Châu Phi dễ sập bẫy nợ từ Trung Quốc

06/05/2020 - 05:53

PNO - Nhiều nước châu Phi kêu gọi thế giới xóa bớt nợ cho họ. Hầu hết những lời đề nghị này liên quan đến Trung Quốc.

Trước những dự báo ảm đạm về kinh tế trong năm 2020 do đại dịch COVID-19, nhiều nước châu Phi kêu gọi thế giới xóa bớt nợ cho họ. Hầu hết những lời đề nghị này liên quan đến Trung Quốc - “chủ nợ” lớn nhất ở lục địa này. 

Angola, Zambia, Sudan và Cộng hòa Dân chủ Congo nằm trong số những quốc gia tìm kiếm cứu trợ, cho rằng họ cần tái phân bổ ngân sách để chăm sóc sức khỏe và trang bị cho các bệnh viện để chống lại COVID-19. Tính đến cuối ngày 5/5, số ca nhiễm tại châu Phi đã nhảy vọt lên 48.186, với 1.850 người chết.

Tranh biếm họa nợ châu Phi - Ảnh: SCMP
Tranh biếm họa nợ châu Phi - Ảnh: SCMP

Giá dầu lao dốc ảnh hưởng xấu đến các nhà sản xuất như Angola, Nigeria, Cộng hòa Dân chủ Congo, Guinea Xích đạo và Nam Sudan, trong khi các quốc gia phụ thuộc vào du lịch như Seychelles và Mauritius đứng trên bờ vực suy thoái. Zambia, Botswana, Cộng hòa Dân chủ Congo, Nam Phi và Zimbabwe cũng đối mặt với nhu cầu sản xuất hàng hóa sụt giảm nghiêm trọng.

Yun Sun - thành viên của Sáng kiến Tăng trưởng châu Phi tại Viện Brookings ở Washington (Mỹ) - nhận định, Bắc Kinh khó có thể thực hiện cách tiếp cận đơn phương là xóa nợ. Thay vào đó, những lựa chọn khả thi hơn sẽ là hoãn thanh toán khoản vay, cơ cấu lại nợ và hoán đổi nợ hoặc vốn chủ sở hữu. Theo bà Yun Sun, các khoản vay có khả năng được hỗ trợ sẽ là những khoản vay không lãi suất.
Khi được hỏi về hướng xử lý khoản vay cho các nước châu Phi, Đại sứ quán Trung Quốc ở Nairobi đã đề cập đến tuyên bố ngày 16/4 của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Triệu Lập Kiên: “Trung Quốc, theo sự đồng thuận của G20 về xóa nợ, cam kết giúp các nước nghèo nhất tập trung nỗ lực chống lại dịch bệnh và hỗ trợ phát triển kinh tế, xã hội”. 

Tháng 4/2020, IMF dự báo, tốc độ tăng trưởng kinh tế khu vực hạ Sahara tại châu Phi rơi vào khoảng 1,6% trong năm 2020, mức thấp nhất trong 50 năm. Số liệu từ Sáng kiến Nghiên cứu châu Phi - Trung Quốc tại Trường Nghiên cứu quốc tế tiên tiến thuộc Đại học Johns Hopkins ở Washington (Mỹ) cho thấy, Bắc Kinh đã rót hơn 143 tỷ USD cho 49 chính phủ châu Phi và các công ty nhà nước khác từ năm 2000-2017.

Bắc Kinh rộng rãi đầu tư vào lục địa đen trong thập niên qua như là một phần của Sáng kiến Vành đai và Con đường, xây dựng đường cao tốc, cảng, đập, đường sắt như một phần trong nỗ lực mở rộng liên kết thương mại và ảnh hưởng trên toàn cầu. Một số chính phủ - chủ yếu ở phương Tây - chỉ trích kế hoạch này là “bẫy nợ” cho các nền kinh tế đang phát triển. Trong quá khứ, Bắc Kinh nhiều lần bác bỏ những cáo buộc trên và nói rằng, Trung Quốc muốn giúp châu Phi phát triển khi các nước khác từ bỏ lục địa này.

Trước đây, Trung Quốc thường chỉ hủy các khoản vay không lãi suất đã đến hạn, nhưng những khoản này chiếm chưa đến 5% số nợ hiện tại của châu Phi đối với Trung Quốc. Hầu hết số tiền mà các nước châu Phi nợ Trung Quốc có liên quan đến chương trình vay ưu đãi và thương mại, vốn tập trung vào mục tiêu hoàn trả kèm lãi suất.

Martyn Davies - Giám đốc điều hành khu vực các thị trường mới nổi và châu Phi của Tổ chức Deloitte & Touche ở Johannesburg, Nam Phi - cho biết: “Nợ châu Phi mang một ý nghĩa địa chính trị. Khoảng trống mà các nước phương Tây để lại sẽ cho phép Trung Quốc gia tăng vị thế của mình trong khu vực”. Tuy nhiên, trong đại dịch, các quốc gia trong khu vực sẽ có độ nhạy và nhận thức cao hơn đối với rủi ro từ hoạt động cho vay của các ngân hàng chính sách Trung Quốc. 

Linh La (theo SCMP)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI