edf40wrjww2tblPage:Content
Vỡ lách khi chơi cầu trượt
Ông Trần Chánh Thành kể: "Khoảng 10g, ngày 2/1/2015, con tôi là Trần Công Danh được người thân dẫn đi chơi ở Công viên nước Đại Thế Giới. Đến khoảng 12g, cháu Danh chơi ở cầu trượt có tên “Đường đua cao tốc”, đến lượt trượt thứ hai, vừa trượt hết máng trượt, chưa kịp ngoi lên mặt nước thì cháu Danh bị một người đàn ông trượt phía sau đạp vào người. Đến giờ ăn cơm, cháu Danh đau và khó thở, người nhà hỏi thì nghe cháu kể sự việc trên. Lập tức, Danh được đưa xuống phòng y tế, rồi đưa tới cấp cứu ở BV Nguyễn Tri Phương.
Tại BV Nguyễn Tri Phương, nhận thấy tình trạng của cháu nguy kịch, BV này đã chuyển cháu tới BV Nhi Đồng 1. Tại đây, các bác sĩ chẩn đoán cháu bị sốc mất máu do vỡ lách, buộc phải cắt bỏ. Sau khi cắt bỏ lách, cháu Danh được điều trị từ ngày 2/1 đến ngày 9/1 thì xuất viện".
“Mặc dù được cho là bình phục, nhưng việc phẫu thuật cắt bỏ lách gây ảnh hưởng rất lớn cho sức khỏe của con tôi, nhất là khi cháu còn quá nhỏ (chín tuổi)", bà Hương, mẹ cháu bé bức xúc.
Theo bà Hương, sau khi sự việc xảy ra, Công viên nước Đại Thế Giới đã thanh toán số tiền 4.010.000đ - chi phí điều trị tại BV Nguyễn Tri Phương và BV Nhi Đồng 1. Tuy nhiên, số tiền ấy không thể sánh với những bệnh tật mà cháu có nguy cơ mắc phải trong tương lai khi hệ miễn dịch bị suy giảm. Hậu quả xảy ra xuất phát từ hành vi lơ là, bất cẩn của các nhân viên cứu hộ Công viên nước Đại Thế Giới. Lẽ ra, khi có người tham gia các trò chơi, công viên phải cử nhân viên cứu hộ thường trực để hướng dẫn, phân luồng người chơi, tránh va chạm, gây tai nạn.
Bà Hương nói: “Hiện con tôi đã đi học trở lại, nhưng cháu thường than mệt, sức khỏe không được như trước, gia đình phải tích cực bồi bổ cho cháu. Gia đình yêu cầu Công ty Cát Tường bồi thường các khoản bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất với tổng số tiền là 537.745.094đ".
Cháu Danh khi điều trị tại bệnh viện
Yêu cầu bồi thường là hợp lý, đúng luật
Trước yêu cầu của gia đình ông Thành, bà Hương, ngày 12/2/2015, Giám đốc Công viên nước Đại Thế Giới Tô Tuệ Nghi đã có thư trả lời nói rõ: “Khi sự việc xảy ra, chúng tôi đã kịp thời đưa cháu Danh đi cấp cứu, theo dõi bệnh trạng suốt quá trình chữa trị và chịu toàn bộ viện phí. Chúng tôi đã chủ động mời ông bà đến bàn bạc để nhận số tiền hỗ trợ là 20.000.000đ. Nay ông bà yêu cầu số tiền bồi thường 537.745.094đ là hoàn toàn vô lý, không có cơ sở, không thể đáp ứng được”.
Ông Nghi nói: “Mặc dù chúng tôi đã bố trí đầy đủ nhân viên trực giám sát tại các vị trí trong hồ nhưng việc cháu Danh va chạm với khách cùng chơi dẫn đến thương tích là sự cố rủi ro, quá bất ngờ, không ai có thể dự đoán trước được. Trong trường hợp này, chúng tôi không có lỗi".
Tiếp đó, ngày 19/3/2015, Công ty Cát Tường đã có buổi làm việc với gia đình cháu Danh. Tại buổi làm việc, gia đình cháu Danh vẫn yêu cầu Công ty Cát Tường bồi thường thiệt hại số tiền 537.745.094đ. Phía Công ty Cát Tường không đồng ý, chỉ muốn hỗ trợ một lần cho gia đình cháu Danh 40.000.000đ.
Trước đề nghị của Công ty Cát Tường, vợ chồng ông Thành yêu cầu: Trước mắt, đề nghị bồi thường cho cháu Danh số tiền 16.500.000 đồng/tháng bao gồm tiền thức ăn, sữa cho cháu Danh, tiền bà Hương nghỉ việc ở nhà chăm sóc con trong 12 tháng với tổng số tiền là 198.000.000đ. Sau thời hạn này, xem xét tình hình sức khỏe của cháu Danh như thế nào, sẽ có hướng giải quyết tiếp. Công ty Cát Tường cho biết sẽ xem xét yêu cầu của gia đình và sẽ có ý kiến trả lời bằng văn bản trong vòng hai tuần.
Trao đổi với phóng viên về sự việc này, luật sư Hồ Nguyên Lễ (Đoàn Luật sư TP.HCM) nhận định: Bất kỳ khu du lịch (KDL) hoặc khu vui chơi, giải trí nào cũng phải có trách nhiệm đảm bảo an toàn cho khách. Khi xảy ra tai nạn trong khuôn viên của KDL mà không do lỗi cố ý của khách thì trước tiên KDL có trách nhiệm giải quyết mọi chi phí điều trị cho khách, sau đó tìm hiểu nguyên nhân và xử lý hậu quả: bồi thường, bồi hoàn hoặc khắc phục hậu quả.
"Trường hợp của cháu Danh, có thể khẳng định ngay đây không phải lỗi của cháu, mà do cách điều hành hướng dẫn trò chơi của nhân viên KDL chưa tốt. Theo quy định của Bộ luật Dân sự, gia đình có quyền yêu cầu KDL bồi thường những thiệt hại của cháu Danh như: thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Trong trường hợp người bị thiệt hại mất hoàn toàn khả năng lao động thì người bị thiệt hại được hưởng bồi thường cho đến khi chết.
Cũng theo Bộ luật Dân sự, KDL phải có trách nhiệm bồi thường khi khách bị tai nạn mà không phải do lỗi của khách, cụ thể: pháp nhân phải bồi thường thiệt hại do người của mình gây ra trong khi thực hiện nhiệm vụ được pháp nhân giao. Cá nhân, pháp nhân và các chủ thể khác phải bồi thường thiệt hại do người làm công, người học nghề gây ra trong khi thực hiện công việc được giao. Do đó yêu cầu bồi thường của gia đình cháu Danh là hợp lý và đúng pháp luật" luật sư Lễ nói.
QUỲNH MAI
Theo các bác sĩ, cắt lách sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm trùng bùng phát biểu hiện bởi nhiễm khuẩn huyết, viêm màng não hoặc viêm phổi. Trẻ em khi cắt lách thường dẫn đến tăng nguy cơ nhiễm trùng máu bởi vi khuẩn. Khoảng 75% người cắt lách có số lượng tiểu cầu tăng cao hơn 400.000/mm3 và một số có thể hơn 1.000.000/mm3 (số lượng tiểu cầu bình thường là 300.000/mm3). Tăng tiểu cầu có nghĩa là tăng nguy cơ gây ra cục máu đông trong hệ thống mạch máu. Ngoài ra, sau cắt lách còn có thể tăng nguy cơ đái tháo đường, giảm bạch cầu đa nhân, tăng hồng cầu… |