Cậu bạn chí cốt của cháu kể, tối ấy học xong bài, trong nhóm gửi cho nhau link “tham khảo tài liệu”. Bạn mở ra xem thì thấy có những hình ảnh… trên cả sách giáo khoa sinh học. Bỗng có tiếng mẹ bạn “trời đất ơi” ngay sau lưng và rồi thì bố bạn ập vào, lại còn em bạn nữa. Không khí cả nhà như trong đồn công an. Đến nay thì chiến sự ở nhà bạn vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Nếu người bị “bắt” đêm ấy là cháu thì cháu nên làm gì? Theo bác sĩ thì vị thành niên có quyền riêng tư trên mạng không? Nếu các bạn trong lớp bàn tán về “chuyện người lớn” thì cháu phải làm sao?
(Một nam sinh lớp Chín, xin giấu tên)
|
Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK |
Khi bị cha mẹ bắt gặp đang xem cảnh 18+, cháu không nên chối quanh, đổ lỗi hoặc nói dối. Hãy “giữ nguyên hiện trường”, đừng cuống cuồng tắt máy hay giấu giếm.
Hãy cứ nói thật với cha mẹ về tình huống khiến mình “lạc bước trên giang hồ”, chẳng hạn: hình ảnh vô tình hiện lên trong lúc con tìm kiếm thông tin; con tò mò muốn tìm hiểu; người dùng trước mở chương trình mà chưa thoát ra…
Cháu cần xin lỗi vì đã làm cha mẹ phải phiền lòng. Nếu cha mẹ nổi giận hoặc “ra hình thức kỷ luật”, hãy hiểu rằng họ đang lo lắng cho cháu, đừng vội “gân cổ cãi”. Đợi lúc tình hình dịu xuống, xin phép thưa chuyện với cha mẹ (khó nói quá thì viết thư hoặc nhờ “bên thứ ba” có uy tín với gia đình làm trung gian hòa giải).
Nên sẵn sàng đón nhận việc cha mẹ nói những lời khó nghe, đe dọa trừng phạt (“đón nhận” là trên "chấp nhận" một “trình”). Cha mẹ thường cũng chỉ "giơ cao đánh khẽ" thôi, nhưng nếu gặp sự chống đối không đúng lúc thì khác nào "châm dầu vào lửa". Khi thấy con cái đã biết lỗi, lắng nghe… cha mẹ sẽ tự khắc hạ hỏa và cư xử bình tĩnh hơn với cháu.
Ở thời các phương tiện điện tử và mạng xã hội phủ sóng như hiện nay, nhất là trong mấy năm dịch bệnh, việc học trực tuyến trở nên bắt buộc thì quyền riêng tư của trẻ em trên mạng càng được chú trọng. Đó là quyền không phải chịu sự can thiệp tùy tiện hay bất hợp pháp vào việc riêng tư, gia đình, nhà cửa hoặc thư tín cũng như sự công kích bất hợp pháp vào danh dự và thanh danh của các em.
Trẻ em có quyền được pháp luật bảo vệ chống lại sự can thiệp hay công kích như vậy (theo điều 21 Luật Trẻ em năm 2016 hay tại điều 38 Bộ luật Dân sự năm 2015 có quy định về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình).
Tuy nhiên, vì chưa đủ tuổi trưởng thành và chưa sống độc lập, trẻ em cần sự giám hộ từ gia đình, tuân theo “phép nhà”. Đồng thời, trẻ em cần tự giác, trung thực và biết bảo vệ bản thân trước cái xấu khi dùng điện thoại thông minh để học trực tuyến và giải trí.
Việc trẻ xem nội dung 18+ là xấu hay không còn tùy. Không phải tự nhiên mà các ấn phẩm (phim ảnh, truyện tranh) đã đưa ra các giới hạn về độ tuổi.
|
Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK |
Chẳng hạn ở Mỹ, hệ thống phân loại phim MPAA đã chia ra: thể loại G thì ai cũng xem được kể cả bé năm tuổi vì không có hình ảnh khỏa thân hoặc liên quan đến tình dục, sử dụng chất kích thích; không có cảnh bạo lực và lời lẽ thô tục.
Với PG, trẻ 9 tuổi trở lên mới được xem. Với PG-13, phụ huynh phải chú trọng khi cho con mới chớm tuổi teen xem. R không dành cho người dưới 16 tuổi. NC-17 cấm trẻ dưới 17 tuổi.
Nếu phụ huynh đã biết trước, hướng dẫn và cảnh báo mà cháu vẫn cố tình vi phạm là cháu sai. Tự do cũng phải có kỷ luật. Người tôn trọng kỷ luật mới xứng đáng có tự do thực sự. Còn nếu phụ huynh chưa từng dạy cháu điều đó thì hãy coi đây là cơ hội để cả nhà học điều mới, cùng nhau trao đổi về giáo dục giới tính và giáo dục tình dục một cách thẳng thắn.
Khi các bạn trong lớp bàn tán về nội dung “phim người lớn” đã xem, nếu đó không phải chuyện cháu quan tâm thì không cần phải hùa theo các bạn, sợ bị xem là “hủ nữ”, “hủ nam” và bị gạt ra rìa. Cháu cũng không cần gay gắt “giáo huấn” các bạn hoặc “méc” thầy cô. Ai cũng có nhận thức và phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình. Cả hai trường hợp, cháu có thể “bỏ ngoài tai”, tiếp tục việc mình đang làm hoặc… đi chỗ khác chơi.
Nếu cháu cũng quan tâm và thấy rằng “học thầy không tày học bạn”, hãy chuẩn bị tinh thần rằng đa phần các nội dung ấy không phải là “sách giáo khoa về giáo dục giới tính” và các bạn cùng lớp cũng không phải là chuyên gia. Cư dân mạng nói vui: vạn ngày tu chưa chắc thành chính quả nhưng một ngày “ngu” thì biết bao hậu quả.
Bác sĩ Hoa Tiêu
MỜI BẠN ĐỌC GỬI CÂU HỎI GIÁO DỤC GIỚI TÍNH CHO BÁC SĨ HOA TIÊU Đến giờ, chẳng mấy ai còn lo ngại chuyện “vẽ đường cho hươu chạy”, trái lại còn thấy rất cần thiết. Hươu chỉ đâm đầu chạy trối chết khi nó gặp nguy hiểm, nhiều khi chạy quáng quàng mà đâm phải bụi rậm hoặc sẩy chân xuống vực. Chỉ đường cho hươu chạy là cho nó con đường sống. Khi đã được trang bị kiến thức, kỹ năng tạm ổn, hươu có thể ung dung trên đồng cỏ và biết cách thoát hiểm khi hữu sự. Chỉ đường cho hươu là chuyên mục giáo dục giới tính do bác sĩ Hoa Tiêu đảm nhận. Bác sĩ sẽ cùng các bậc cha mẹ bàn bạc về những tình huống mà các em và cả người lớn đang lúng túng chưa biết giải quyết thế nào. Hãy cùng bác sĩ Hoa Tiêu hướng dẫn các chú hươu non không bị lạc đường. Câu hỏi, tình huống mà độc giả đang gặp phải, hãy gửi về chuyên mục qua email: chiduongchohuou@baophunu.org.vn hoặc fanpage Báo Phụ Nữ TP.HCM: www.facebook.com/phunuonline.com.vn |