Cháu có nên gọi cho người mà cháu nghĩ là ba?

24/09/2020 - 10:59

PNO - Bao lần cháu hỏi ba, lúc thì mẹ nói là ba ở nước ngoài, lúc lại nói ba cháu chết rồi…

Chú Ti Vi ơi, 

Mẹ cháu là mẹ đơn thân, bao lần cháu hỏi ba cháu, lúc thì mẹ nói là ba ở nước ngoài, lúc lại nói ba chết rồi… Nói chung cháu không biết gì về ba cả. Mẹ còn nói, mẹ nuôi con đầy đủ rồi, thiếu gì nữa đâu mà hỏi ba hoài.

Thật ra cháu chẳng thiếu gì, vì bên nhà ngoại cũng thương và mua cho cháu nhiều quà, nhưng cháu vẫn có quyền được biết ba cháu là ai phải không chú? 

Một lần, cháu đọc trộm tin nhắn của mẹ, thấy mẹ nhắn rất nhiều cho một số điện thoại, lại kể nhiều chuyện về cháu. Từ đó, cháu chăm chỉ đọc trộm tin nhắn của mẹ và nghi là người nhận tin là ba của cháu. Vì những tin nhắn đó luôn kể về cháu, như là cháu đòi đi chơi xa với bạn, cháu không chịu ăn rau, cháu cãi lời mẹ…Người nhận tin nhắn trả lời ngắn gọn thôi, chỉ là ok, vậy hả…

Vậy cháu có nên bí mật gọi cho người nhận tin nhắn không chú?

Biết đâu, người đó là ba cháu? Chú nghĩ sao?

Cháu H.N.

Mẹ cũng có thế giới riêng tư cần được tôn trọng. Ảnh minh họa
Mẹ cũng có thế giới riêng tư cần được tôn trọng. Ảnh minh họa


Cháu H.N. thân mến,

Chú đang tưởng tượng về ba cháu, một người đàn ông cách đây mười mấy năm vì một lý do, một hoàn cảnh nào đó đã có một đứa con cùng một người phụ nữ. Rồi cũng vì một lý do, một hoàn cảnh nào đó, người phụ nữ ấy phải nuôi con một mình, nhưng vẫn chăm chỉ nhắn tin về tình hình đứa bé.

Trong lòng người đàn ông này hẳn đang rất khó xử, chỉ muốn quên đi nhưng vẫn phải lịch sự, không muốn làm người phụ nữ kia phật lòng, cho nên mới trả lời ậm ừ, “OK” với “vậy hả”, toàn là những câu trả lời… chú vẫn trả lời người khác trong lúc lơ đãng hoặc muốn cho xong chuyện. 

Thế rồi một ngày, người đàn ông ấy nhận được điện thoại từ một cô bé (chú tin cháu là nữ) xưng là con mình. Chú không biết nếu gọi điện thì cháu sẽ bắt đầu như thế nào? “Chào chú, chú có phải là bố cháu không?” hay “Chào chú, chú là gì với mẹ cháu?” hay “Chào chú, cháu là con của mẹ A., chú có biết bố cháu là ai không?”…

Chú nghĩ, cách nào thì cũng khiến người đàn ông ấy không vui, thậm chí rất khó chịu. Câu chuyện giữa hai người lớn (bất kể là chuyện gì) nay để một đứa trẻ xen vào có thể sẽ ngoặt sang một hướng khác ảnh hưởng tới nhiều thứ.
***

Khi nhận thư tâm sự của những người con không biết mặt cha, cái câu phổ biến nhất là: “Tôi cũng có quyền biết cha tôi là ai chứ!”. 

Đúng, ai cũng có quyền biết về thông tin ấy như quyền biết tên cô chủ nhiệm, biết thời khóa biểu tuần này học gì, biết cái món mà quán dọn ra trước mặt mình gọi là gì… Cái chữ “quyền” ấy nó chỉ có ý nghĩa rằng việc tò mò của cháu là chính đáng, nhưng còn biện pháp làm sao để thỏa được nỗi tò mò ấy lại là việc khác cháu nhé: nó có những giới hạn cháu phải tôn trọng.

Lấy ví dụ: cháu có quyền được biết trong bảo tàng hiện đang bày tranh gì, nhưng cháu phải tôn trọng giờ mở cửa, giá vé vào cửa, quy định của bảo tàng ấy. 

Cho nên theo chú, cháu cứ việc tò mò nghĩ ba mình là ai, nhưng không được điện thoại cho người nào mà cháu nghĩ là ba mình, ngay cả khi cháu nghĩ việc để cháu ra đời thế này là một cái tội to, và cháu cần hỏi tội một cách nghiêm khắc (chắc chắn là cháu không nghĩ thế rồi!).

Cháu không nên xâm phạm sự riêng tư của mẹ cháu (cũng như sau này cháu lớn, mẹ cháu không thể lục điện thoại, tin nhắn của cháu rồi gọi đến cho các đối tượng “tình nghi” để dò hỏi). Cháu cũng không nên đẩy người đàn ông kia vào hoàn cảnh mà mình biết là người ta không thoải mái. Biết đâu đó chỉ là một người yêu mới của mẹ thì sao? Nếu quả thực người đàn ông đó là ba cháu thì cứ để yên cho ba cháu sống vui đi, khi nào ba cháu có nhu cầu nói chuyện với cháu thì ông sẽ chủ động nói chuyện với cháu hay hỏi han nhiều hơn về cháu.

Tóm lại, cháu đang được mẹ nuôi dưỡng đầy đủ, bản thân cháu cũng không biết quan hệ tình cảm, tài chính của ba mẹ cháu hiện thế nào, thế thì cháu cứ để họ sống đời của họ, và biết ơn họ đã cho cháu ra đời, lành mạnh, biết suy nghĩ thấu đáo để có thể… viết thư cho báo. Ta sẽ không lội ngược lịch sử để bàn về vấn đề đạo đức ở đây, vì chuyện một đứa bé ra đời và lớn lên mà không có cha thì có rất nhiều lý do, ta có thể thấy là không chính đáng nhưng người trong cuộc lại thấy là chính đáng.

Đời là vậy, ta nên vui sống với những gì mình đang có trong hiện tại, không dằn vặt về những việc đã qua, khi mà những việc ấy không phải do ta làm ra.

Chú Ti Vi

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
  • thuy anh 24-09-2020 11:38:03

    chú TV khuyên như vậy chỉ dành cho người lớn có thể làm ngơ sự thể sau khi đã trãi nghiệm đã đời các đau khổ, còn cháu gái đang lớn, cháu có quyền thắc mắc, tò mò, truy ra người đã tạo ra mình. chú TV có tự đặt chú trở về tuổi teen khi trả lời cho cháu này ko? Tôi cũng là mẹ đơn thân, nhưng tôi có kết hôn và con tôi hợp pháp, nhưng vì cha nó quá tệ nên tôi bỏ để nuôi dạy con theo định hướng của tôi. tôi đặt ra 1 câu chuyện về cái chết của cha nó, nói với mọi người xung quanh y vậy để cháu lớn lên theo câu chuyện đó. theo từng lứa tuổi từ khi cháu 3 tuổi tới 10 tuổi, cháu vài lần hỏi về cái chết của cha cháu, tôi nhớ lại tuổi thơ của mình, đặt mình vào tuổi của cháu để trả lời thắc mắc của cháu cho cháu hiểu được. Người mẹ này nên gần gũi với con hơn, để coi con đã đủ tuổi để nghe sự thật chưa. và chỉ có người mẹ mới có thể giải đáp được thắc mắc của con. chúc con sống vui tươi dù sự thật là gì nhé bé.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI