Châu Phi “chìm” trong rác thải nhựa

10/11/2023 - 16:30

PNO - Các nhà hoạt động nhân đạo cảnh báo, đến năm 2060, sẽ có 116 triệu tấn rác mới mỗi năm ở vùng châu Phi cận Sahara, gấp 6 lần năm 2019.

 

Nhóm người nhặt rác lùng sục trên bãi Kasese ở Kisumu, Kenya để tìm đồ có giá trị – Ảnh: The Guardian
Nhóm người nhặt rác lùng sục trên bãi Kasese ở Kisumu, Kenya để tìm đồ có giá trị - Ảnh: The Guardian

Tổ chức từ thiện Tearfund, trụ sở tại Anh, công bố báo cáo mới cho thấy rác thải nhựa đang gia tăng “vượt quá tầm kiểm soát” trên khắp châu Phi, nhanh hơn bất kỳ châu lục nào khác, theo báo The Guardian.

Báo cáo của Tearfund cho biết, lượng rác nhựa hiện được thải ra hoặc đốt công khai mỗi phút, ở khu vực châu Phi cận Sahara, đủ để bao phủ một sân bóng đá. Nếu xu hướng này cứ tiếp diễn, khu vực này dự kiến ​​sẽ có 116 triệu tấn rác thải nhựa mỗi năm vào năm 2060, gấp 6 lần so với mức 18 triệu tấn rác thải năm 2019.

Động lực chính khiến mức tiêu thụ đồ nhựa tăng nhanh ở vùng châu Phi cận Sahara, nơi 70% dân số dưới 30 tuổi, là nhu cầu về xe cộ và các sản phẩm khác trong bối cảnh thu nhập và dân số tăng trưởng.

Rich Gower, chuyên gia kinh tế tại Tearfund, bình luận về hiệp ước chống ô nhiễm nhựa của Liên hiệp quốc (LHQ) mà Chính phủ Kenya chuẩn bị ký kết: “Các dấu hiệu suy thoái môi trường vây quanh chúng ta, nhưng hiệp ước này có khả năng hạn chế cuộc khủng hoảng nhựa và cải thiện cuộc sống của hàng tỉ người”.

Ông Gower cho biết: “Phần lớn đồ nhựa được sử dụng ở châu Phi cận Sahara là bao bì, sau cùng sẽ bị vứt bỏ và đốt cháy”. 

Tiến sĩ Tiwonge Mzumara-Gawa, nhà vận động môi trường sẽ tham gia quá trình đàm phán ở Kenya, cho biết: “Ở Malawi, chúng tôi chứng kiến ​​hành vi đốt và đổ rác thải nhựa mỗi ngày, gây hại cho sức khỏe người dân. Sự thay đổi sẽ không đến dễ dàng. Một số người hưởng lợi từ cuộc khủng hoảng rác thải nhựa và họ muốn giữ tham vọng ở mức có thể duy trì lâu dài”.

Ông Mzumara-Gawa cho biết, cách địa điểm diễn ra hội nghị LHQ ở Kenya chỉ vài dặm bên kia sông là bãi rác Dandora, nơi có 30 xe tải chở rác thải nhựa đến đổ mỗi ngày. Đây là nơi sinh sản của muỗi, ruồi và sâu bọ, nguồn lan truyền các bệnh sốt rét, dịch tả, bệnh tiêu chảy và các bệnh khác.

Về xu thế chung của thế giới, báo cáo của Tearfund sự đoán mức sử dụng đồ nhựa trên toàn cầu sẽ tăng gần gấp 3 vào năm 2060. Báo cáo này dựa trên thống kê từ cơ sở dữ liệu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) và được công bố trên tạp chí Global Policies Outlook.

Trường An (theo The Guardian)

 
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI