Châu Âu đau đầu vì du khách quá đông

29/04/2024 - 06:06

PNO - Số lượng du khách tăng vọt tại các thành phố ở châu Âu đã thúc đẩy những biện pháp kiểm soát du lịch, chẳng hạn như phí vào cửa tại Venice (Ý) dành cho những người đi tham quan trong ngày.

Những người chèo thuyền gondola đưa du khách băng qua Cầu Sospiri đông đúc gần Quảng trường St Mark ở Venice - Ảnh: Getty Images
Những người chèo thuyền gondola đưa du khách băng qua cầu Sospiri đông đúc gần Quảng trường St Mark ở Venice - Ảnh: Getty Images

Các điểm nóng du lịch ở châu Âu như Amsterdam và Venice đã bắt tay vào một chiến dịch nhằm kiểm soát lượng du khách ngày càng tăng.

Tại Venice, Ý, một trong những điểm du lịch hàng đầu thế giới, 3,2 triệu du khách đã nghỉ qua đêm tại trung tâm lịch sử vào năm 2022 – áp đảo thành phố vốn có dân số chỉ khoảng 50.000 người.

Vào ngày 25/4, thành phố bắt đầu tính phí vào cửa cho những người tham quan trong ngày. Du khách phải mua vé €5 (5,30 USD) và các thanh tra viên sẽ tiến hành kiểm tra vé tại các điểm quan trọng trên khắp Di sản Thế giới được UNESCO công nhận.

Vào năm 2021, Ý đã cấm các tàu du lịch khổng lồ đến vịnh Venice vì lo ngại về tác động môi trường của các tàu du lịch khổng lồ đối với thành phố. Venice cũng đã áp dụng thuế đối với du khách qua đêm.

Ở Hà Lan, Amsterdam cố gắng giảm dần những bữa tiệc độc thân ồn ào, vấn nạn ma túy và tình dục. Thành phố đón lượng khách du lịch khổng lồ khoảng 20 triệu người mỗi năm.

Vào năm 2023, chính quyền Amsterdam đã phát động một chiến dịch trực tuyến nhằm ngăn cản những nam thanh niên người Anh đến Amsterdam và say xỉn.

Trong tháng 4/2024, Amsterdam cũng công bố lệnh cấm mở các khách sạn mới và sẽ giảm một nửa số lượng tàu du lịch đường sông trong thành phố trong vòng 5 năm. Năm 2023, họ cũng đã quyết định cấm hút cần sa trên đường phố của khu đèn đỏ.

Thành phố Dubrovnik có tường bao quanh từ thời Trung cổ của Croatia là một trong những thành phố đông đúc nhất châu Âu, cùng với dòng khách du lịch, đôi khi khiến việc đi bộ bên trong khu phố cổ lịch sử cũng trở nên khó khăn.

Viên ngọc quý của biển Adriatic đã chứng kiến lượng du khách tăng vọt, kể từ khi các cảnh trong loạt phim truyền hình Game of Thrones được quay tại đây vào năm 2011.

Năm 2023, thị trấn 41.000 dân này đã đón 1,2 triệu khách du lịch, thấp hơn mức kỷ lục 1,4 triệu được thiết lập vào năm 2019. Đó là năm chính quyền địa phương giới hạn số lượng tàu du lịch cập bến xuống còn 2 chuyến mỗi ngày, mỗi chuyến không quá 4.000 hành khách.

Họ cũng ra mắt một ứng dụng sử dụng máy học và dự báo thời tiết để dự đoán khi nào khu Phố cổ - Di sản Thế giới được UNESCO công nhận - sẽ đông đúc nhất.

Đám đông khách du lịch trên đường phố ở Amsterdam, nơi đã thực hiện một số biện pháp để kiểm soát lượng khách - Ảnh: Getty Images
Đám đông khách du lịch trên đường phố ở Amsterdam, nơi đã thực hiện một số biện pháp để kiểm soát lượng khách - Ảnh: Getty Images

Nằm bên bờ biển Địa Trung Hải, Barcelona là thủ đô của vùng Catalonia, nơi có những tuyệt tác kiến trúc của Gaudi và là một trong những trung tâm bóng đá hàng đầu Tây Ban Nha.

Ada Colau, cựu thị trưởng thành phố từ năm 2015 đến tháng 6 năm 2023, đã trấn áp các hoạt động cho thuê bất hợp pháp trên Airbnb, với lý do du khách góp phần đẩy người dân địa phương ra khỏi thị trường bất động sản.

Thành phố cũng hạn chế các nhóm du lịch vào khu chợ La Boqueria lịch sử, đặc biệt là trong thời gian mua sắm cao điểm. Đồng thời, các nhóm du lịch có tổ chức phải giới hạn tối đa 20 người và hướng dẫn viên không được phép sử dụng loa phóng thanh.

Theo hội đồng thành phố Barcelona, vào năm 2023, số lượng khách du lịch đăng ký tại khách sạn, nhà ở và ký túc xá đã giảm 6,9% so với số liệu năm 2019.

Barcelona là một trong nhiều thành phố ở châu Âu thu thuế du lịch hàng đêm, mức thuế này đã được tăng trong tháng này từ 0,50 euro lên 3,25 euro.

Paris - thành phố đăng cai Thế vận hội Mùa hè 2024 - yêu cầu mức thuế tới 14,95 euro mỗi đêm.

Berlin, Brussels, Lisbon, Praha và Vienna cũng nằm trong số các thành phố châu Âu đặt ra mức thuế du lịch của riêng họ, khoản thuế này thường được cộng vào hóa đơn khi khách trả phòng, nhưng không có thành phố nào cao như ở Amsterdam, nơi yêu cầu 7% chi phí chỗ ở của du khách cộng với mức giá cố định 3 euro/người mỗi đêm.

Thông điệp dành cho du khách được phun sơn trên tường ở Vila de Gràcia, khu phố dành cho nghệ sĩ ở Barcelona - Ảnh: Getty Images
Thông điệp dành cho du khách được phun sơn trên tường ở Vila de Gràcia, khu phố dành cho nghệ sĩ ở Barcelona - Ảnh: Getty Images

Linh La (theo SCMP)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI