Châu Âu trước nguy cơ khủng hoảng nguồn nước mặt

16/10/2024 - 20:43

PNO - Cơ quan Môi trường châu Âu cảnh báo, chưa đến 40% lượng nước bề mặt của “cựu lục địa” có chỉ số sinh thái đủ để người dân sử dụng.

Vụ cá chết hàng loạt ở sông Oder, chủ yếu do ô nhiễm từ các mỏ muối và nước thải đô thị, là một chỉ báo về tình hình an ninh nguồn nước ở châu Âu — Ảnh: Getty Images
Vụ cá chết hàng loạt ở sông Oder, do ô nhiễm từ các mỏ muối và nước thải đô thị, là lời cảnh báo về an ninh nguồn nước ở châu Âu - Ảnh: Getty Images

Cơ quan Môi trường châu Âu (EEA) vừa công bố nghiên cứu mới cho thấy, chỉ có khoảng 37% diện tích nước mặt của châu Âu đủ tiêu chuẩn về chỉ số sinh thái và 29% diện tích nước có trạng thái hóa học tốt, dù Liên minh châu Âu (EU) đã đặt ra kế hoạch từ năm 2015 là duy trì các nguồn nước mặt đạt chất lượng tốt, theo báo The Guardian đưa tin ngày 16/10.

Nghiên cứu của EEA sử dụng dữ liệu được tổng hợp từ 19/32 quốc gia thành viên, phát hiện ra rằng các trang trại và khu vực chăn nuôi có tác động lớn nhất đến nguồn nước mặt và cả nước ngầm của châu Âu. Các cơ sở này khai thác quá nhiều nước và thải ra nhiều chất ô nhiễm, kết hợp với tác động của các nhà máy điện chạy bằng than, đe dọa an ninh nguồn nước của “cựu lục địa”. Một số vùng ở Tây và Trung Âu, như Đức và Hà Lan, có tỉ lệ nguồn nước chất lượng kém đặc biệt cao.

Chuyên gia về hóa sinh và quản lý rủi ro môi trường Leena Ylä-Mononen - Giám đốc điều hành của EEA và là tác giả của nghiên cứu - cho biết: “Tình hình nguồn nước của châu Âu không tốt. Những dòng chảy của chúng ta đang phải đối mặt với loạt thách thức chưa từng có, đe dọa đến an ninh nguồn nước của châu Âu”.

Giáo sư Alistair Boxall - chuyên gia về khoa học môi trường tại Đại học York ở Anh - nói về mẫu nước ông lấy được ở suối Welton Beck: “Những dòng chảy trông có vẻ trong lành nhưng không phải vậy, ô nhiễm hóa chất và mầm bệnh đã tràn ngập các tuyến đường thủy của Vương quốc Anh và gây nguy hiểm cho sức khỏe con người”.

Giáo sư Dietrich Borchardt - nhà khoa học về nước thuộc Trung tâm Helmholtz - cho biết: “Tình hình nước ở châu Âu hầu như không được cải thiện trong 2 thập niên”. Các đồng nghiệp của ông ở EEA nhận định, một phần lý do khiến nguồn nước mặt chưa được cải thiện là do các chất ô nhiễm tồn tại lâu như thủy ngân và chất chống cháy brom.

Trine Christiansen - đồng tác giả của nghiên cứu - cho biết: “Nếu có hệ sinh thái nước khỏe mạnh, chúng ta có thể giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu”.

Trường An (theo The Guardian)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI