Cháu muốn được giải thoát khỏi bạo lực học đường

01/12/2024 - 22:52

PNO - Những chuyện buồn thưở cắp sách tới trường sẽ qua mau, rồi cũng chỉ còn là kỷ niệm.

Cháu chào cô Hạnh Dung.

Thực sự cháu rất buồn và thậm chí đang nghĩ đến cái chết để giải thoát. Phải nói như thế nào nhỉ, cháu là nạn nhân nặng nề của bạo lực học đường.

Vào đầu năm lớp 10, cháu chơi với một nhóm bạn 5 người. Ai cũng bình thường, không quá nổi bật, nhưng có bạn D. lại là "hot girl". Cả lớp hay gọi D. là công chúa, bởi bạn xinh đẹp, nhà có điều kiện, hoạt động ngoại khóa xuất sắc, lại rất thân thiện. Nói chung, D. là tập hợp của những điều hoàn hảo nhất.

Chuyện bắt đầu khi đầu năm lớp 11, cháu có xích mích với D., và tìm đến một người bạn trong nhóm để tâm sự về những điều cháu chưa thích ở D. Thế nhưng, bạn ấy lại kể cho D. nghe một chuyện rất khác, rằng cháu nói xấu D. vì D. xinh và giỏi hơn cháu, rằng cháu bảo D. lợi dụng bạn bè.

Hôm sau, vào giờ ra chơi, D tiến đến chỗ cháu và hỏi: "Sao mày lại cắn sau lưng tao? Tao cư xử với mày chưa đủ tốt à?". Cháu chưa kịp giải thích thì D. đã tát thẳng 2 cái rất mạnh vào mặt cháu giữa lớp, và cảnh cáo: "Ai mà chơi với con này, thì cẩn thận tao đấy". Cả lớp không ai đứng ra can ngăn, lại còn cười cợt và nói rằng cháu đáng bị như thế.

Mới 3 tháng trôi qua, mà cuộc sống đã như địa ngục với cháu. Cháu phải hứng chịu những lời nói bodyshaming, hay khi cháu được xếp ngồi cạnh ai, thì các bạn cũng đều đổi chỗ. Thậm chí trong một bài viết thư, có bạn còn viết rằng cháu nên chết đi cho D. đỡ ngứa mắt.

Cháu có nói với D. rằng cháu muốn giải thích và nói chuyện riêng, D. rất vui vẻ đồng ý. Thế nhưng khi cháu bắt đầu nói thì D. và các bạn bày trò quay video như kiểu cháu đang bắt nạt D., rồi gửi lên cô chủ nhiệm.

Cô không nghe cháu tường trình, mà báo lại cho Ban giám hiệu, khiến cháu bị mời phụ huynh. Gia đình cháu vốn không hoàn hảo, bố cháu rất nóng tính, nên đã đánh và chửi cháu ngay khi được mời lên. D. thì cười và bảo: "Mày đã thua ngay từ khi mày đấu với tao rồi".

Cô ơi, cháu không sống nổi nữa ạ. Giờ cháu phải làm sao để kết thúc tấn bi kịch này? Cháu sai ở đâu ạ?

Minh Châu

Cháu Minh Châu thân mến,

Vẫn biết rằng hiện nay bạo lực học đường đang diễn ra ở nhiều nơi, thế nhưng đọc thư của cháu, với những chi tiết và câu chuyện rõ ràng, từ một người thật, cô vẫn cảm giác kinh sợ, lo lắng trong lòng: Sao nó giống như trong những bộ phim Hàn Quốc cô thường xem trên tivi.

Điều đáng sợ là hành vi bạo lực lại xuất phát từ một cô gái mà cháu nói rằng xinh đẹp, xuất sắc, thân thiện... được nhiều người yêu thích. Từ miệng của một cô gái như vậy, sao lại có thể thốt ra những lời "mày - tao" đe dọa thô lỗ kinh khủng đến thế? Vậy thì đâu là bản chất thực sự của một cô gái được bạn bè mến mộ?

Điều đầu tiên, cô muốn nói chuyện thẳng thắn với cháu. Bởi cháu hỏi cháu sai ở đâu, nghĩa là cháu thấy mình hoàn toàn oan ức. Nhưng cháu có sai, cái sai của cháu là khi không thích điều gì đó ở ai đó, thì cháu cần cân nhắc: điều làm cháu không thích ở người đó có làm hại tới cháu hay mọi người không?

Nếu đó là chuyện riêng của cô gái kia, không ảnh hưởng tới ai, thì cháu nên chấp nhận mỗi người với những tốt đẹp hay khiếm khuyết của họ, chứ không phải chê bai, phê phán. Nếu điều làm cháu không thích ở bạn đó làm hại người khác, thậm chí hại đến chính bạn ấy, thì tốt nhất là cháu góp ý với chính người đó, chứ không phải đi nói với một người thứ ba.

Khi cháu nói với một người thứ 3, thì chắc chắn chuyện sẽ lan tới người thứ 4, thứ 5, và tới đối tượng bị cháu chỉ trích. Những lời nói được đưa qua đưa lại thông thường sẽ không còn ý nghĩa như ban đầu nữa.

Cháu hãy tưởng tượng bản thân ở vào vị trí của người bị cháu phê phán đó, cháu thấy vui không? Cháu có muốn "giải quyết" mọi chuyện một cách rõ ràng không? Tất nhiên, cách giải quyết của D. là sai, nhưng dù gì, sự việc này cũng bắt đầu từ cháu, không thể trách ai được.

Trong câu chuyện đang diễn ra, nếu cháu nhận thấy mình có phần lỗi đã khơi mào cho một mâu thuẫn sâu sắc, điều đầu tiên cháu cần làm là xin lỗi người mà cháu đã làm tổn thương, chứ không phải là giải thích, thanh minh. Hãy xin lỗi trực tiếp, công khai hay bằng tin nhắn, thư tay... Có rất nhiều cách, cháu nhé. Nếu mình thấy mình sai, thì mình thừa nhận điều đó với chính mình và với người đó, nó cũng giúp bản thân mình nhẹ nhàng hơn.

Nhìn rõ vấn đề rồi, cô nghĩ rằng cháu nên để yên cho mọi việc lắng lại, chú tâm vào việc học tập, trau dồi bản thân cho tốt hơn. Khi học giỏi hơn, chững chạc, độc lập, vững vàng hơn, cháu sẽ thấy mọi sự cô lập, hay chế giễu đều không thể làm cháu tổn thương được.

Năm nay cháu học lớp 11, nghĩa là chỉ còn một năm nữa cháu sẽ bước vào giai đoạn căng thẳng nhất của đời học trò: tập trung để chọn được ngành nghề, vào đại học và bắt đầu cho một tương lai mới hoàn toàn khác.

Những chuyện buồn thưở cắp sách tới trường sẽ qua mau, rồi cũng chỉ còn là kỷ niệm. Có thể là kỷ niệm buồn, nhưng cũng cho cháu những kinh nghiệm để bắt đầu tốt hơn ở một môi trường hoàn toàn mới mẻ.

Hãy chia sẻ câu chuyện của mình với một người trong gia đình, gần gũi, thương yêu và hiểu cháu nhất, có thể là ba, mẹ hay anh chị, cháu nhé. Để mọi người có thể động viên và ở bên cạnh cháu những khi cháu thấy buồn.

Đừng quá bi quan, đừng nhấn chìm mình vào những tiêu cực, mai này nhìn lại, cháu sẽ thấy những gì mình trải qua bây giờ chẳng có gì là ghê gớm, chỉ là những chuyện bồng bột, sốc nổi của tuổi trẻ thôi mà.

Hạnh Dung

Chia sẻ tâm tư cùng chị Hạnh Dung của Báo Phụ nữ, mời bạn gửi câu hỏi trực tiếp trong khung “Chat với Hạnh Dung” dưới đây, hoặc gửi về email: hanhdung@baophunu.org.vn

Chat với Hạnh Dung
Ý KIẾN BẠN ĐỌC(3)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI