Cháu mồ côi cha bị 'bắt cóc', ông bà nội khóc cạn nước mắt

29/09/2014 - 18:48

PNO - PN - Chồng chết, suốt 7 năm bỏ mặc con thơ cho cha mẹ chồng nuôi dưỡng, bỗng một ngày, người mẹ đột ngột trở về, nói bóng gió sẽ đưa đứa con ra nước ngoài. Sau đó, đứa trẻ mất tích một cách bí ẩn...

edf40wrjww2tblPage:Content

Thông tin từ gia đình bà Giang Mỹ Hía, 60 tuổi, ngụ ấp Hòa Khanh, xã Thạnh Quới, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng cho biết, cháu nội bà là Trần Bửu Thư (10 tuổi) bị “bắt cóc” vào trưa 12/9. Trước đó, khi bà Hía đang nấu cơm thì đứa cháu đi học về. Khoảng 30 phút sau, gọi mãi không thấy cháu, bà Hía chạy đi tìm khắp ấp.

“Hai ngày sau, trong lúc gia đình tôi đang hoang mang, thì một người quen ở thành phố Sóc Trăng gọi điện thoại cho biết, con dâu tôi đã đưa cháu Thư lên Sài Gòn và chuẩn bị đưa cháu đi nước ngoài, bảo gia đình tôi đừng tìm kiếm vô ích”, bà Hía nói trong nước mắt.

Từ khi đứa cháu mất tích, bà Hía thẫn thờ như người mất hồn. Thương vợ, nhớ cháu, ông Trần Văn Phòng (chồng bà Hía) đã dò tìm nơi ở của con dâu - chị Quách Thị Thanh Diệu, 31 tuổi, thường trú thị trấn Phú Lộc, huyện Thạnh Trị, tỉnh Sóc Trăng để tìm hiểu thực hư. Sau khi lần dò được nơi chị Diệu hiện đang cư ngụ tại Q.7, TP.HCM, ông Phòng đã tức tốc đi tìm. Ông kể: “Lên đến nơi, gặp được gia đình nhà sui gia và con dâu, nhìn thấy cháu nội đang ở đó, tôi mừng lắm. Thuyết phục con dâu trả lại cháu cho tôi nhưng họ không chịu, còn đuổi tôi”.

Chau mo coi cha bi 'bat coc', ong ba noi khoc can nuoc mat

Bà Giang Mỹ Hía khóc kể chuyện đứa cháu nội bị “bắt cóc”

Chau mo coi cha bi 'bat coc', ong ba noi khoc can nuoc mat

Giấy tường trình vụ việc của vợ chồng bà Hía đã được gửi lên các cơ quan chức năng địa phương

“Ngày xưa, khi con dâu bỏ đi, cháu tôi mới bập bẹ tập nói. Gần 10 năm qua, vợ chồng tôi nuôi dưỡng, chăm sóc cháu chu đáo. Thế mà, gặp tôi ở Sài Gòn, nó chẳng dám nhìn tôi. Tôi hỏi thì nó bảo muốn đi theo mẹ, biểu hiện của cháu rất khác lạ…”, ông Phòng ngân ngấn nước mắt nói.

Bà Hía kể, chồng mất vào năm 2007, Diệu bỏ mặc con gái đầu lòng hơn hai tuổi cho cha mẹ chồng, đi làm công nhân. Một thời gian sau, chị Diệu đi xuất khẩu lao động tại Hàn Quốc.

“Gần bảy năm qua, Diệu bỏ mặc con cho vợ chồng tôi nuôi, chỉ về thăm con vài lần, chứ không hề chu cấp. Đầu tháng Tám vừa rồi, nó dẫn bạn trai người Úc về nhà tôi. Dù buồn rầu khi nghĩ tới đứa con trai vắn số, vợ chồng tôi vẫn niềm nở tiếp con dâu và bạn nó. Hai đứa nó ở lại chơi ba ngày, khi đó nó có nói bóng gió sẽ dẫn con bé sang Úc. Chắc nó sợ vợ chồng tôi không cho phép nên đã bắt cóc con bé”, bà Hía kể.

“Chúng tôi không hề phản đối việc con dâu đưa cháu Thư đi. Tuy nhiên, nếu cháu được đưa sang Úc thì chúng tôi lo lắng. Người bạn trai của Diệu đã lớn tuổi, lại có tới 5 đứa con riêng. Bé Thư thì còn nhỏ quá. Chúng tôi sợ sang đó sống cảnh con riêng, con chung cháu bị hắt hủi, bạc đãi thì khổ thân. Với hoàn cảnh kinh tế hiện tại, vợ chồng tôi hoàn toàn có thể nuôi dạy cháu nội trưởng thành".

Cũng theo bà Hía, vì không thể thuyết phục được con dâu trả đứa trẻ lại, ngày 24/9 vừa qua, vợ chồng bà Hía đã làm đơn gửi đến các cơ quan chức năng cầu cứu.

LƯU KÝ

CẦN SỰ HÒA GIẢI TỪ “BÊN TRONG”

Pháp luật quy định, cha mẹ có nghĩa vụ và quyền thương yêu, chăm nom, nuôi dưỡng, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của con, chăm lo việc học tập và giáo dục để con phát triển, trở thành người con hiếu thảo, có ích cho xã hội. Mặt khác, pháp luật cũng quy định, trong trường hợp cha mẹ có hành vi vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con, thì tòa án có thể tự mình hoặc theo yêu cầu của cha, mẹ, người thân thích của trẻ chưa thành niên, Viện Kiểm sát, Ủy ban Bảo vệ và chăm sóc trẻ em, Hội LHPN, ra phán quyết hạn chế quyền của cha, mẹ đối với con.

Sự việc như trong bài viết căn bản vẫn đang là ý kiến một chiều (của ông bà nội cháu bé), chưa thể hiện là mẹ cháu bé có thực sự bỏ bê con mình đến mức tòa án phải can thiệp để hạn chế quyền của người mẹ đối với con không. Nếu ông bà nội muốn giữ cháu để nuôi dưỡng, chăm sóc, thì cần chứng minh rằng người mẹ trong nhiều năm đã thực sự không đoái hoài gì tới con, đến mức bản thân đứa trẻ cũng không còn thiết tha gì với mẹ của mình.

Sự việc rất cần sự hòa giải từ bên trong, tức là giữa hai bên sui gia với nhau, giữa cha mẹ chồng với con dâu, ông bà nội với bản thân mong muốn của cháu. Ông bà nội của cháu có thể làm đơn nhờ chính quyền nơi mẹ cháu bé đang ở hòa giải. Trong trường hợp không hòa giải được, thì ông bà có quyền làm đơn yêu cầu tòa án nơi cha hoặc mẹ của con cư trú giải quyết.

Luật gia Hoàng Kim Chiến 
(Phó Cục trưởng, Phụ trách Cục Công tác phía Nam, Bộ Tư pháp)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI