Châu Âu chuyển từ “cà rốt” sang “cây gậy” để thúc đẩy người dân tiêm ngừa COVID-19

27/07/2021 - 16:10

PNO - Một số nước châu Âu đang thay đổi chiến lược từ “củ cà rốt” sang “cây gậy” với nhiều biện pháp cứng rắn hơn nhằm thúc đẩy việc tiêm ngừa COVID-19 trước nguy cơ bùng phát những đợt dịch mới do biến thể nguy hiểm Delta.

Hỗ trợ tiền mặt, tặng các gói dữ liệu cho điện thoại di động, mời xem bóng đá miễn phí, cung cấp các bữa ăn ngon… là những gì mà các nhà chức trách ở một số nước châu Âu từng nỗ lực thực hiện để khuyến khích người dân tiêm ngừa COVID-19.

Ở Romania, các công dân được cho ăn món thịt băm nướng cuộn truyền thống sau khi tiêm phòng - Ảnh: Reuters
Ở Romania, các công dân được tặng món thịt băm nướng cuộn truyền thống sau khi tiêm phòng - Ảnh: Reuters

Nhưng nay, trong bối cảnh biến thể nguy hiểm Delta đang hoành hành khắp khu vực, đe dọa nguy cơ tái bùng phát dịch và kéo theo việc áp đặt tình trạng phong tỏa kéo dài vào giữa mùa hè năm nay, chính phủ các nước này đang phải chuyển hướng bằng cách áp đặt các biện pháp cứng rắn hơn nhằm thúc đẩy người dân tiêm ngừa.

Hôm 26/7, Quốc hội Pháp đã thông qua đạo luật yêu cầu người dân nước này phải xuất trình “giấy thông hành sức khỏe”, thì mới được vào nhà hàng, quán bar, đi tàu đường dài và máy bay, kể từ tháng 8. Và các nhân viên y tế ở nước này sẽ phải tiêm chủng bắt buộc từ ngày 15/9.

Tổng thống Pháp Emmanel Macron cũng không loại trừ khả năng bắt buộc tất cả người dân Pháp phải tiêm ngừa nếu tình hình dịch bệnh ở nước này trở nên tồi tệ hơn trong thời gian tới.

Hàng nghìn người đã tham gia các câu lạc bộ đêm trên khắp nước Anh vào ngày 19 tháng 7 khi hầu hết các hạn chế về coronavirus đều bị loại bỏ. Cùng ngày hôm đó, Thủ tướng Anh Boris Johnson thông báo rằng sẽ cần phải có hộ chiếu tiêm vắc xin để vào các hộp đêm trước tháng 9
Hàng ngàn người đã tham gia các câu lạc bộ đêm trên khắp nước Anh vào ngày 19/7 khi hầu hết các hạn chế để phòng dịch COVID-19 đều bị loại bỏ. Cùng ngày hôm đó, Thủ tướng Anh Boris Johnson thông báo sẽ cần phải có hộ chiếu vắc xin để vào các hộp đêm vào tháng 9 - Ảnh: Reuters

Từ giữa tháng 7, Hy Lạp cũng phải đối mặt với tình trạng số ca nhiễm COVID-19 mới ngày càng tăng, đe dọa sự hồi phục của ngành du lịch vốn là một trong những trụ cột chính của nền kinh tế nước này. Mạnh tay hơn Pháp một chút, các nhà chức trách Hy Lạp đã ra lệnh cấm những người chưa được tiêm chủng vào các nhà hàng, quán bar, quán cà phê và rạp chiếu phim trong nhà, đồng thời bắt buộc tất cả các nhân viên y tế phải tiêm ngừa.

Cũng trong ngày 26/7, Ireland đã cho phép cơ sở lưu trú mở cửa trở lại nhưng chỉ được nhận khách có giấy xác nhận tình trạng COVID-19 theo hình thức kỹ thuật số do Liên minh châu Âu cấp hoặc các giấy chứng nhận tương tự do các cơ quan y tế của nước này cấp.

Khách hàng được kiểm tra chứng chỉ trước khi vào một nhà hàng ở Corsica
Khách hàng được kiểm tra chứng chỉ COVID-19 trước khi vào một nhà hàng ở Corsica - Ảnh: AFP

Hôm 23/7, Ý - quốc gia đã bắt buộc nhân viên chăm sóc sức khỏe và làm việc trong ngành dược phải tiêm ngừa COVID-19 từ tháng 4 - cũng cho biết cũng sẽ áp đặt các hạn chế tương tự ở những nơi có không gian kín đối với những người dân không đưa ra được bằng chứng về khả năng miễn dịch. “Thông điệp mà chính phủ chúng tôi muốn đưa ra là, hãy tiêm chủng, tiêm chủng và tiêm chủng”, Bộ trưởng Y tế nước này nhấn mạnh.

Trong khi đó, vùng Galicia của Tây Ban Nha cũng bắt buộc người vào khách sạn hoặc các nhà hàng trong không gian kín phải có giấy chứng nhận đã tiêm chủng hoặc đã làm xét nghiệm COVID-19 với kết quả âm tính.

Ở Bỉ, chỉ những người có giấy chứng nhận đã tiêm vắc xin mới được tham gia các sự kiện ngoài trời có hơn 1.500 người, kể từ ngày 13/8.

Tuy nhiên, những động thái nói trên của các nước châu Âu đã làm khơi dậy sự phản đối và các cuộc tranh luận xoay quanh vấn đề nên để cá nhân tự quyết định việc tiêm vắc xin COVID-19 hay chính phủ các nước nên áp đặt việc này.

Hàng trăm ngàn người Pháp biểu tình phản đối
Hàng trăm ngàn người Pháp biểu tình phản đối các biện pháp phòng chống COVID-19 của chính phủ - Ảnh: Reuters

Bất chấp hơn 160.000 người đã tham gia các cuộc biểu tình phản đối, quyết định của ông Macron đã giúp cải thiện đáng kể tỷ lệ tiêm ngừa ở nước này, ít nhất là trong ngắn hạn. Trên trang Doctolib - một cổng thông tin hỗ trợ đặt lịch tiêm ngừa của Pháp - số lượt đăng ký tiêm ngừa đã tăng lên con số kỷ lục 3,7 triệu chỉ trong một tuần sau khi Pháp ban hành điều luật nói trên. Và trong hai tuần qua, Pháp đã tiêm 4 triệu liều cho người dân nước này, đưa tổng số người đã được tiêm đầy đủ lên 33,2 triệu, đạt tỷ lệ tiêm chủng gần 50% dân số.

Nhất Nguyên (theo CNN, the Guardian)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI