Châu Âu lo sợ làn sóng thứ hai của dịch COVID-19

29/07/2020 - 07:51

PNO - WHO cho biết đại dịch COVID-19 là một “đợt sóng lớn” và không theo mùa, cảnh báo các nước tránh tư tưởng chủ quan.

Châu Âu cảnh báo làn sóng thứ hai của dịch COVID-19

Thủ tướng Boris Johnson cho biết, Anh sẽ áp đặt hành động kiểm dịch đối với các quốc gia khác nếu trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 tăng mạnh.

“Nếu chúng ta thấy dấu hiệu của làn sóng thứ hai ở các quốc gia khác, chúng ta phải hành động nhanh chóng và dứt khoát để ngăn chặn du khách quay trở lại, gieo mầm bệnh ở Anh.” - Boris Johnson nói với các phóng viên.

Anh là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất ở châu Âu trong mùa dịch với hơn 300.000 ca nhiễm và gần 46.000 người chết.

Tại Tây Ban Nha, sau khi bãi bỏ lệnh giãn cách xã hội từ cuối tháng 6, số ca nhiễm mới và tử vong bất ngờ tăng vọt, nhất là ở Catalonia và Aragon đã chứng kiến sự gia tăng cao nhất trong những tuần qua. Tuy nhiên, chính phủ vẫn nới lỏng các lệnh hạn chế để khôi phục kinh tế và du lịch.

Trong khi đó, Thượng viện Ý đã phê chuẩn yêu cầu của Thủ tướng Giuseppe Conte gia hạn tình trạng khẩn cấp, mở rộng quyền lực của chính phủ để giải quyết cuộc khủng hoảng sức khỏe do dịch COVID-19 gây ra đến hết ngày 15/10.

Tình trạng khẩn cấp mang lại sức mạnh lớn hơn cho cả chính quyền địa phương và trung ương, bao gồm giúp các bộ trưởng dễ dàng tuyên bố vùng đỏ (vùng nguy hiểm), khi dịch bệnh tái bùng phát cũng như củng cố nguồn lực cho bệnh viện.

Châu Âu lo sợ làn sóng thứ hai của dịch COVID-19.
Châu Âu lo sợ làn sóng thứ hai của dịch COVID-19.

WHO: Đại dịch là một “đợt sóng lớn”, không theo mùa

Người phát ngôn của Tổ chức Y tế Thế giới Margaret Harris mô tả đại dịch COVID-19 là một “đợt sóng lớn” và cảnh báo các nước chống lại tư tưởng tự mãn trong mùa hè ở khu vực bắc bán cầu vì virus không có xu hướng theo mùa.

WHO bày tỏ sự lo lắng khi virus bùng phát mạnh ở Hong Kong, Singapore… cho thấy diễn tiến dịch bệnh đang vượt quá tầm kiểm soát của con người, trong khi toàn cầu đang cố gắng phối hợp chặt chẽ, làm chậm quá trình lây lan của virus. Tổ chức kêu gọi cảnh giác, áp dụng các  biện pháp nghiêm ngặt hơn nữa chống các cuộc tụ họp đông người.

Tính đến 6g30 ngày 29/7, thế giới ghi nhận hơn 16,6 triệu ca nhiễm SARS-CoV-2 và 657.000 người chết.

Một nửa số dân cư khu ổ chuột lớn nhất tại Ấn Độ nhiễm COVID-19

Theo một nghiên cứu được công bố ngày 28/7, hơn một nửa dân cư sống trong khu ổ chuột ở Mumbai, Ấn Độ đã bị nhiễm SARS-CoV-2, dấy lên những nghi ngờ mới về số trường hợp nhiễm chính thức ở Ấn Độ. Trước đó, nhiều chuyên gia cho biết số liệu người nhiễm thực tế tại đây cao hơn rất nhiều so với báo cáo do thiếu xét nghiệm rộng rãi.

Ấn Độ là quốc gia chịu thiệt hại nặng nề thứ 3 thế giới, chỉ sau Mỹ và Brazil, với gần 1,5 triệu trường hợp. Riêng Mumbai, nơi có khoảng 40% dân số sống trong các khu ổ chuột, đã báo cáo chỉ hơn 110.000 ca nhiễm bệnh và hơn 6.000 ca tử vong cho đến nay.

Hiện, các quan chức địa phương đang nỗ lực ngăn chặn sự lây lan của virus một cách hiệu quả nhất, nhằm tránh sự chết chóc và bùng phát dịch mạnh trong các khu ổ chuột, gây áp lực lên hệ thống y tế đã quá tải ở Ấn Độ.

Chung Thu Hương (theo Reuters và CNA)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI