Châu Âu đã ngán “thắt lưng buộc bụng”

03/05/2013 - 19:45

PNO - PN - Trong lúc hàng chục ngàn người dân châu Âu đổ xuống đường biểu tình vào ngày lễ Lao động 1/5 để phản đối chính sách “thắt lưng buộc bụng” thì tân Thủ tướng Italia Enrico Letta lại đang công du các nước châu Âu để vận...

Những người biểu tình cho rằng, chính sách “thắt lưng buộc bụng” là nguyên nhân phá hoại nền kinh tế, khiến tỷ lệ thất nghiệp gia tăng. Họ đổ lỗi cho Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu, đã khởi xướng và áp đặt các nước khác phải thực hiện chương trình "thắt lưng buộc bụng" để đổi lấy các gói cứu trợ, khiến thất nghiệp ở Tây Ban Nha lên mức kỷ lục 27%.

Chau Au da ngan “that lung buoc bung”

Chính sách "thắt lưng buộc bụng" tác động đến thị trường lao động (ảnh: Internet)

Tại Hy Lạp, gần 13.000 công nhân xuống đường phản đối việc chính phủ và quốc hội Hy Lạp vừa thông qua một dự luật mới, cho phép cắt giảm 15.000 công chức làm việc trong chính phủ, để đối lấy gói cứu trợ 8,8 tỷ euro từ các chủ nợ quốc tế, trong khi tỷ lệ thất nghiệp trong giới trẻ Hy Lạp đang ở mức thật khủng khiếp: 59%!

Tại Pháp, nơi có số người thất nghiệp ở mức kỷ lục 3,2 triệu người, Thủ tướng Italia tuyên bố sau cuộc hội đàm với Tổng thống Pháp FranÇois Hollande rằng, sự quyết liệt trong việc thực hiện các chính sách “thắt lưng buộc bụng” giờ phải được áp dụng cho những chính sách tăng trưởng. Nhân ngày 1/5, đảng Mặt trận quốc gia cực hữu của bà Marine Le Pen đã tổ chức một cuộc tuần hành mà bà khẳng định “Pháp đang chìm trong chính sách "thắt lưng buộc bụng" vô tận và vô lý”.

Những cuộc biểu tình lớn cũng diễn ra tại Croatia, nơi có tỷ lệ thất nghiệp lên tới 22%, tại Bồ Đào Nha, tại Hy Lạp và thậm chí tại Thụy Sĩ - đất nước không áp dụng “thắt lưng buộc bụng”.

Tuy nhiên tại Đức, “chủ nợ” lớn nhất Liên minh châu Âu, lời kêu gọi của ông Letta nhận được phản ứng thận trọng từ bà Thủ tướng Angela Merkel. Bà Merkel cho rằng, số việc làm mới được tạo ra do đầu tư phải phản ánh hiệu quả của đầu tư. Sau Đức và Pháp, ông Letta sẽ tới Brussels, Bỉ, để tiếp xúc với các lãnh đạo châu Âu, hối thúc thực hiện chính sách phát triển kinh tế trên phạm vi toàn khu vực.

Giới phân tích nhận định, chuyến công du châu Âu của ông Letta là cuộc vận động hành lang để thúc đẩy một sự chuyển đổi sang chính sách tăng trưởng, vốn được Pháp đề xuất đã lâu nhưng bị bác bỏ vì những khó khăn ngân sách.

Minh Anh (AP)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI