Phi để chống lại sự lây lan của biến thể mới, vì hầu hết các quốc gia châu Phi đã tụt hậu so với các nước phương Tây giàu có trong việc triển khai các chương trình tiêm chủng hàng loạt.

EU khởi động kế hoạch phòng thủ sinh học chống biến thể mới của virus

Mới đây, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đã tham dự một cuộc họp báo tại Brussels, Bỉ, cho biết EU sẽ tăng cường nỗ lực phát hiện và chống lại các biến thể COVID-19. Thông qua dự án mới có tên "HERA Incubator" tập hợp các nhà nghiên cứu, công ty công nghệ sinh học, nhà sản xuất và cơ quan công quyền ở EU và toàn cầu nhằm cung cấp các động lực để phát triển các loại vắc-xin mới, đẩy nhanh quá trình phê duyệt các loại vắc-xin này và đảm bảo việc mở rộng năng lực sản xuất. 

“Các biến thể mới của virus đang xuất hiện nhanh chóng và chúng ta phải đưa ra những phản ứng nhanh hơn nữa” - Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen nhấn mạnh.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen phát biểu trong buổi hợp báo ngày 17/2/2021.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen phát biểu trong buổi họp báo ngày 17/2/2021

Tương tự, Phó chủ tịch Ủy ban châu Âu Margaritis Schinas cũng chia sẻ thêm, châu Âu đang nỗ lực giải quyết song song sự phát triển nhanh chóng của các biến thể virus mới, đồng thời tổng hợp các nguồn lực để đảm bảo sự đoàn kết trên toàn EU và thế giới.

EU sẽ chi 75 triệu euro (tương đương 90,3 triệu USD) để phát hiện, phân tích và đánh giá các biến thể của virus bằng cách hỗ trợ giải trình tự bộ gen ở các quốc gia thành viên và 150 triệu euro (180 triệu USD) để đẩy mạnh nghiên cứu và trao đổi dữ liệu về các biến thể. Hiện, các cơ chế cũng đã được tạo ra để cải thiện các thử nghiệm lâm sàng và tăng cường sản xuất vắc xin COVID-19.

Minh Hương (theo Reuters và Europa)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI