Trình bày trước Hội đồng xét xử (HĐXX), bà Trương Huệ Vân (cựu Phó TGĐ Tập đoàn quản lý Bất động sản Windsor, gọi tắt là Tập đoàn WMC và Công ty An Đông), cháu gái bà Trương Mỹ Lan cho biết, thời điểm đó bà phụ trách quản lý tòa nhà thương mại dịch vụ, không quản lý các hoạt động tài chính.
Khi nhận các hợp đồng, chứng từ do ông Nguyễn Hữu Hiệu (cựu phó TGĐ tài chính Tập đoàn WMC và Công ty An Đông) trình lên, bà Vân không có đọc qua. Hơn nữa, thấy các lãnh đạo khác đã ký vào rồi nên bà Vân cũng đặt bút ký vào chỗ đã có các chữ ký nháy. Trong thời điểm đó, bà Vân không tham gia bất kỳ cuộc họp nào liên quan đến phát hành trái phiếu
Chỉ khi làm việc với cơ quan điều tra, bà Vân mới biết đó là hợp đồng, chứng từ để Tập đoàn WMC chuyển 13.000 tỉ đồng cho Công ty CP Đầu tư An Đông để mua sơ cấp 2 mã trái phiếu của Công ty An Đông. Trong khi đó, theo bà Vân thì công ty WMC không hề có 13.000 tỉ đồng để mua sơ cấp trái phiếu.
“Đến giờ bị cáo mới biết mình sai, bị cáo chấp nhận mọi trách nhiệm. Bị cáo chỉ làm việc hưởng lương 80 triệu đồng/tháng, không hưởng lợi gì từ quá trình giao dịch 2 mã trái phiếu này. Bị cáo không hề có chủ đích lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người dân, bị cáo gửi lời xin lỗi tới các nhà đầu tư đã mua trái phiếu của công ty An Đông” – bà Trương Huệ Vân nói.
|
Bà Trương Huệ Vân (cựu Phó TGĐ Tập đoàn quản lý Bất động sản Windsor, gọi tắt là Tập đoàn WMC và Công ty An Đông) tại toà. |
Theo cáo trạng thì bà Trương Huệ Vân đã giúp sức cho bà Trương Mỹ Lan cùng đồng phạm chiếm đoạt hơn 13.000 tỉ đồng của hơn 20.000 bị hại.
Em dâu bà Trương Mỹ Lan là bà Ngô Thanh Nhã (cựu TGĐ Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và cựu Chủ tịch HĐQT Công ty An Đông) cũng gửi lời xin lỗi tới các nhà đầu tư vì dù là chức Chủ tịch HĐQT nhưng bản thân bà chỉ làm việc hậu cần, không hề có kiến thức về kế toán, phát hành trái phiếu.
Khi bà Trương Mỹ Lan chỉ đạo ký giấy tờ gì thì bà Nhã đều ký theo mà không nhớ đó là giấy tờ gì. Bà Nhã khẳng định, bà không biết Công ty An Đông phát hành trái phiếu để làm gì, bà cũng chưa từng được bà Trương Mỹ Lan trao đổi về những khách hàng mua trái phiếu của An Đông.
Trong khi đó, theo cáo trạng truy tố thì sau khi tiếp nhận chủ trương phát hành trái phiếu, bà Ngô Thanh Nhã đã chủ trì họp với các cán bộ chủ chốt của Công ty An Đông, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Công ty SPG, Công ty Sunny World, yêu cầu họ phối hợp thực hiện.
Sau đó, bà Nhã ký quyết định phê duyệt phương án phát hành trái phiếu An Đông để các cấp dưới thực hiện. Theo đó, Công ty An Đông hợp tác đầu tư dự án Khu công viên Mũi Đèn Đỏ với chủ đầu tư là Công ty SGP.
Sau khi Công ty An Đông phát hành trái phiếu, bà Nhã với tư cách là người đại diện pháp luật đã ký ủy nhiệm chi 5 giao dịch thanh toán tiền mua bán trái phiếu. Hành vi này giúp hoàn thành chuỗi các giao dịch khống để tạo lập 2 mã trái phiếu, chiếm đoạt gần 25.000 tỉ đồng của hơn 30.000 bị hại.
“Sau khi làm việc với cơ quan điều tra, bị cáo rất sửng sốt, không nghĩ rằng những chữ ký phát hành trái phiếu lại gây thiệt hại quá lớn cho nhiều người. Bị cáo chỉ là người làm công ăn lương theo tháng, không hưởng lợi gì từ việc ký phát hành trái phiếu này. Hiện tại bị cáo đã nhờ gia đình nộp khắc phục hậu quả 2 tỉ đồng, bị cáo sẽ tiếp tục vận động gia đình nộp thêm tiền để khắc phục hậu quả” – bà Ngô Thanh Nhã trình bày.
Các bị cáo khác như ông Kwok Hakman Oliver (cựu TGĐ Công ty An Đông) khai cũng ký nhiều hồ sơ, thủ tục, chứng từ để phát hành và giao dịch trái phiếu theo chỉ đạo của bà Trương Mỹ Lan mà không hề đọc nội dung bên trong là gì.
Bà Trương Thị Kim Lài (cựu kế toán Công ty An Đông) khai làm theo chỉ đạo của ông Oliver và ông Nguyễn Hữu Hiệu (cựu phó TGĐ tài chính Công ty An Đông) cũng ký 69 uỷ nhiệm chi theo chỉ đạo để Công ty An Đông chuyển hơn 25.000 tỉ đồng khống cho Công ty cổ phần Tập đoàn Sài Gòn Peninsula (Công ty SPG). Từ đó, giúp sức cho bà Trương Mỹ Lan và đồng phạm chiếm đoạt gần 25.000 tỉ đồng của hơn 30.700 bị hại.
Thanh Hoa – Bích Trần
Trong ngày 20/9, TAND TPHCM đã xét hỏi được 19 bị cáo liên quan đến hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” trong việc phát hành trái phiếu các công ty An Đông, Sunny World, Quang Thuận và Setra. Tất cả các bị cáo đều thừa nhận vi phạm tội như cáo trạng nêu và giữ nguyên các lời khai tại cơ quan điều tra và cho rằng: từ năm 2018 đến năm 2020, bà Trương Mỹ Lan là người đã đề ra chủ trương và chỉ đạo các bị cáo như: Đinh Văn Thành (cựu Chủ tịch HĐQT SCB), ông Võ Tấn Hoàng Văn (cựu TGĐ SCB); Nguyễn Phương Hồng (cựu phó TGĐ SCB, đã mất), ông Nguyễn Tiến Thành (cựu Chủ tịch, Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán TVSI, đã mất) và ông Hồ Bửu Phương, (Phó TGĐ Tập đoàn VTP), sử dụng 4 Công ty An Đông, Sunny World, Quang Thuận và Setra phát hành 25 mã trái phiếu “khống”, bán cho các nhà đầu tư, thu về tổng số tiền hơn 30.000 tỉ đồng. Số tiền này do bà Trương Mỹ Lan sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau, không đúng mục đích phát hành dẫn đến mất khả năng thanh toán nợ trái phiếu. Đồng thời, các bị cáo nêu trên đều xác định việc truy tố của Viện kiểm sát là đúng người, đúng tội, không oan sai. Ngoài tiền lương, các bị cáo không được hưởng lợi gì từ việc phát hành trái phiếu. Các bị cáo đều khai thực hiện theo chỉ đạo, là người làm công ăn lương, tin tưởng các chủ trương do bà Trương Mỹ Lan đề ra, các bị cáo rất hối hận và không hình dung được hành vi của mình đã gây ra thiệt hại quá lớn cho người dân, các bị cáo sẽ cố gắng sắp xếp tài chính để khắc phục hậu quả vụ án và xin HĐXX khoan hồng giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo. |
Thanh Hoa - Bích Trần