Châu Phi cần ít nhất 20 triệu liều vắc-xin COVID-19 trong 6 tuần tới

28/05/2021 - 15:20

PNO - Hôm thứ Năm (28/5), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết châu Phi sẽ cần ít nhất 20 triệu liều vắc-xin COVID-19 trong vòng 6 tuần tới để tiêm mũi thứ hai cho những người đã tiêm mũi đầu tiên, và cần 200 triệu liều để tiêm ngừa cho ít nhất 10% dân số ở châu lục này từ nay đến tháng 9. WHO cũng đang kêu gọi các nước khác trên thế giới tăng cường viện trợ vắc-xin cũng như hỗ trợ các nước châu Phi tiến đến tự sản xuất vắc-xin.

Theo WHO, dữ liệu cho thấy một liều vắc-xin AstraZeneca sẽ có tác dụng 70% trong ít nhất 12 tuần, nhưng liều thứ hai sẽ giúp cho người đã được tiêm tăng khả năng miễn nhiễm với COVID-19 lên 81% trong một thời gian dài hơn. Thực tế cho thấy, những người đã được tiêm một liều vắc-xin COVID-19 loại này có thể sinh ra kháng thể trong vòng 6 tháng sau khi tiêm.

châu Phi sẽ cần ít nhất 20 triệu liều vắc-xin COVID-19 trong vòng 6 tuần tới để tiêm mũi thứ hai cho những người đã tiêm mũi đầu tiên
Châu Phi sẽ cần ít nhất 20 triệu liều vắc-xin COVID-19 trong vòng 6 tuần tới để tiêm mũi thứ hai cho những người đã tiêm mũi đầu tiên

WHO cho biết, để châu Phi hoàn tất việc tiêm chủng cho ít nhất 10% dân số vào tháng 9 năm nay, châu lục này sẽ cần gấp 200 triệu liều các loại vắc-xin COVID-19.

Tính đến 27/5, châu Phi đã tiêm 28 triệu liều COVID-19 được sản xuất từ các nước khác nhau cho người dân ở châu lục này,  nơi có dân số gần 1,4 tỷ người, nghĩa là tỷ lệ tiêm ngừa COVID-19 của khu vực này chỉ mới ở mức dưới 2%. Trong khi đó, hơn 165 triệu người ở Mỹ đã được tiêm ít nhất một liều vắc-xin COVID-19, tương đương với gần 50% dân số cả nước, theo Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ.

“Châu Phi hiện đang rất cần vắc-xin COVID-19. Chúng tôi khẩn thiết kêu gọi các quốc gia đã hoàn tất việc tiêm ngừa cho các nhóm có nguy cơ bị lây nhiễm cao hãy tăng cường chia sẻ vắc-xin với các nước đang bị thiếu hụt để có thể bảo vệ đầy đủ những người dễ bị tổn thương nhất”, Tiến sĩ Matshidiso Moeti -  Giám đốc phục trách khu vực châu Phi của WHO - lên tiếng và cho rằng việc ngưng lại các chiến dịch tiêm ngừa vắc-xin COVID-19 sẽ có nguy cơ tiếp tục lấy đi niềm hy vọng và sinh mạng của nhiều người dân trên thế giới.

Hiện, Pháp đã cam kết viện trợ nửa triệu liều vắc-xin COVID-19 cho 6 nước châu Phi trong vài tuần tới, chuyển 31.000 liều đến Mauritania, và dự kiến sẽ sớm chuyển thêm đến các nước 74.400 liều khác, theo WHO.

Liên minh châu Âu cũng cho biết sẽ gửi 100 triệu liều vắc-xin COVID-19 đến các nước có thu nhập thấp vào cuối năm nay, trong khi Mỹ cam kết sẽ viện trợ 80 triệu liều cho các nước này. Các quốc gia khác trên thế giới cũng bày tỏ sự quan tâm đến việc chia sẻ nguồn vắc-xin đang dư dôi của mình. Các nước ở châu Phi không sử dụng hết lượng vắc-xin đang có thì đang chia sẻ với các quốc gia khác trên cùng lục địa, theo WHO.

Tỷ lệ tiêm ngừa COVID-19 của khu vực châu Phi chỉ mới ở mức dưới 2% - Ảnh: AFP
Tỷ lệ tiêm ngừa COVID-19 của khu vực châu Phi chỉ mới ở mức dưới 2% - Ảnh: AFP

Việc phân phối lại các nguồn cung vắc-xin như trên, mặc dù hữu ích, nhưng rất tốn kém. Vì vậy, WHO cho rằng châu Phi cần phải tăng cường năng lực tự sản xuất vắc-xin. “Việc miễn trừ quyền sở hữu trí tuệ là bước quan trọng đầu tiên trong việc sản xuất vắc-xin COVID-19, nhưng các nước cũng cần phải được chia sẻ kiến ​​thức chuyên môn và các công nghệ cần thiết để có thể tự tham gia vào hoạt động này”, WHO chia sẻ.

Hiện, châu Phi có 54 quốc gia nằm trong danh sách hơn 100 quốc gia được WHO hỗ trợ trình đề xuất tăng cường tự sản xuất vắc-xin COVID-19 trong nước lên Đại hội đồng Y tế thế giới. Khoảng 40 quốc gia ở châu lục này cũng đã tham gia một khóa đào tạo nâng cao năng lực sản xuất vắc-xin của WHO. WHO cho biết thêm, tổ chức này đang làm việc với Liên minh châu Phi để lên kế hoạch hỗ trợ các nghiên cứu khả thi và chuyển giao công nghệ khi các nước trong khu vực có yêu cầu.

“Còn quá sớm để đưa ra dự báo liệu châu Phi có đang ở giai đoạn đỉnh cao của đợt bùng phát dịch lần thứ ba hay không. Nhưng trước mắt, chúng tôi đang chứng kiến số ca nhiễm mới ở châu lục này đang tăng lên từng giờ, từng ngày”, Moeti nói.

Nhất Nguyên (theo CNBC)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI