Châu Âu đối mặt nỗi lo "đại dịch ung thư"

16/11/2022 - 06:45

PNO - Các chuyên gia cảnh báo châu Âu đang phải đối mặt với “đại dịch ung thư”, sau khi ước tính có khoảng 1 triệu ca chẩn đoán bị bỏ sót trong đại dịch COVID-19.

 

Ước tính khoảng 1 triệu ca ung thư bị bỏ sót do đại dịch.
Ước tính khoảng 1 triệu ca ung thư bị bỏ sót do đại dịch.

Các chuyên gia y tế hàng đầu cho biết tác động của COVID-19 và sự tập trung vào nó đã bộc lộ “những điểm yếu” trong hệ thống chăm sóc sức khỏe ung thư. Vấn đề này nếu không được giải quyết nhanh chóng sẽ đẩy lùi kết quả điều trị ung thư trong gần một thập kỷ.

Báo cáo phân tích dữ liệu cho thấy, các bác sĩ lâm sàng phát hiện ít số ca mắc bệnh ung thư trong năm đầu tiên xảy ra đại dịch và 1/2 số bệnh nhân mắc bệnh không được phẫu thuật hoặc hóa trị kịp thời. Khoảng 100 triệu buổi khám sàng lọc đã bị bỏ lỡ và ước tính có tới 1 triệu công dân châu Âu có thể mắc ung thư không được chẩn đoán.

Giáo sư Mark Lawler, thuộc Đại học Queen's Belfast, tác giả chính của nghiên cứu mới cho biết: “Chúng tôi ước tính khoảng 1 triệu ca chẩn đoán ung thư đã bị bỏ sót trên khắp châu Âu trong đại dịch. Chúng tôi đang chạy đua với thời gian để tìm ra những trường hợp còn thiếu đó. Chúng tôi lo ngại rằng châu Âu đang hướng tới "đại dịch ung thư'' trong thập kỷ tới, nếu các hệ thống y tế và nghiên cứu ung thư không được ưu tiên khẩn cấp".

Nghiên cứu mới của Ủy ban ung thư Lancet tập hợp nhiều chuyên gia, nhà khoa học về chăm sóc sức khỏe ung thư trên khắp châu Âu.

Báo cáo cho biết thêm cuộc xung đột giữa Ukraine và Nga cũng là một thách thức lớn đối với vấn đề nghiên cứu ung thư ở châu Âu. Bởi Nga và Ukraine là hai trong số những quốc gia đóng góp lớn nhất cho nghiên cứu ung thư lâm sàng trên thế giới.

Trước tình hình cấp bách, các chuyên gia y tế kêu gọi các nước châu Âu cần cải thiện công tác phòng ngừa, chẩn đoán, điều trị và chất lượng cuộc sống cho những bệnh nhân ung thư.

Minh Hương (theo Guardian)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI