Cháu hư tại ông bà?

21/06/2022 - 09:42

PNO - Ban ngày đi làm, chiều về quá rảnh rỗi vì không con cái, cũng chẳng nấu nướng, vì có quán cơm đầu hẻm, họ dần đâm hư.

Câu chuyện giữ cháu ngoại của vợ chồng bà Năm ở xóm tôi khá nổi tiếng.  Ông bà có một cô con gái lớn và cậu con trai út. Cô con gái của bà sau khi lấy chồng thì sinh một mạch 4 đứa con: 2 trai, 2 gái.

Vợ chồng con gái bà làm nông, không nuôi nổi bầy con, họ quyết định gửi con cho ông bà để vào TPHCM lập nghiệp. Ở TPHCM, công việc khá ổn, mỗi tháng họ đều đặn gửi tiền về cho ông bà ngoại nuôi 4 đứa cháu.

Ban ngày đi làm, chiều về quá rảnh rỗi vì không con cái, cũng chẳng nấu nướng, vì có quán cơm đầu hẻm, họ dần đâm hư. Chồng rượu chè, bồ bịch. Vợ suốt ngày ghen tuông. Tình cảm rạn nứt dần. Họ ly hôn.

4 đứa cháu vẫn ở với ông bà ngoại và lần lượt đến tuổi dậy thì. 2 đứa con trai lớn có những biểu hiện hư hỏng, bữa học bữa nghỉ, lại đánh nhau với bạn, ông bà thường xuyên bị mời lên gặp giáo viên chủ nhiệm.

Nhiều khi ông về chửi đổng: "Sao tụi mày không về nội mà bấu víu, lại bám hai mạng già này? Nhà nội cách có 3 cây số chứ bao xa?". Có hôm giận quá, ông hốt hết sách vở, quần áo quăng ra hiên.

Ông bà nhận giữ cháu ngoại, để vợ chồng con gái vào Nam lập nghiệp (Hình minh họa)
Ông bà nhận giữ cháu ngoại, để vợ chồng con gái vào Nam lập nghiệp (Ảnh minh họa)

Thế nhưng, các cháu ở với ông bà từ nhỏ đã quen, nhất định không chịu về nhà nội. Các cháu tủi thân vì không được ba mẹ quan tâm, đó là lý do khiến các cháu bỏ học, ông bà ngoại không “quản” được, đòi trả cháu lại cho con gái.

Sau khi ly hôn, con rể ông bà không thể hiện chút trách nhiệm người cha, bỏ đi đâu biệt tăm. Con gái thì đổ thừa cháu hư tại ông bà, rằng mỗi tháng đều gửi tiền nuôi cháu, ông bà chỉ cần để mắt, sao để các cháu hư?

Phía nhà nội cũng đổ thừa ông bà ngoại chỉ biết nuôi, chứ không biết dạy cháu. Sui già vì thế mà từ mặt nhau. Ông bà Năm dù lên tiếng “trả” cháu, nhưng con gái không nhận, đành tiếp tục cưu mang, lấy thân già gần 70 tuổi “chiến đấu” với những hành động ngỗ ngược của 2 cháu trai.

Đến khi tròn 18 tuổi, 2 đứa cháu trai lần lượt rời ông bà, đòi vào TPHCM tìm ba. Thành phố hoa lệ, đầy cám dỗ, cuối cùng cả 2 rơi vào con đường trộm cắp, nghiện ngập, có thời gian phải ngồi tù.

Sau khi ra tù, thằng cháu lớn của bà Năm trở về nhà, đòi ông bà chia đất cho mẹ, theo nó thì “trước sau gì cũng phải chia”, trong khi ông bà ngoại chưa có ý định phân chia tài sản. Nó còn hăm dọa ông bà đủ điều.

Câu chuyện nuôi cháu của ông bà Năm là như vậy. Quê tôi, nhiều cặp vợ chồng vào Nam lập nghiệp, gửi cháu lại cho ông bà. Nhưng từ câu chuyện của gia đình bà Năm, họ lấy đó làm bài học kinh nghiệm: Cha mẹ phải trực tiếp nuôi dưỡng con cái. Ông bà, có thể giữ cháu khi con cái bận rộn, hay gặp sự cố bất ngờ, chứ không thể thay ba mẹ dạy dỗ, nuôi dưỡng toàn tập. Nếu muốn lập nghiệp nơi khác, ba mẹ cũng nên mang con theo cùng. Anh con trai út của ông bà Năm lấy vợ, ra riêng, mặc dù ở rất gần nội, ngoại, nhưng vợ chồng anh tự tay chăm đứa trẻ. 

                                                                                                                                                                    Thu Mây

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI