Cuộc sống của chúng ta có ba loại âm thanh vui tai (xưa gọi là “tam lạc thanh”), bao gồm: tiếng trẻ thơ, âm nhạc và tiếng thầy cô giảng bài. Thế nhưng, thực tế không hẳn lúc nào cũng như vậy. Vì tiếng trẻ con khóc, trong vài trường hợp, không phải lúc nào cũng vui mà kéo theo nỗi lo lắng, sốt ruột, thậm chí cáu bẳn, mâu thuẫn cho các thành viên trong gia đình.
Khu tôi sống giống như một ngôi làng thu nhỏ giữa chốn thị thành. Đó là một con hẻm cụt với khoảng hai mươi gia đình cư ngụ. Phần nhiều, các cặp vợ chồng đều thuộc thế hệ 8X và 9X, những đứa trẻ được sinh ra cũng đang còn khá nhỏ. Đứa lớn nhất cũng chỉ mới khoảng mười tuổi. Còn lại, chủ yếu đang trong giai đoạn “bỉm sữa”.
Cha mẹ chúng làm đủ nghề: công nhân viên chức, kỹ sư, quản lý… vì vậy, giờ giấc đi làm của họ cũng không ổn định. Có khi tăng ca đến khuya mới về. Vấn đề đặt ra là ai sẽ trông nom, chăm sóc mấy đứa nhỏ? Phần nhiều các gia đình đều đi gửi trẻ. Còn một vài hộ thì được bà ngoại vào chăm. Có thể nói, đó là một diễm phúc to lớn với gia đình ấy.
Sống cạnh nhà tôi là hai vợ chồng cùng sinh năm 1992. Họ cưới nhau được hai năm thì sinh được một bé trai bụ bẫm. Ba tháng đầu, bé khá ngoan. Nhưng không hiểu sao dạo gần đây, bé khó ăn khó ngủ, quấy khóc liên hồi. Mới ngày nào, gia đình nhỏ của họ lúc nào cũng hạnh phúc tràn đầy, vậy mà sau khi đứa nhỏ ra đời, cả cha và mẹ trẻ đều hốc hác, gầy rộc thấy thương.
- “Chắc phải nhờ ngoại vào sớm em ạ”, anh chồng vừa nói vừa cố nhướng đôi mắt thâm quầng lờ đờ sau những đêm liên tục mất ngủ vì con.
- “Thì để em ráng mấy bữa nữa coi sao. Ở dưới cũng đang mùa tưới tiêu. Nếu bà lên đây, mình ông ngoại ở nhà cực lắm”, cô vợ lên tiếng trấn an chồng.
Theo dự định ban đầu, hai vợ chồng tính đợi hết thời gian thai sản mới nhờ ngoại lên trông con để đi làm. Còn lại, cả hai sẽ tự xoay xở, với niềm tin mọi việc sẽ đâu vào đó. Nhưng ở tình thế hiện tại, cô vợ chắc cũng chịu hết nổi rồi.
|
Nuôi con so đâu phải chuyện dễ dàng... sao có thể chu toàn được. Hình minh họa. |
Mà cũng đúng thôi, nuôi con so đâu phải chuyện dễ dàng. Huống chi, cả cha và mẹ đứa nhỏ tuổi đang còn trẻ, lại chưa có kinh nghiệm, sao có thể chu toàn được. Dù người mẹ vẫn được hàng xóm mách cho vài mẹo dân gian như treo cây dâu trước cửa, chặt nhánh xương rồng treo trên chỗ ngủ, lót vài nhánh tỏi dưới gối… nhưng xem ra không có tác dụng đối với cậu bé khó tính kia.
Một khi đã quen hơi mẹ, những tiếng khóc ngằn ngặt đòi mẹ của đứa nhỏ khiến bà mẹ trẻ gần như kiệt sức. “A lô! Mẹ ráng thu xếp lên sớm được không? Cháu quấy quá. Chồng con tăng ca suốt, con đuối quá mẹ ơi!”. Cuối cùng cô cũng quyết định gọi về cầu cứu mẹ.
Tất nhiên, trong những lần vợ chồng bàn bạc nhờ người lên trông con giúp, chưa một lần nào bà nội được đề cập, mặc dù bà rất cưng cháu, cứ gọi vào hỏi thăm suốt. Hễ gặp ca khó là kêu bà ngoại, không hiểu tại sao lại vậy.
Có người mẹ nào nghe con than thở mà chẳng mủi lòng, nhất là đối với con gái mới sinh? Thương con mang nặng đẻ đau, giờ lại phải một mình chăm con trong bao nhiêu lúng túng, bà ngoại muốn lên sớm lắm, nhưng vì nương rẫy vào mùa hạn mà không tưới tắm thì uổng cả một năm. Đi không đành, ở nhà thì ruột gan lúc nào cũng lửa đốt vì con cháu. Cuối cùng, bà ngoại đành dứt ruột giao phó việc nhà cho ông.
Hai ngày sau, bà đã có mặt ở Sài Gòn. Sự xuất hiện của bà mang cả mùa xuân vào ngôi nhà nhỏ. Hai vợ chồng mừng vui như múa cờ. Chưa kịp hỏi thăm gì, bà đã chạy thẳng vào buồng, ẵm ngay cu con đang tròn xoe mắt nhìn mà chẳng hiểu chuyện gì đang xảy ra với gia đình mình: “Nào, lại đây với ngoại! Hư cho lắm vào! Ngoại đánh đít nè!”.
Từ khi có ngoại, không biết bà mát tay hay có kinh nghiệm dỗ dành mà bé đỡ khóc hẳn. Không còn cảnh chộn rộn, nặng nề như trước đây nữa. Bé bú ngoan, ngủ ngoan. Bà một mực chu đáo. Chồng an tâm đi làm. Vợ có thời gian chăm sóc bản thân. Quanh đi quẩn lại cũng hết sáu tháng hậu sản. Bé bắt đầu mọc răng. Anh chồng vì không phải gấp gáp như trước nữa, nên cũng có chút thời gian bù khú bạn bè sau những ngày tăng ca mệt nhọc. Có hôm anh về chẳng kịp nhìn con đã ngủ lăn quay, sáng dậy tất tả đi làm, cũng không kịp nhìn con.
“Anh xem nhậu vừa vừa thôi. Ráng về sớm phụ ngoại. Bà thương cháu nên bế cháu cả ngày đó. Em thấy bà mệt lắm, tại bà không muốn vợ chồng mình biết thôi”, nhân lúc hai bà cháu ngủ, cô vợ thủ thỉ với chồng. Anh chồng cũng chỉ ừ hử cho qua rồi thiếp vào giấc ngủ. Trong khi, cái chuyện đi sớm về khuya diễn ra thường xuyên hơn rồi trở thành thói quen. Anh từ một người chồng hiền lành biến thành bợm nhậu lúc nào không biết. Một tuần có khi anh về trễ ba đến bốn lần.
Cô vợ không hài lòng, lâu dẫn đến khó chịu nhưng biết nói với chồng sao bây giờ. Vì những điều cần nói đã nói hết, giờ chẳng lẽ lại làm lớn chuyện, có bà ngoại ở đó, sao coi được. Vậy nên cái không khí tươi vui trong gia đình trẻ diễn ra không lâu. Bà lo chăm bé, ngày càng ít nói chuyện hơn, chỉ hay thở dài. Một vài lần, ngoại còn lén con khóc sau cửa sổ.
Trời đang vào mùa nóng. Thi thoảng lại có những trận mưa, thời tiết ít nhiều ảnh hưởng đến trẻ nhỏ. Đêm hôm qua tự nhiên bé khóc rất to và kéo dài. Sáng ra, mắt cả ba người lớn trong nhà gần như mở không lên. Đứa trẻ cũng lả đi, thiếp được một lúc. Hỏi ra mới biết, bé đang sốt nhẹ, lại mọc một lúc hai cái răng nên đâm ra quấy khóc, bỏ cả bú.
Cả nhà không biết phải làm sao cho cháu bớt quấy. Hàng xóm khuyên đưa bé đến bệnh viện. Bé phải ở lại điều trị vì bác sĩ bảo hạ ka-li, rất nguy hiểm. Nhưng hôm đó, cũng chỉ có bà ngoại ở cùng cháu. Cô vợ chạy ra chạy vào vì còn công việc. Anh chồng đang vào mùa bàn giao sản phẩm nên không nghỉ được.
Cũng may là năm ngày bé được xuất viện, nhưng vẫn ăn rất ít và còn quấy khóc. Hôm đó anh tăng ca đến 9g đêm. Về đến nhà thì mệt rũ người. Chưa kịp ngả lưng thì cái cảnh con mọn, nhà cửa bộn bề nhếch nhác, khiến anh đã mệt còn cảm thấy khó chịu hơn. Đêm, bé lại khóc. Người vợ mấy ngày lui tới bệnh viện đuối quá, vội lay anh chồng: “Anh dỗ con giúp em, em chợp mắt tí rồi trông cho anh ngủ”. Mắt mở không nổi, anh chồng cằn nhằn: “Con khóc thì kêu ngoại bế đi!”.
|
“Ốm trâu còn hơn bạo bò”, anh có đi làm, có mệt mỏi, cũng không là gì so với cái khổ trăm dâu đổ đầu tằm của người đàn bà chăm con |
Cô vợ cũng thương chồng, nên gượng chút sức lực còn lại, bế con ra ngoài, vừa dỗ con, vừa lau những giọt nước mắt tủi thân lăn dài trên má. Nước mắt phần nào xoa dịu nỗi buồn, nhưng phải khóc to thì mới đỡ sầu đỡ tủi. Còn người mẹ trẻ ôm con mà lòng nén chặt, chỉ nước mắt là thứ không ngăn nổi, nên cứ mặc sức chảy dài. Thi thoảng nấc nghẹn ở cổ, cô cố dồn hết hơi thở ra. Trời gần sáng, cô gần như kiệt sức và phải nhập viện cấp cứu. Bà ngoại lại một mình, vừa cơm nước cho con, vừa ầu ơ với cháu.
Ngồi bên vợ, anh chồng cảm thấy day dứt vô cùng. Nếu hôm qua anh chịu khó một chút thì đã không đến nông nỗi này. “Ốm trâu còn hơn bạo bò”, anh có đi làm, có mệt mỏi, cũng không là gì so với cái khổ trăm dâu đổ đầu tằm của người đàn bà chăm con. Thấm được điều đó, anh bỏ nhậu và quyết định không tăng ca nữa để dành thời gian nhiều hơn cho gia đình, để gánh nặng không đè hết lên vai bà ngoại. Những trò đùa trẻ con của anh đã khiến cho thằng bé vui vẻ hẳn ra. Tiếng cười trở lại ngôi nhà nhỏ. Trong đó, tiếng của đứa trẻ vẫn át đi tất cả. Vì nó thực sự là một âm thanh vui.
Ngọc Mai