Châu Âu "vỡ trận": Thư từ Pháp

11/03/2020 - 08:36

PNO - Người Pháp cho rằng, COVID-19 chỉ là dịch cúm mùa thôi và số tổn thất (về người) mà dịch gây ra ở Pháp thấp hơn do cúm mùa hằng năm rất nhiều.

Một người bạn Việt Nam hỏi tôi, sao bạn cảm giác người Pháp có vẻ “ung dung” trước dịch bệnh thế. Vẫn đi học, đi chơi, nhà hàng, vũ trường, tham gia trượt tuyết, vẫn hội hè miên man… Trong khi đó, ở đất nước bạn, dân tình thì lo lắng, chính phủ thì liên tục áp dụng những biện pháp nghiêm ngặt để quản lý và ngăn chặn việc lây lan COVID-19, ví dụ như đóng cửa trường học, hoãn cấp visa cho các hành khách đến từ quốc gia và vùng lãnh thổ “tâm điểm” của dịch bệnh. Bạn hỏi, sao tôi chẳng sợ hãi gì cả. 

Hành khách đeo khẩu trang tại sân bay Charles de Gaulle, Pháp - Ảnh: Reuters
Hành khách đeo khẩu trang tại sân bay Charles de Gaulle, Pháp - Ảnh: Reuters

Ở Pháp, không phải chính phủ Pháp điều hành, mà là Liên minh châu Âu. Đối mặt với dịch bệnh, chúng tôi gặp cùng một vấn đề như nhập cư, có nghĩa là ai đó có quyền đặt chân đến Ý, đến Croatia, Hy Lạp… người đó cũng được quyền đến Pháp, dù họ có mang mầm bệnh hay không. Thứ hai, Liên minh châu Âu đã hủy quyền kiểm soát biên giới. Ba là, nhìn từ lịch sử, chúng tôi đã chịu đựng quá nhiều từ chủ nghĩa nazis (chủ nghĩa phát xít), đó là một nỗi bất hạnh không có biên giới; nhiều người nói rằng chẳng ích lợi gì khi đóng cửa biên giới; vì thế, vi-rút cũng không có biên giới. 

Người dân Pháp cho rằng, đây không phải tận thế, chỉ là dịch cúm mùa thôi. Và thực ra, số tổn thất (về người) mà COVID-19 gây ra ở Pháp thấp hơn tổn thất do dịch cúm mùa hằng năm rất nhiều. Từ mùa đông sang xuân (tức tháng Ba đến tháng Năm) ở Pháp, năm nào mà chẳng có dịch cúm mùa. Chúng tôi không cần phải sợ hãi vì điều đó.

Vì thế, khi Bộ Y tế Pháp đưa ra những khuyến cáo đối với người dân y hệt như chỉ bảo lũ trẻ con, tôi cảm thấy rất buồn cười. Bạn nghĩ sao về việc rửa tay thường xuyên, về việc hắt hơi trong tay áo, xì mũi một lần vào khăn mùi xoa và vất khăn giấy ngay để không “thả vi-rút” tự do? Tất cả điều đó chẳng phải là hành động vệ sinh bình thường, tối thiểu trong cuộc sống hằng ngày hay sao? 

Kể điều đó, tôi muốn nói rằng, trước thách thức COVID-19, phản ứng của chính phủ chưa kịp thời. Trong thời điểm “dầu sôi lửa bỏng”, cựu bộ trưởng Bộ Y tế Pháp còn từ chức để tham gia tranh cử vị trí thị trưởng Paris cách đây vài tuần lễ. Nghĩa là, chúng ta thấy phần nào sự vô trách nhiệm của những người đứng đầu. 

Trong thời điểm hiện tại, tôi nghĩ, giải pháp có hiệu quả mà chính phủ nên làm là đóng cửa tất cả trường học, và các cơ sở khác. Không còn nhiều tiếp xúc giữa các cá nhân, không có nhiều dịch chuyển cho vi-rút có cơ hội tiếp tục lây lan theo cấp số nhân. Trong khi đó, tại Pháp, chỉ có một số trường học nơi có học sinh bị nhiễm vi-rút hoặc nằm trong vùng ổ dịch bị đóng cửa mà thôi.

Chúng tôi có một làng (Méry-sur-Oise) bị nhiễm vi-rút. Tại sao? Khi dịch bùng phát ở Trung Quốc, chúng tôi nghĩ đến việc đưa dân Pháp sống và làm việc tại nước này trở về Pháp, cách ly họ trong 2 tuần, nhưng đội ngũ phi hành đoàn trên chuyến bay lại không bị cách ly. Chính vì thế, một quân nhân sau nhiệm vụ đó, đã lây vi-rút cho cả làng anh ta. Đó không phải là một sự tắc trách và cẩu thả cực đáng trách từ giới quản lý ư?

Đúng là người dân có thể không sợ hãi, bình tĩnh, ung dung vì cho rằng COVID-19 cũng giống cúm mùa; nhưng chính phủ Pháp, trong vai trò của mình, chẳng lẽ cũng giống chúng tôi? Nếu coi đó là đại dịch, thì phải đóng cửa toàn bộ trong thời điểm nóng của dịch, thắt chặt quản lý. Nhưng chính phủ không thể bảo chúng tôi rằng: “Này, tình hình dịch bệnh cực kỳ đáng lo ngại rồi đấy”. Nhưng họ lại “thả rông” nhà cửa, mặc cho vi-rút đi dạo như vậy? 

Hoặc với chính phủ, COVID-19 cũng không có gì nghiêm trọng. Tôi rất chán việc truyền thông cập nhật số liệu từng ca nhiễm mới và ca tử vong mỗi ngày. Những động thái của chính phủ thì hời hợt, dân tình như những chú cừu đổ xô đi siêu thị gom đồ tích trữ. 

Tôi nghĩ, truyền thông nên ngừng việc phóng đại và dọa dẫm dân tình; hoặc là “ừ, thảm họa, tận thế rồi đó”, và chúng ta xắn tay vào ngăn nó vì sự sống còn bằng cách “đóng băng” mọi hoạt động trong một khoảng thời gian. Bạn biết không, trong lúc dầu sôi lửa bỏng thế mà hôm qua, ở Paris, vẫn có đoàn biểu tình cả chục ngàn người vì môi trường… và hệ thống tàu điện ngầm Paris vẫn mở cửa. Thử hỏi logic giữa lời nói và hành động của chính phủ ở mức nào?

Eddy
(37 tuổi, quản lý hành chính, ngụ ở tỉnh Alpes de Haute Provence) 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI