Bác sĩ Trần Vĩnh Khanh, Phòng khám Trần Diệp Khanh (Gò Vấp, TP.HCM) cho biết sáng 3/6, các bác sĩ của phòng khám đã cấp cứu tình trạng co giật cho một bé trai 3 tuổi, cân nặng 10 kg ở TP.HCM.
Cháu bé được gia đình đưa đến phòng khám vào sáng 3/6 vì lên cơn co giật, mệt lả người, nôn ói. Cháu bé không hề bị sốt nhưng da xanh xao, tổng trạng gầy yếu.
Ngoài ra, bé không có những dấu hiệu bệnh lý hay dấu hiệu bị thương tổn nào khác. Kết quả đường huyết của cháu bé chỉ có 26mg%, trong khi chỉ số bình thường phải từ 80 đến 115 mg%.
Với chỉ số đường huyết quá thấp như thế này, theo bác sĩ Trần Vĩnh Khanh, chỉ cần đưa cháu đến trễ một chút nữa thì nhiều khả năng bé sẽ rơi vào hôn mê.
Trẻ phải được ăn uống đầy đủ chất. Ảnh minh họa
Các bác sĩ nhận định bé bị hạ đường huyết do quá đói. Và bé liên tục nôn ói không thể uống bằng đường miệng. Ngay lập tức, các bác sĩ đã xử trí bằng cách cho truyền dịch đường. Bé được thở oxy, đồng thời đưa đến bệnh viện để tầm soát thêm các nguyên nhân khác.
Dì của bé kể, trước đó vài ngày, mẹ của bé thấy con trai chán ăn nên đưa con đi khám và được bác sĩ căn dặn: "Kệ con trai. Cứ để con đói thì tự khắc đòi ăn. Khi đó thì mới cho con ăn".
Người mẹ làm theo lời dặn của bác sĩ. Được vài ngày, bé sụt cân và phải đi cấp cứu vì hạ đường huyết.
Trẻ nhỏ thường ham chơi nên sẽ lười ăn.
Bác sĩ Trần Vĩnh Khanh cho rằng người mẹ đã hiểu sai lời dặn của bác sĩ: “Có thể bác sĩ dặn người mẹ không nên ép con ăn, cứ để con đói thì sẽ cho ăn. Tuy nhiên, trẻ con hay ham chơi nên quên ăn. Ba mẹ không ép con ăn nhưng khi đến giờ ăn phải cho cháu ăn, đừng để quá cử ăn lâu qua.
Trẻ ăn ít một chút cũng được. Nếu để bị đói, các cháu sẽ bị hạ đường huyết. Nếu không cấp cứu kịp cháu sẽ hôn mê. Nếu hôn mê kéo dài sẽ có tổn thương ở não không hồi phục và có thể tử vong”.
Khi được khám lâm sàng, trẻ bị hạ đường huyết có các triệu chứng như:
Nhức đầu, hoa mắt, vã mồ hôi, mệt lả, run tay.
Cảm giác đói bụng.
Tay chân lạnh, mạch nhanh.
Rối loạn tri giác, lừ đừ.
Giảm trương lực cơ.
Trường hợp nặng có thể hôn mê, co giật, cơn ngừng thở.
Loại trừ nguyên nhân chấn thương, ngộ độc, viêm não màng não, xuất huyết màng não.
Nhiều trường hợp người trẻ gặp chấn thương, đột tử khi chơi thể dục thể thao quá mức, thường do các bệnh tim cấu trúc, hay rối loạn nhịp mà không biết.
Sống, làm việc trong môi trường nhịp độ nhanh, kích động cảm xúc quá mức là nguyên nhân chính khiến cơ thể bị mất cân bằng âm dương, hao tổn tinh khí...