Châu Âu tìm cách cân bằng quan hệ với Mỹ và Trung Quốc

27/05/2020 - 10:00

PNO - Trong vài tháng qua, tranh chấp địa chính trị ngày càng trầm trọng Trong đó là cuộc chiến về vị thế thống trị giữa Mỹ, châu Âu và Trung Quốc.

Căng thẳng giữa các đồng minh lâu năm càng thêm sâu sắc trong đại dịch COVID-19, khi châu Âu bày tỏ bất đồng trước Tổng thống Mỹ Donald Trump về các vấn đề thế giới trong những tuần gần đây.

Nỗi lo của châu Âu

Mức độ chia rẽ trở nên rõ ràng trong cuộc bỏ phiếu tại hội nghị thường niên của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Geneva, Thụy Sĩ, ủng hộ cách tiếp cận mang tính hòa giải của châu Âu với Trung Quốc - thông qua phương án điều tra về phản ứng của WHO trước đại dịch. Ngược lại, đề xuất cứng rắn hơn từ Mỹ đã bị bác bỏ, một động thái đáng báo động cho Washington.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình,  Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Angela Merkel trong cuộc họp báo  tại Điện Elysée ở Paris, ngày 26/3/2019
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Angela Merkel trong cuộc họp báo tại Điện Elysée ở Paris, ngày 26/3/2019

Trong vài tháng qua, hầu hết mọi tranh chấp địa chính trị ngày càng trầm trọng thêm bởi đại dịch. Đứng đầu trong số này là cuộc chiến ba chiều, lâu dài về vị thế thống trị giữa Mỹ, châu Âu và Trung Quốc. Tổng thống Trump tìm cách đổ lỗi cho WHO về việc đứng về phía Trung Quốc và cắt giảm khoản hỗ trợ 500 triệu USD cho cơ quan này, đồng thời đe dọa rút vĩnh viễn tài trợ nếu WHO không “cam kết cải thiện đáng kể trong 30 ngày tới”.

Ở quan điểm khác, bất chấp những lo ngại sâu sắc về việc xử lý đại dịch của Trung Quốc, các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) ủng hộ nghị quyết của WHO, kêu gọi “một quá trình đánh giá độc lập và toàn diện từng bước, bao gồm sử dụng các cơ chế hiện có, khi thích hợp để xem xét kinh nghiệm và bài học” từ phản ứng toàn cầu đối với COVID -19.

Trong bài phát biểu tại Geneva hôm 18/5, Thủ tướng Đức Angela Merkel, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Tổng thống Thụy Sĩ Simonetta Sommaruga tập trung phản đối việc Mỹ cắt giảm tài trợ cho WHO. Đáng chú ý, ông Macron lên án hành động “đi cửa sau” của Mỹ với Công ty dược phẩm Sanofi của Pháp, nhằm tiếp cận bất kỳ loại vắc-xin tiềm năng nào của công ty trước Pháp.

Trong khi đó, Anh cũng gặp rắc rối với Mỹ trong các cuộc đàm phán thương mại thời hậu Brexit và quyết định cho phép Huawei tiếp cận mạng điện thoại di động 5G. Mỹ tìm cách ép buộc các quốc gia phương Tây tránh lựa chọn công ty viễn thông do Bắc Kinh hậu thuẫn, đe dọa từ chối tham gia các cuộc họp chia sẻ thông tin tình báo với những nước không tuân theo mệnh lệnh.

Áp lực buộc EU phải chọn đồng minh 

Các nhà phân tích từ lâu đã nói về sự kết thúc của một hệ thống do Mỹ lãnh đạo và sự xuất hiện của một thời đại châu Á. Chủ tịch Nghị viện châu Âu Josep Borrell nói với nhóm các nhà ngoại giao Đức hôm 25/5: “Điều này hiện đang diễn ra trước mắt chúng tôi”. Ông nói thêm rằng, đại dịch COVID-19 có thể được coi là bước ngoặt, tạo áp lực để châu Âu lựa chọn đồng minh mới. Theo ông Borrell, khối 27 quốc gia nên tuân theo lợi ích và giá trị riêng, tránh bị một hoặc nhiều nước khác xem như công cụ.

Dù vậy, vẫn chưa thể khẳng định chủ nghĩa hiện thực mới này sẽ đưa EU đi đến đâu trong việc thay đổi mối quan hệ kinh tế với Trung Quốc. Nhập khẩu hàng ngày của EU từ Trung Quốc lên tới 1 tỷ euro trong năm 2019, nhưng các nhà kinh tế cho biết có nhiều dấu hiệu cho thấy một số giao dịch không thể duy trì trong năm nay.

Về các vấn đề từ chuỗi cung ứng đến an ninh viễn thông, đa dạng hóa đã trở thành mẫu số chung. Chủ tịch Borrell tiết lộ, ông rất ngạc nhiên khi phát hiện ra rằng, tất cả các nguồn cung paracetamol (thuốc giảm đau, hạ sốt) của châu Âu đều có nguồn gốc từ Trung Quốc. Vì vậy, nhiều thành viên EU đã có biện pháp riêng để giảm sức ảnh hưởng của Bắc Kinh. Nội các Đức phê chuẩn luật mới để ngăn chặn sự thâu tóm các công ty y tế từ nhà đầu tư nước ngoài. Một cuộc thăm dò được công bố bởi tổ chức Körber-Stiftung cho thấy, 71% người Đức tin rằng sự minh bạch tốt hơn của Trung Quốc có thể làm giảm nhẹ dịch COVID-19. Bộ trưởng tài chính Pháp Bruno Le Maire tuyên bố: “Một số công ty dễ bị tổn thương, một số công nghệ rất mong manh và có thể bị mua bởi các đối thủ nước ngoài với chi phí thấp. Tôi sẽ không để điều đó xảy ra”. Quan hệ Thụy Điển với Trung Quốc cũng gần như tan vỡ.

Vào mùa xuân năm 2019, EU xác định Trung Quốc như “một đối thủ có hệ thống” trong báo cáo chiến lược mang tính bước ngoặt. Thế nhưng ngay sau đó, Ý trở thành quốc gia châu Âu đầu tiên ký kết thỏa thuận đầu tư theo Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc. Nhiều quốc gia châu Âu khác cũng cho phép Huawei tiếp cận mạng 5G của họ.

Về phần Trung Quốc, bản thân Bắc Kinh muốn ngăn chặn sự trượt dốc trong quan hệ với châu Âu. Trung Quốc tuyên bố năm 2020 sẽ là năm của châu Âu với hai hội nghị thượng đỉnh lớn và nhiều sự kiện đáng chú ý; đồng thời tiếp tục bày tỏ thiện chí với các nước Đông Âu trong nhóm 17+1 (Sáng kiến hợp tác giữa Trung Quốc với các nước Trung và Đông Âu). 

Tấn Vĩ (theo CNN, Guardian)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI