Châu Âu vượt mốc 250.000 ca tử vong, biểu tình tại Cộng hòa Séc vì COVID-19

19/10/2020 - 07:27

PNO - Với hơn 250.000 người tử vong, châu Âu trở thành khu vực bị ảnh hưởng nặng nề thứ hai trên thế giới, chỉ sau Mỹ Latinh và Caribe.

Châu Âu vượt quá 250.000 ca tử vong vì COVID-19

Ngày 18/10, châu Âu đã vượt qua cột mốc 250.000 người chết vì COVID-19. Các nước liên tục tăng cường hạn chế nghiêm ngặt trong cuộc sống hàng ngày để giải quyết số ca nhiễm mới virus tăng vọt, với mức tăng 44% được ghi nhận trong tuần qua.

Lệnh giới nghiêm ban đêm đối với hàng triệu người đã có hiệu lực ở Pháp vào cuối tuần này, trong khi đó Thụy Sĩ yêu cầu tất cả công dân phải đeo khẩu trang ở nơi công cộng.

Với hơn 250.000 người tử vong, châu Âu trở thành khu vực bị ảnh hưởng nặng nề thứ hai trên toàn cầu, chỉ sau Mỹ Latinh và Caribe, nơi có số người chết đã vượt quá 350.000 người.

Châu Âu vượt quá 250.000 ca tử vong vì COVID-19.
Châu Âu vượt quá 250.000 ca tử vong vì COVID-19

Anh là quốc gia đứng đầu về số bệnh nhân tử vong tại châu Âu, chiếm gần 1/5 số người chết trên lục địa. Hiện, chính quyền Anh đang áp đặt các biện pháp kiểm soát theo khu vực để hạn chế thấp nhất thiệt hại về kinh tế.

Bên cạnh đó, trong 24 giờ qua Pháp đã ghi nhận gần 30.000 trường hợp mắc mới COVID-19. Khoảng 1.900 bệnh nhân hiện đang được chăm sóc đặc biệt, trên tổng công suất 5.800 giường bệnh.

Chính phủ Pháp đã ban hành lệnh giới nghiêm từ 9 giờ tối đến 6 giờ sáng, ít nhất trong 1 tháng tại 9 thành phố, bao gồm cả Paris, có quy mô dân số 20 triệu người. Những người bất tuân lệnh sẽ phải đối mặt với khoản tiền phạt 135 € (158 USD), trừ khi họ chứng minh được mình có lý do hợp lệ để vắng mặt.

Ngoài ra, Thủ tướng Ý Giuseppe Conte cũng công bố một loạt biện pháp mới đối với các quán bar và nhà hàng nhằm giải quyết số ca nhiễm virus đang gia tăng.

Hàng nghìn người biểu tình phản đối các biện pháp hạn chế tại Cộng hòa Séc

Cảnh sát cho biết họ đã sử dụng hơi cay và vòi rồng tại một cuộc biểu tình bạo lực, được tổ chức vào ngày 18/10, ở Praha để chống lại các biện pháp của chính phủ nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19.

Hàng nghìn người biểu tình, bao gồm cả những người hâm mộ bóng đá "cực đoan" đã tập trung tại Quảng trường Phố Cổ lịch sử của thủ đô để yêu cầu Bộ trưởng Y tế Roman Prymula từ chức, người đứng sau các lệnh hạn chế nghiêm khắc.

Hàng nghìn người biểu tình phản đối các biện pháp hạn chế tại Cộng hòa Séc.
Hàng nghìn người biểu tình phản đối các biện pháp hạn chế tại Cộng hòa Séc

Cuộc biểu tình trở nên khốc liệt khi đám đông và cảnh sát xô xát sau khi nhà chức trách bắt đầu giải tán những người biểu tình.

"Những người tham gia tấn công cảnh sát mà không có bất kỳ lý do gì. Chúng tôi đã sử dụng vòi rồng, hơi cay và súng phun nước, khoảng 20 sĩ quan đã bị thương” - cảnh sát trưởng Praha Tomas Lerch nói với các phóng viên.

Cảnh sát cho biết họ đã bắt giữ khoảng 50 người trước cuộc biểu tình và thu giữ pháo hoa, dùi cui...

Cộng hòa Séc là quốc gia có tỷ lệ số ca nhiễm và tử vong do COVID-19 trên 100.000 dân cao nhất tại châu Âu. Tính đến sáng 19/10, đất nước có quy mô 10,7 triệu dân đã báo cáo hơn 170.000 trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 và hơn 1.400 người tử vong.

Twitter xóa bài đăng sai lệch về COVID-19 của cố vấn Tổng thống Donald Trump

Ngày 18/10, Twitter đã xóa một tweet "gây hiểu lầm" khi hạ thấp hiệu quả của việc đeo khẩu trang được đăng bởi Tiến sĩ Scott Atlas, cố vấn COVID-19 hàng đầu của Tổng thống Donald Trump.

Cụ thể, Tiến sĩ Scott Atlas tiếp tục giảm thiểu tầm quan trọng của biện pháp đeo khẩu trang thông qua bài đăng trên Twitter ngày 17/10, nói rằng: "Khẩu trang hoạt động? Không".

Ngay lập tức, Twitter đã xóa tweet và nói rằng nó đã vi phạm chính sách thông tin sai lệch về COVID-19, nhắm vào các tuyên bố đã được các chuyên gia xác nhận là sai hoặc gây hiểu lầm.

Nhà Trắng không đưa ra bình luận ngay về quyết định này.

Theo CNN, số ca nhiễm mới SARS-CoV-2 tiếp tục gia tăng ở 29 bang trên khắp nước Mỹ. Tại bang Connecticut và Florida báo cáo mức tăng hơn 50%, trong khi 27 bang khác tăng từ 10-50%.

Tiến sĩ Scott Gottlieb, cựu ủy viên Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm, cho biết Hoa Kỳ có lẽ đang bước vào giai đoạn tồi tệ nhất của đại dịch nếu không có chiến lược quốc gia.

"Tôi nghĩ rằng ba tháng tới sẽ rất khó khăn. Thực sự không có gì có thể cản trở lại sự lan truyền virus mà chúng ta đang thấy" - Gottlieb nói với CBS.

Ông nói, số người nhập viện đã tăng lên ở 42 bang và không có sự can thiệp nào của vắc-xin để ngăn chặn sự lây lan. 

Chung Thu Hương (theo Reuters và CNN)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI