Bao đêm xuống bến, lên thuyền, biểu diễn làn điệu ca Huế cho hàng ngàn du khách thưởng thức trên sông Hương, thử hỏi mấy ca nương còn biết đến cụ Ưng Bình Thúc Giạ Thị với da diết điệu hò: “Chiều chiều trước bến Văn Lâu/ Ai ngồi ai câu ai sầu ai thảm…”. Dù ca Huế vang danh khắp trời Nam, đất Tây, cách đối xử với Châu Hương Viên - nơi cụ Ưng Bình sống trọn cuộc đời với thi ca, với những câu hò Huế, sau khi rời quan trường, lại là điệu buồn hiu hắt.
Nước mắt đứa trẻ xóm Chùa
Tôi nghĩ, bữa gặp chị Trang, ở quán nước dừa bên đường Điện Biên Phủ (TP.Huế) là một cơ duyên hơi… ngộ. Như lời giới thiệu của nhà thơ Võ Quê (chủ nhiệm câu lạc bộ Ca Huế thính phòng - Nhà văn hóa Huế), đó là một người con gái Huế giản dị, nhưng chất chứa lắm ưu tư trước “khối tình” mà tiền nhân gửi lại.
“Có chi mô em, chị cũng là người bình thường. Hồi bé hay nghe câu hò mái nhì mạ ru khi ngủ. Nghe riết cũng thuộc lòng. “Chiều chiều trước bến Văn Lâu/ Ai ngồi ai câu ai sầu ai thảm/ Ai thương ai cảm ai nhớ ai trông…”. Lúc nớ, cứ tưởng đấy là câu ca dao, lớn lên mới biết, người soạn lời ca ấy là cụ Ưng Bình”. Lời chị như chìm trong cái nắng đã nhạt trên những cao thấp bê tông.
|
Chị Trang bên mộ cụ Ưng Bình Thúc Giạ Thị, trên đồi xóm Giếng Chùa, phường Thủy Xuân, TP.Huế |
Cũng như bao đứa trẻ thơ ngày trước ở xóm Giếng Chùa, phường Thủy Xuân, thế hệ những người như chị Nguyễn Thị Thùy Trang chỉ biết ông qua những giai thoại. Dấu ấn ghi đậm trong ký ức của cô bé ở xóm Giếng Chùa là khu lăng mộ của vợ chồng ông, nằm trên đồi cao, nơi lũ trẻ trong xóm thường đến chơi đùa. Chị Trang nhớ lại, trên bia mộ của cụ Ưng Bình có khắc hai câu thơ mà những đứa trẻ xóm Giếng Chùa, dù nay đã khôn lớn hoặc có người đã đi rất xa, đều thuộc nằm lòng: “Rượu có mùi hương nên uống mãi/ Thi là thuốc bổ cứ ngâm thơ”. Nhìn bức ảnh, rồi hai dòng thơ, bọn trẻ trong xóm nhiều khi cứ tưởng tượng ra một ông già mặc áo đen, có chòm râu bạc trắng như cước và nét cười hào sảng, tay nâng chén rượu.
Lớn lên, khi bắt đầu biết đến những tác phẩm thi ca lớn của ông, cũng là lúc chị Trang chứng kiến những điều xót xa, không tưởng. Nhớ lại buổi trưa đầu Nguyên tiêu 2016, về Châu Hương Viên - ngôi nhà cụ Ưng Bình Thúc Giạ Thị từng sống, ở kiệt 355 đường Nguyễn Sinh Cung, xã Phú Thượng; đập vào mắt cô gái bán nước dừa là căn nhà xưa hoang tàn, vắng chủ. Khung cảnh tiêu điều, xơ xác; trong nhà cỏ mọc um tùm, chỉ có một bát nhang và cây đèn dầu khô cạn. Chị bật khóc như tuyệt vọng. “Nhà của một thi nhân nổi danh xứ Huế một thời đây ư? Ngôi nhà mà biết bao thi nhân, khách trà thơ đối ẩm giờ như thế này sao? Lúc đó, tôi biết mình không nhầm lẫn, dù bụi thời gian đã làm ngôi nhà xuống cấp thì vẫn còn đó nếp nhà xưa một thời lừng lẫy”.
Thì đây, những chiếc cột to tròn, dù đã bị mối mọt tàn phá đi nhiều, vẫn toát lên vẻ quý phái, cao sang. Ban thờ là một chiếc bàn cao, nhưng hương khói lạnh tanh tự lúc nào. Thành kính thay hương hoa lễ cụ, chị Trang thầm cầu xin và lần nào đến chị cũng thầm khấn như thế: “Nếu có một phép mầu, hãy cho nơi này được nhiều người quan tâm đến; vì những ngôi nhà cổ xưa như Châu Hương Viên là cái hồn của xứ Thần Kinh, nếu không bảo tồn thì có lẽ một ngày không xa, chúng ta sẽ mất rất nhiều”. Một mệnh lệnh thôi thúc từ tim, hễ lúc công việc gia đình, buôn bán được thu xếp xong, chị Trang lại lặng lẽ đến dọn dẹp, thắp nhang viếng cụ.
Bao giờ “hồi sinh” Châu Hương Viên?
Sau bao lần “giẫm đạp” lên những viên ngói bể nát, xót lòng trước cảnh hoang tàn của Châu Hương Viên, chị Trang đã đưa câu chuyện lên Facebook, ao ước đến xót xa một ngày Châu Hương Viên được sống lại với nét văn hóa đậm hồn Huế ngày xưa. Cũng thật may mắn khi nỗi niềm đau đáu này được nhà thơ Võ Quê đồng cảm. Thế là xắn tay áo, mỗi người một việc.
|
Biểu diễn ca Huế tại Châu Hương Viên nhân ngày giỗ cụ Ưng Bình |
Họ liên lạc với những người có trách nhiệm của ngành văn hóa cùng gia đình nhà thơ Tôn Nữ Hỷ Khương (con gái út của cụ Ưng Bình) để đưa ý tưởng hồi sinh Châu Hương Viên. Mới đây, đến thăm Châu Hương Viên, nhà văn Tô Nhuận Vỹ xót xa: “Một địa chỉ văn hóa quý giá như vậy mà nay tan hoang. Ngôi nhà xiêu vẹo, đổ nát, gần 1/3 căn nhà mất mái đang được làm vườn trồng rau. Các nghệ nhân, nghệ sĩ phải kiếm cái bàn thô mộc để làm bàn thờ. Tôi cúi lạy cụ mà không cầm được nước mắt”.
Việc trùng tu Châu Hương Viên từng được đặt ra cách đây khá lâu, với sự cố gắng của con cháu cụ Ưng Bình, nhưng bất lực. Theo nhà thơ Võ Quê, năm 1961, cụ Ưng Bình mất ở đây, Châu Hương Viên chìm vào dĩ vãng, nhất là khi con cái cụ đều đi làm ăn xa. Ngôi nhà một thời của chủ soái “Hương Bình thi xã” trở nên điêu tàn.
Năm 1985, từ TP.HCM ra Huế, nhà thơ Tôn Nữ Hỷ Khương được Ủy ban Mặt trận tổ quốc tỉnh Thừa Thiên - Huế hứa sẽ dùng Châu Hương Viên làm nhà lưu niệm cụ Ưng Bình. Kế tiếp, năm 1997, nhân sự kiện Huế tổ chức hội thảo kỷ niệm 120 năm ngày sinh cụ Ưng Bình, bà Tôn Nữ Hỷ Thọ - đại diện gia đình - đã ký biên bản tặng ngôi nhà cho Nhà nước để làm một địa chỉ văn hóa, nhưng không nhận được bất kỳ hồi đáp nào từ phía chính quyền.
Đến năm 2001, Hội Văn học nghệ thuật và Hội Khoa học lịch sử tỉnh Thừa Thiên - Huế tổ chức kỷ niệm 40 năm ngày mất cụ Ưng Bình, có mời cả nhà hát tuồng Đào Tấn (Bình Định) về diễn vở Lộ Địch. Nhà thơ Tôn Nữ Hỷ Khương cũng được mời về dự và như nhiều lần khác, cô chỉ biết nhìn ngôi nhà cũ mà khóc, rồi thấm thía lời dạy của thân phụ: “Ngay cái thân mình đây cũng không phải là của mình”.
Nhà thơ Võ Quê chia sẻ: “Dịp tết Kỷ Hợi vừa rồi, tôi có vào Sài Gòn, gặp đại diện gia đình bà Tôn Nữ Hỷ Khương. Mọi người đều nhất trí giao Châu Hương Viên lại cho tỉnh tu sửa thành địa chỉ sinh hoạt văn hóa của Huế, nơi có thể tổ chức những buổi sinh hoạt thơ, những chương trình biểu diễn ca Huế. Chúng tôi sẽ đồng hành cùng gia đình trong nỗ lực kêu gọi sự chung tay của chính quyền, các ban ngành liên quan, để mong ước ấy trở thành hiện thực”.
|
Lộc Minh đình - nhà riêng của Ưng Bình Thúc Giạ Thị, tọa lạc trong Châu Hương viên, giờ đổ nát, hoang tàn |
Nếu thực hiện tốt, ngoài việc là nơi tổ chức các hoạt động biểu diễn, Châu Hương Viên còn có thể khai thác như địa điểm du lịch. Tiến sĩ Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho biết: ngành văn hóa đã trao đổi với gia đình bà Tôn Nữ Hỷ Khương về thủ tục bàn giao Châu Hương Viên cho địa phương. Đồng thời, sở cũng tiến hành khảo sát, nghiên cứu và đánh giá lại toàn bộ công trình, để có kế hoạch tu sửa. Trước mắt, sẽ có giải pháp chống mối mọt và chống đỡ cho ngôi nhà tránh mưa bão.
Câu hò mái nhì bên bến Văn Lâu đã vang vọng đến tận trời Âu, Á. Những bài ca Huế nổi tiếng như Đêm Thất tịch, Phong cảnh và nhân vật Vỹ Dạ, Đầu lạ sau quen cũng đã thoát thai từ Châu Hương Viên, trong ánh đèn dầu hắt bóng ông già khăn đóng áo dài mà tâm hồn dạt dào vận nước lẫn bay bổng gió trăng. Ngoảnh lại nhìn một lần nữa, không thể không buông một câu, rằng lòng người răng mà bạc, thời gian răng mà tàn nhẫn…
Ưng Bình Thúc Giạ Thị tên thật là Nguyễn Phúc Ưng Bình (1877 - 1961), là một vương tôn, con cụ Hiệp Tú Tiểu Thảo Hường Thiết, cháu nội Tuy Lý Vương Miên Trinh. Ông đỗ cử nhân Hán học (năm 1909), được bổ làm tri huyện, rồi tri phủ, bố chánh Hà Tĩnh; khi về hưu được phong hàm Thượng thư, Hiệp tá Đại học sĩ; từng giữ chức Viện trưởng Viện Dân biểu Trung kỳ (1940 - 1945). Ông là một nhà thơ lớn thời cận đại, đã để lại gần 2.000 bài thơ chữ Việt, Hán và vở tuồng nổi tiếng Lộ Địch (dựa theo Le Cid của nhà văn Pháp P.Corneille). Riêng vở tuồng Tào lao chứa 21 làn điệu dân ca Huế, đã góp phần lưu giữ hồn Huế. Ông được xem là người có công lớn trong sự hình thành và phát triển ca Huế thính phòng. |
Thuận Hóa